Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư Pháp vừa có văn bản trả lời đơn khiếu nại kiến nghị của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước.
Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhận được văn bản của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước về việc hướng dẫn xác định hiệu lực pháp lý của việc sử dụng dấu, chữ ký.
Theo văn bản của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước nêu "đến ngày 14.7.2018 ông L.Fernando Requana.P.E (trưởng đoàn tư vấn giám sát hợp đồng) đã không còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay Đoàn tư vấn giám sát hợp đồng đã phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến dự án gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với việc đóng dấu chữ ký của ông L.Fernando Reauena.P.E".
Dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng tại TPHCM "đắp chiếu" từ tháng 4.2018 đến này vì nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Về việc này, Cục Kiểm tra Văn bản QPPL nêu rõ: "Với những quy định của pháp luật, có cơ sở để cho rằng, nếu văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký của người có thẩm quyền ký nhưng người đó vắng mặt và không ký trực tiếp vào bản gốc văn bản lưu tại Văn thư cơ quan, tổ chức thì không phù hợp với quy định của pháp luật".
Trước đó, các cơ quan chức năng phát hiện ông L. Fernando Requena, P.E, Trưởng Đoàn Tư vấn tự ý rời Việt Nam từ ngày 14.7. Trung tâm chống ngập đã yêu cầu liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng giải thích về chữ ký của vị trưởng Đoàn tư vấn người nước ngoài xuất hiện trên hàng chục văn bản gửi UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng.
Trong văn bản giải thích, liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng thừa nhận đã sử dụng chữ ký đóng dấu nhưng biện minh rằng vị trí Trưởng Đoàn tư vấn chỉ có 7 tháng công trên tổng số 24 tháng thi công và 30 tháng bảo hành (54 tháng) của dự án không thể có mặt thường xuyên và phải chỉ đạo từ xa qua email, fax… nên bộ phận thường trực phải sử dụng chữ ký dấu.
Tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng nếu muốn Trưởng Đoàn tư vấn làm việc 100% thời gian, TP phải bố trí thêm ngân sách để trả lương, chi phí ăn ở, đi lại… Hiện nay, số tiền thù lao mà UBND TPHCM phải trả cho ông L. Fernando Requena, P.E, là hơn 363 triệu đồng/tháng (gấp hơn 5 lần Phó Trưởng Đoàn tư vấn người Việt Nam) cùng các khoản tiền công tác phí hơn 820 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM vừa yêu cầu lần thứ tư bà Phạm Xuân Lộc Thảo, thư ký phiên dịch văn phòng dự án (người liên quan đến vụ việc đoàn tư vấn này tố bị người khác đe dọa khiến họ phải rút nhân sự tham gia đoàn hồi cuối tháng 9) đến làm việc. Trước đó, Công an TP.HCM đã ba lần mời bà Thảo đến làm việc (ba lần đều trong tháng 10) nhưng bà Thảo vẫn chưa đến làm việc theo yêu cầu.
“Để đảm bảo quyền lợi trực tiếp của đoàn tư vấn và nhân viên đang làm việc tại dự án, Phòng Cảnh sát hình sự yêu cầu ban lãnh đạo đoàn tư vấn cử bà Thảo đến Phòng Cảnh sát hình sự để làm việc” - công văn của Công an TP.HCM ngày 14.11 nêu.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là một trong những dự án trọng yếu cho chương trình đột phá giảm ngập nước của TP.HCM. Dự án sẽ giúp kiến tạo sự đổi thay hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho gần 7 triệu người dân của khu vực 570 km2 thuộc bờ hữu sông Sài Gòn (quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè). Dự án được chia làm 7 hạng mục quan trọng gồm 6 cống kiểm soát triều siêu lớn (Bến Nghé - Tân Thuận - Phú Xuân - Mương Chuối - Cây Khô - Phú Định) và 7 km đê kè cùng các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu. Theo UBND TP.HCM, sau khi hoàn thành, dự án sẽ đạt được nhiều mục tiêu quan trọng chống ngập do triều, điều tiết mực nước kênh rạch, hỗ trợ cải thiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tổng thể hệ thống thoát nước TP, bảo đảm giao thông thủy và cải tạo cảnh quan, môi trường. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.