Các dịch giả trẻ thừa nhận điểm yếu trong dịch thuật

Thứ năm, ngày 09/05/2013 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 8.5, một hội thảo về văn học dịch đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) để nhìn nhận lại công tác biên dịch các tác phẩm văn học.
Bình luận 0

Mặc dù tuổi cao nhưng dịch giả Lê Hồng Sâm vẫn còn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp dịch thuật. Bà cho rằng phải coi việc phê bình, nhận xét các tác phẩm văn học dịch trong thời gian qua là việc đáng mừng. Bởi lẽ, sách xuất bản có người đọc và người đọc có hiểu biết thì mới đưa ra được những ý kiến trao đi đổi lại như thế.

img
Quang cảnh buổi tọa đàm sáng 8.5 tại Hà Nội

Bà cho biết, trước kia, sách rất ít, sách dịch lại càng ít hơn, vì thế mỗi quyển ra đời đều được đón nhận rất nồng nhiệt. Song cũng không thể khẳng định rằng, bản dịch của các thế hệ “tiền bối” là không mắc lỗi. Chẳng hạn bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời” của Balzac có một số lỗi cũng đã được phát hiện dù là những lỗi vô cùng nhỏ.

TS Đặng Thị Hạnh lại cho rằng không phải việc thêm từ hay bớt ngữ trong quá trình dịch làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của các tác phẩm chuyển ngữ. Trong bản dịch đầu tiên truyện "Hoá thân" của Franz Kafka, người chuyển ngữ đã tự cho phép mình bớt đi 700 từ của nguyên tác và tự ý thêm vào 800 từ. Nhưng việc làm này đã không hề làm ảnh hưởng tới tác phẩm cũng như vị trí của Kafka trong lòng độc giả.

Ngay sau lời giới thiệu rất trân trọng của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về sự xuất hiện những thế hệ dịch giả trẻ dũng cảm, dám khai phá những lãnh địa mà trước đây dường như đã đóng khung riêng cho các bậc tiền bối, dịch giả Đào Bích Liên- người nổi lên gần đây với một số tác phẩm dịch từ tiếng Trung Quốc- lại thừa nhận rằng cô dịch các tác phẩm ấy mà chưa hề có nền tảng, khái niệm hay định hướng gì về việc dịch thuật.

Dịch giả trẻ tuổi Lương Việt Dũng cũng thừa nhận, ngay tại thời điểm này, nhìn lại các tác phẩm mình chuyển ngữ cũng đã phát hiện vô số lỗi sai. Đôi lúc cái sai không phải là từ thái độ làm việc thiếu cẩn trọng mà do độ thấm văn hóa bản địa chưa đạt được như mong muốn…

Tại buổi tọa đàm, một số dịch giả lớn tuổi cho rằng, quy trình dịch hơi ngược như hiện nay (thay vì dịch giả được chọn những tác phẩm mình thích thú để dịch thì họ lại dịch những cuốn sách được NXB mua bản quyền) cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của bản dịch. Có thể thấy, quan niệm về nghề của các dịch giả thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ còn có độ “chênh” khá lớn. Trong khi các dịch giả thế thế trước làm việc nghiêm túc, say mê và công phu thì các dịch giả thế hệ trẻ có vẻ “thoáng” hơn. Liệu đó có phải lý do khiến sách dịch ngày nay tuy nhiều, nhưng lại kém chất lượng hơn ngày trước?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem