Thế nhưng, thay vì nói đến hai từ “chiến thắng” hay “giải phóng miền Nam”, các tác giả đã quyết định đặt tên bộ phim giản dị nhưng thể hiện góc nhìn đa chiều, khách quan: “30.4 - ngày thống nhất”.
Một cảnh trong phim với AH LLVTND - Đại tá Nguyễn Thành Trung. Ảnh: T.L
Dân tộc Việt Nam là một
Giản dị như chính tên bộ phim, lễ ra mắt bộ phim này được Điện ảnh Quân đội và Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) đã cho một góc nhìn mới, nói như Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị - là: “Chúng ta có cái nhìn rõ hơn về lịch sử”.
Hai năm với nhiều gian truân, vất vả, đạo diễn - NSND Lê Thi và nhà biên kịch - NSƯT Phạm Minh Lợi khai thác nhiều tư liệu quý. Hơn thế, từ những tư liệu đó, cùng những nhân vật đã chứng minh: Sự kiện 30.4.1975 không phải để tìm ra, tôn vinh bên thắng cuộc mà bản chất đó là điểm chốt của quá trình hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước.
Bộ phim bắt đầu từ những hình ảnh TPHCM hôm nay đã đổi thay sau 40 năm với những đổi thay của kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè vốn là điểm tệ nạn xã hội nhức nhối của Sài Gòn, nay đã khang trang. Song, ý đồ của đạo diễn Lê Thi không chỉ phản ánh những đổi thay ấy, mà muốn đặt vấn đề về sự đổi thay trong nhận thức.
Điểm mới của phim chính là sự khéo léo khai thác thông tin ở cả những người hai bên chiến tuyến. Đó là sự xuất hiện của cựu thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ thừa nhận mục tiêu từ hai phía chính là thống nhất dân tộc và “không thể có cái gọi là phục quốc” như luận điệu của các tổ chức phản động ở hải ngoại.
Đó là nhận định khách quan của nguyên Đô trưởng Sài Gòn - tướng Nguyễn Hữu Hạnh - nhận định: “Dân tộc ta là một”. Để khách quan hơn, các tác giả cũng khắc họa một doanh nhân như anh Nguyễn Linh Nhân Đức - một thuyền nhân, nay trở về quê lập công ty chuyên về robot trên biển, đại diện cho hàng triệu kiều bào ra đi 40 năm trước trở về đóng góp vào sự phát triển của dân tộc.
Người xem sẽ ấn tượng về một trường đoạn phim về cái chết của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Mất nhiều công sức, tìm tòi, các tác giả của phim đã đưa tới điểm nhấn là ngôi mộ của hai nhân vật này (với tên thánh chứ không phải tên thật) như một ngụ ý: Nền Cộng hòa đệ nhất đã theo hai ông này xuống mồ, nhưng đất mẹ Việt Nam vẫn bao dung…
Từ quá khứ nhìn về
Không đơn thuần là một câu chuyện về ngày 30.4 theo cách nhìn về quá khứ, bộ phim “30.4 - ngày thống nhất” khéo léo đặt ra những vấn đề của hôm nay - câu chuyện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Các tác giả đã cất công tìm đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - người đang sở hữu khoảng 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó, hơn 200 tấm về Hoàng Sa - Trường Sa, để đề cập đến vấn đề mới là bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đất nước khi nói về ngày đất nước thống nhất. Trong những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, các tác giả đã khéo léo hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về kinh nghiệm cũng như những bài học để giải quyết vấn đề Biển Đông trong tình hình mới.
Đạo diễn, NSND Lê Thi chia sẻ: “40 năm nhìn lại, với những vấn đề đặt ra và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, với việc nhìn lại sự kiện lịch sử của đất nước, bộ phim “30-4 - ngày thống nhất” phân tích tình hình quốc tế, những bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử… để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tập hợp sức mạnh toàn dân, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ…”.
“30.4 - ngày thống nhất” là một bộ phim tài liệu quý với những góc nhìn đa chiều không chỉ giúp nhìn nhận một sự kiện lịch sử mà còn giúp lớp trẻ thêm trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ và lãnh hải của đất nước, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.
(Theo Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.