Các nữ công tố viên Afghanistan liên tục lẩn trốn vì lo sợ bị trả thù

Lê Phương (Theo BBC) Thứ tư, ngày 06/10/2021 10:05 AM (GMT+7)
Cho đến trước khi Taliban lên nắm quyền vào hồi tháng 8, Farishta là một công tố viên nổi tiếng. Mỗi ngày, cô truy tố tội phạm, phiến quân Taliban, quan chức tham nhũng và cả những người đàn ông đánh đập phụ nữ, trẻ em.
Bình luận 0
Các nữ công tố viên Afghanistan liên tục lẩn trốn vì lo sợ bị trả thù - Ảnh 1.

Từng là một công tố viên có ảnh hưởng, Farishta giờ đang phải ở ẩn, với tính mạng lúc nào cũng trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Ảnh: BBC

Ở thời điểm hiện tại, Farishta, 27 tuổi, đang ở ẩn. Giống như một kẻ chạy trốn, cô thường xuyên thay đổi nơi ở của mình. Vì sự an toàn của cô, BBC đã đổi tên nhân vật.

Xuất thân từ tỉnh Paktia ở phía đông nam Afghanistan, Farishta là một trong số những phụ nữ đạt được thành công to lớn trong sự nghiệp, cô là một trong những biểu tượng thách thức xã hội "trọng nam khinh nữ" và cực kỳ bảo thủ của đất nước.

Năm năm trước, dưới thời chính phủ cũ, Farishta trở thành công tố viên tại văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Afghanistan. "Công việc của tôi là truy tố những kẻ phạm tội hiếp dâm, giết người và bạo lực gia đình", cô chia sẻ với BBC từ một ngôi nhà an toàn ở Afghanistan. Cô nói thêm: "Đó là một công việc đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thỏa mãn".

Thời điểm Taliban tràn vào tấn công Afghanistan, lực lượng này đã giải phóng các tù nhân trên đường đi, bao gồm hàng nghìn tên tội phạm nguy hiểm và những tay súng Hồi giáo. Trong số những người được Taliban giải thoát có Mohamad Gol, kẻ phải ngồi tù vì âm mưu đánh bom liều chết. Trước đây, Farishta đã cẩn thận thu thập đủ bằng chứng và truy tố thành công Gol, đưa hắn ta vào sau song sắt với mức án 20 năm. Nhiều ngày sau khi Taliban chiếm Kabul, Mohammed Gol đã gọi cho Farishta, cô sợ hãi kể lại: "Hắn nói rằng tôi sẽ phải nhận sự trừng phạt, tôi không thể thoát được đâu".

Kể từ lúc đó, Farishta phải liên tục di chuyển. Không có thu nhập, cô gặp khó khăn trong việc sống qua ngày. Farishta, cũng như nhiều người đồng nghiệp khác, nói rằng Taliban phản đối việc phụ nữ làm công tố viên hoặc thẩm phán. Thậm chí, Taliban không muốn phụ nữ làm việc, giống như trong thời gian nhóm cầm quyền ở cuối những năm 1990.

Các nữ công tố viên Afghanistan liên tục lẩn trốn vì lo sợ bị trả thù - Ảnh 2.

Một trong những điều đầu tiên mà Taliban làm sau khi giành được quyền kiểm soát Afghanistan là thả các tay súng khỏi nhà tù. Ảnh: Reuters

Những phụ nữ như Farishta có lý do chính đáng để sợ hãi. Vào tháng Giêng, hai nữ thẩm phán của Tòa án Tối cao Afghanistan đã bị bắn chết ở Kabul – nhiều ý kiến nghi ngờ rằng do Taliban gây ra. Trong những tuần gần đây, hai nữ quan chức pháp lý làm việc trong Bộ Tư pháp Afghanistan đã bị giết ở Kabul, vụ tấn công được cho là nhằm mục đích trả thù.

Các nhóm nhân quyền quốc tế bao gồm Tổ chức Ân xá và Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận rất nhiều vụ giết người lẫn bắt cóc, bất chấp việc Taliban tuyên bố ân xá cho các nhân viên chính phủ.

Theo BBC, hàng trăm nữ thẩm phán phải lẩn trốn khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8. Một số đã rời khỏi đất nước thành công trong cuộc di tản do Mỹ dẫn đầu, những người không may mắn khác phải ở lại và đối mặt với số phận bi thảm của họ.

Các nữ công tố viên Afghanistan liên tục lẩn trốn vì lo sợ bị trả thù - Ảnh 3.

Một trong những nơi ẩu náu của các nữ thẩm phán Afghanistan. Ảnh: BBC

"Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và lời đe dọa từ Taliban cùng các thành viên liên quan", một nữ thẩm phán Afghanistan từ tỉnh Parwan, nay đã qua Anh, cho biết. Cô cho biết tất cả tài sản, đồ đạc đã bị Taliban chiếm giữ trong khi những người thân của cô có nguy cơ bị nhóm Hồi giáo khủng bố.

Cô nói thêm: "Các thẩm phán nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập nhà nước pháp quyền và cuộc chiến chống tham nhũng trong ngành. Nếu họ rời khỏi đất nước, đây sẽ là một khoảng trống rất lớn cho ngành tư pháp".

Hiện vẫn còn khoảng 230 nữ thẩm phán bị mắc kẹt tại Afghanistan, tất cả đều đang lẩn trốn. Theo nguồn tin ghi nhận, những nơi ở cũ của họ đã bị lục soát, còn những người thân thì bị đe dọa.

"Sự nghiệp của những nữ thẩm phán, công tố viên này đã kết thúc, tài khoản ngân hàng của họ bị đóng băng và tương lai của họ với tư cách phụ nữ ở Afghanistan cũng thật nghiệt ngã", Thẩm phán Anisa Dhanji, đại diện Vương quốc Anh của Hiệp hội Thẩm phán phụ nữ quốc tế phi lợi nhuận, IAWJ, cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem