Sau khi thông xe toàn tuyến, đã xuất hiện vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Theo VEC, vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại km 83 đoạn Phú Thọ - Yên Bái là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được xác định trước và lắp biển theo dõi đất yếu/lún tại Km 82+500 – Km 83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu.
Vết nứt chạy dài khoảng hơn 10 mét.
Theo báo Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng hiện tượng này đã được Bộ cảnh báo từ trước: “Khi thông xe Nội Bài – Lào Cai, VEC có tổ chức họp báo, có nói rõ, một số vị trí chờ lún sẽ bị hư hỏng trong quá trình khai thác…”
|
Cụ thể, công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu được tiến hành tuân thủ theo Quy trình khảo sát thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu 22TCN 262-2000. Nhà thầu đã khoan khảo sát 24 lỗ khoan với các lỗ khoan được bố trí cách nhau 50m trên tim tuyến (22TCN 262-2000 quy định thông thường từ 50 đến 100m bố trí 1 lỗ khoan) và cứ 100m tiến hành một mặt cắt địa chất công trình theo chiều ngang vuông góc với tim tuyến với 3 lỗ khoan (22TCN 262-2000 quy định thông thường từ 100 đến 150m bố trí 1 mặt cắt địa chất). Phương án kỹ thuật sử dụng để xử lý đất yếu tại đoạn này là thay đất một phần. Quá trình thi công đã được tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ đúng quy trình.
Hiện tượng xuất hiện vết nứt có dạng vòng cung điểm đầu tại km 82+995 và điểm cuối tại km 83+070 xuất hiện sau hai cơn bão liên tiếp vừa qua. Theo đánh giá của VEC, nền đường khu vực đắp cao (7-9m) trên đất yếu xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp trong phạm vi này. Qua hai cơn bão (số 3 và số 4) với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt.
Hiện VEC đã tổ chức lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt đồng thời đang tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC phải xử lý hiện tượng nứt và báo cáo trước ngày 25.9.
Theo VEC, vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại km 83 đoạn Phú Thọ - Yên Bái là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được xác định trước và lắp biển theo dõi đất yếu/lún.
Trước đó, tại buổi họp báo trước khi thông xe toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trả lời câu hỏi của PV Dân Việt, ông Lê Kim Thành – Giám đốc Ban QLDA Nội Bài – Lào Cai cho biết trên tuyến còn 10 vị trí tiếp tục theo dõi đất yếu, lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện.
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 245km có hướng tuyến đi từ đông sang tây qua 5 tỉnh thành phố qua nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, giao thoa nhau. Trên toàn tuyến, qua khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ. Tuyến đường được đầu tư 1,46 tỷ USD mới được thông xe kỹ thuật, khai thác toàn tuyến ngày 21.9 vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.