Bò tót đại náo sân bay Phú Bài bị chết: Do bắn thuốc mê quá liều?

Thứ năm, ngày 26/07/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc con bò tót bị chết nhiều khả năng do bị bắn thuốc mê quá liều. Tuy nhiên thông cáo báo chí của Chi cục Kiểm lâm TT-Huế không đề cập đến liều lượng thuốc mê đã được bắn vào cơ thể bò tót.
Bình luận 0

Ngày 25.7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế ra thông cáo báo chí giải thích nguyên nhân dẫn đến cái chết của con bò tót “đại náo” sân bay Phú Bài.

Thông cáo này cho biết, sau khi nhận được tin báo về sự xuất hiện của bò tót, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu chỉ đạo phải bảo vệ con thú này.

Các cơ quan chức năng thống nhất lựa chọn phương án bắn thuốc gây mê để đưa con vật về trại nuôi nhốt và sau đó nuôi cứu hộ để thả vào rừng. Vậy nhưng, sau khi bị “bắn hạ” bằng thuốc mê, con vật quý hiếm này đã bị chết.

img
Nhiều người nghi ngờ con bò tót “đại náo” sân bay Phú Bài chết là do bị bắn thuốc mê quá liều.

Theo kết quả khám nghiệm, bên ngoài xác bò tót không có vết tích, dưới da không bị xung huyết, lá lách và thận bình thường.

Tuy nhiên, một số bộ phận nội tạng của con vật bị tổn thương, như phổi, khí quản có xung huyết; tim, ruột non, ruột già manh tràng, trực tràng bị xuất huyết; gan, mật bị sưng, hạch màng treo ruột sưng…

Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, bò tót là loại động vật hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường, khả năng nhịn nước kém, trong khi khu vực sân bay thiếu nguồn nước, thức ăn… nên sức khỏe bị suy kiệt, dẫn đến bị chết.

Tuy nhiên, theo một số người có chuyên môn, việc cơ quan chức năng lý giải nguyên nhân dẫn đến cái chết của con bò tót như trên là chưa thuyết phục. Bởi bò tót là loài động vật có khả năng thích nghi và miễn dịch cao, nên chỉ với một ngày bị vây, con vật khó có thể bị suy kiệt sức khỏe và bị tổn thương nội tạng như trên.

Rất đáng tiếc!

Trao đổi với NTNN, ông Ngô Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nói con bò tót chết là điều rất đáng tiếc, dù trước đó, Tổng cục có công văn yêu cầu cứu hộ và bảo tồn cá thể bò tót này. Hiện Tổng cục đang đợi báo cáo về nguyên nhân cái chết của con bò tót để đưa ra hướng xử lý. Ông Dũng cũng cho biết, các cá thể bò tót hiện nay vẫn còn tồn tại ở các khu vực rừng Trường Sơn, nơi có các khu bảo tồn. Tuy nhiên, bò tót là loại vật thông minh, có khứu giác phát triển, thường tránh xa khu dân cư. Theo ông Dũng, có thể con bò đực này trong thời gian động dục đã đi quá xa nơi thường sống.

Hơn nữa, trước và sau khi bị bắn những mũi thuốc mê đầu tiên, con vật này vẫn rất khỏe và nó chỉ bị gục xuống sau khi bị “dính” những mũi thuốc mê tiếp theo.

Nhiều người cho rằng, việc con bò tót bị chết nhiều khả năng do bị bắn thuốc mê quá liều. Tuy nhiên thông cáo báo chí của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế không đề cập đến liều lượng thuốc mê đã được bắn vào cơ thể bò tót.

Trao đổi với các phóng viên, ông Nguyễn Viết Hoạch - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết:

Cá thể bò tót trên có thể là con bò đi lạc từ một đàn bò tót trên địa bàn, nên cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để bảo tồn.

Về việc có hay không con bò tót chết do bị bắn thuốc mê quá liều, ông Hoạch chỉ nói việc sử dụng liều lượng thuốc mê để hạ bò tót đã được chuyên gia cân nhắc kỹ và việc con vật bị chết là vượt quá khả năng của các chuyên gia.

Việc "bắn hạ" bò tót bằng thuốc mê tại sân bay Phú Bài do nhóm chuyên gia cứu hộ đến từ Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn thực hiện.

Nhóm chuyên gia này do TS Phan Việt Lâm- Giám đốc công ty dẫn đầu. Chiều 25.7, phóng viên NTNN đã gọi điện vào số máy của công ty trên thì một nhân viên nữ cho biết nhóm chuyên gia của công ty 2 ngày nữa mới có mặt ở TP.Hồ Chí Minh. Nhân viên này từ chối cung cấp số điện thoại cầm tay của ông Phan Việt Lâm.

Công tác cứu hộ còn yếu kém

Chiều 25.7, trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh công tác cứu hộ con bò tót ở Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Bá Oanh- Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: Nói thật là tôi rất buồn khi biết tin con bó tót quý hiếm như vậy đã chết sau khi lực lượng chức năng khống chế. Hiện nay chưa ai khẳng định ở Việt Nam còn bao nhiêu cá thể bò tót, nhưng với việc con bò tót ở Thừa Thiên - Huế chết, chắc chắn số lượng loại động vật quý hiếm này sẽ còn rất ít.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ con bò tót quý hiếm nói trên bị chết do việc tiếp cận, khống chế, rồi vận chuyển con vật có vấn đề?

- Tôi không trực tiếp tham gia khống chế, cứu hộ con vật nên không thể đánh giá chính xác được. Tuy nhiên, ở đây tôi không hiểu vì sao ngành chức năng Thừa Thiên - Huế lại mời các anh ở Thảo cầm viên Sài Gòn ra bắn thuốc mê để cứu hộ- trong khi chức năng này có lẽ không thuộc về họ. Hiện nay, theo tôi được biết chỉ có Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn và một Trung tâm Cứu hộ động vật ở Củ Chi (Chi cục Kiểm lâm TP.Hồ Chí Minh) là đơn vị của Nhà nước có chức năng cứu hộ động vật quý hiếm sau đó chuyển giao hoặc thả về tự nhiên. Ở một số tỉnh cũng có trung tâm cứu hộ nhưng do tổ chức phi Chính phủ thực hiện. Tôi không biết các đơn vị kia có được thông báo để trợ giúp, khống chế con bò tót này hay không chứ chúng tôi thì không hề.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, con bò tót chết do bị bắn quá liều thuốc mê. Là chuyên gia trong ngành, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Thực ra, nếu Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn được mời tham gia, chúng tôi cũng sẽ khống chế rồi bắn thuốc mê như cách làm trên thôi. Tuy nhiên, liều lượng thuốc mê bắn bò tót là bao nhiêu phải được ước lượng cụ thể, ví dụ bò tót nặng 5 tạ là bao nhiêu thuốc mê, 1 tấn là bao nhiêu... Không hiểu việc khống chế con bò tót vừa qua có tính toán kỹ lưỡng việc này không?

Qua vụ cứu hộ con bò tót ở Thừa Thiên - Huế, ông đánh giá thế nào về công tác cứu hộ động vật hoang dã hiện nay ở Việt Nam?

- Nói chung là yếu kém, cả về con người, phương tiện. Như Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn là đơn vị có chức năng cứu hộ động vật, chuyển giao hoặc thả về tự nhiên nhưng lại thiếu cơ sở vật chất; kinh phí hoạt động còn nghèo nàn, nhân lực lại thiếu... nên dẫn tới 50% tỷ lệ động vật hoang dã sau khi nhập trung tâm bị chết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem