Bức xúc với 5k

Nguyễn An Thanh Thứ bảy, ngày 12/03/2022 16:51 PM (GMT+7)
Tại thời điểm này, khi F0 liên tục tăng, nếu có một cuộc phỏng vấn về việc thực thi thông điệp 5K thì bất cứ người dân nào cũng có thể nói về những bất cập, đơn cử như "khai báo y tế" cũng đã khiến người dân quá vất vả.
Bình luận 0

Đến giờ, dù đã tiêm phủ vaccine, Việt Nam đã từ bỏ chiến lược "zero Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì thông điệp 5K "khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách" vẫn là những quy định mang tính bắt buộc. Theo đó, nếu không tự giác khai báo y tế người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng.

 Với phương châm "mỗi phường, xã là một pháo đài chống dịch", y tế cơ sở chính là tuyến đầu chống dịch. Nhưng vừa qua, khi mỗi ngày Hà Nội có trên 30.000 F0, chỉ nội hoàn thành "khai báo y tế" đã khiến cho tình hình căng như dây đàn. Mà y tế cơ sở cấp phường xã không chỉ mỗi việc khai báo y tế, họ còn phải theo dõi, điều trị bệnh nhân, khử khuẩn, tổ chức cấp cứu bệnh nhân nặng.

Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã trên cả nước là 7,4 người trên 10.000 dân, tại Hà Nội là 6 và tại TP Hồ Chí Minh mới được 2,3 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. 

Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, ở phường Hoàng Liệt 90.000 dân chỉ có 11 nhân viên y tế, phường Mai Động 62.000 dân thì có 8 nhân viên.  

Khá nhiều đơn vị không có trạm trưởng y tế vì quy định phải có bằng bác sĩ nhưng thu nhập chỉ bằng nhân viên ghi danh phòng khám tư nhân nên người có chuyên môn giỏi không ai chịu về làm việc.

Sau thời gian phòng, chống dịch kéo dài, lực lượng này phải gồng mình làm việc, nhiều người cũng trở thành F0 nên lực lượng đã mỏng, lại càng thiếu hụt. Có thời điểm, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) có 8 nhân viên y tế thì 7F0 và 1 F1, trên tăng cường cho 10 tình nguyện viên thì chỉ 2 ngày sau có 6 sinh viên đã thành F0.

Thực tế trong 2 năm qua đã không ít nhân viên y tế công không chịu nổi tình cảnh áp lực làm việc cao, thu nhập thấp đã nghỉ việc, chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân. Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và năm 2021 đã có thêm trên 1.000 trường hợp. Năm 2021, chỉ tính riếng 1 quận nội thành Hà Nội cũng có hơn 100 nhân viên y tế nghỉ việc, đó là những con số cần báo động.

Bức xúc với 5k - Ảnh 2.

Quá tải ở trạm y tế phường Hoàng Liệt. Ảnh: AT.

Điều đáng nói nữa là hiện có quá nhiều văn bản thủ tục quy định khá phiền phức, không đáng có. Chỉ tính nội việc khai báo y tế đã có tới 6 loại giấy tờ cần thực hiện, nên việc khi ngày 3/3/2022 có tới 1.721 người tập trung tại phường Hoàng Liệt để làm thủ tục thì việc quá tải, vỡ trận là điều không thể tránh khỏi. Theo một bác sĩ trạm trưởng, nếu cứ phải khai báo trực tiếp như vừa qua thì tối đa dù "tối mày, tối mặt" mỗi trạm y tế cơ sở chỉ hoàn thành độ 300 bộ hồ sơ.

Lý giải về việc vì sao không cho người dân khai báo từ xa, qua các ứng dụng CNTT thì các trạm trưởng y tế cho biết: "Bộ Y tế quy định 'việc xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng trực tiếp hoặc gián tiếp từ xa'. Nhưng 'giám sát gián tiếp từ xa' là như thế nào thì chúng tôi hỏi mãi không ai hướng dẫn, sợ "tai bay, vạ gió" nên cứ yêu cầu người bệnh đến trạm y tế cho chắc ăn". Bó tay! 

Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Trần Văn Vịnh vốn là sĩ quan công an chuyển ngành cho biết: "Phường 62.000 nhân khẩu thì từ đầu năm đến nay đã có 6.120 F0, có 3.980 người đã điều trị khỏi bệnh cần làm thủ tục giấy tờ thì chúng tôi lấy người đâu mà làm cho kịp. Chúng tôi không ngại hỗ trợ chị em bên y tế nhưng việc ký xác nhận hiện nay thuộc thẩm quyền của trạm trưởng, không thể làm thay được".

 Những bức xúc của người dân là có thật và khó khăn do khâu thủ tục cũng là có thật, điều đó lại đang diễn ra hàng ngày, những nơi chỉ cách trụ sở Bộ Y tế không xa.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 80% ca mắc Covid-19 nhẹ, không triệu chứng, được theo dõi và điều trị tại nhà. Trong đó, số lượng lớn có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, bao gồm chế độ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Việc khai báo y tế phức tạp như thế khiến cho tình trạng người dân ngại xếp hàng để thực hiện khai báo tình trạng sức khoẻ là có thật. Không ít người dân, nhất là người hết tuổi lao động "né" tránh khai báo vì tuổi tác cao, ngại tập trung đông người mà tự mình cách ly, điều trị theo tư vấn của người quen, mạng xã hội. Điều này vô hình trung khiến cho công tác cập nhật F0 thiếu chính xác, sự lây lan khó kiểm soát.

Phải đến khi các trạm y tế phường "chịu không nổi", phải chấp nhận người dân quay clip gửi qua zalo hay khai báo thông qua tổ dân phố thì tình hình mới được vãn hồi. Giá như các vướng mắc được các cơ quan chức năng vào cuộc sớm, áp dụng CNTT vào quá trình thực thi thì mọi chuyện không để người dân bức xúc lâu đến vậy. 

Đối với thông điệp 5K, hai quy định "khoảng cách, không tập trung" đang bị vi phạm nghiêm trọng mà không có các biện pháp giải quyết. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình hình F0 có chiều hướng tăng trong thời gian qua tại Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước. 

Khi cho phép học sinh đến trường, người lao động đến công sở, nhà máy thì "khoảng cách, không tập trung" là điều khó thực hiện. Khi mà 2 học sinh ngồi một bàn, 40-50 em phải ngồi chung trong một lớp học diện tích không quá 50m2 thì nhà trường cũng bó tay. Nên tình trạng nay học trực tiếp, mai học online diễn ra thời gian qua là do thiếu các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý.

Việt Nam sắp sửa nối lại đường bay quốc tế đón khách du lịch từ 15/3 và chúng ta đang nghiên cứu việc cho F0, F1 đi làm, học sinh F1 được đến trường. Điều này chắc chắn tạo ra nhiều sức ép lên vai "những chiến sĩ áo trắng" và thông điệp 5K càng bộc lộ nhiều bất hợp lý, không khả thi.

Ngoài 2 phương án mà Bộ Y tế vừa có đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc Covid-19 thì rất cần rà soát quy định 5K. 

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy chống dịch, các quy định cũ không còn phù hợp thì thay mới thậm chí bỏ. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không cực đoan. Các văn bản hướng dẫn cần chi tiết, cụ thể và thực thi với cuộc sống để cán bộ cơ sở dễ thực hiện, tránh đa nghĩa nặng về câu chữ như đã nói trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem