Các “ông lớn” ngành nông nghiệp dự báo ra sao trong năm 2020?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 31/01/2020 12:31 PM (GMT+7)
Các tỷ phú Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Duy Hưng… đều có những kỳ vọng lớn khi đầu tư mạnh vào mảng nông nghiệp năm 2020.
Bình luận 0

Sau cú bắt tay của Thaco với Hoàng Anh - Gia Lai (HAGL) của bầu Đức và mới đây là HVG của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh, đầu năm mới 2020, tỷ phú Trấn Bá Dương đã đặt ra nhiều mục tiêu năm 2020.

img

Cú bắt tay giữa Thadi và HVG mới đây (Ảnh: Quốc Hải)

Tỷ phú Trần Bá Dương đặt mục tiêu 17.000 tỷ năm 2020

Cụ thể, với Công ty CP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI (Công ty con của THACO), dự tiếp tục hoàn thiện chủng loại, quy hoạch vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp nông trại chăn nuôi bò nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất hữu cơ, có quy mô lớn, được cơ giới hóa tối đa xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất trồng trọt, bảo quản vận chuyển, chế biến và tiêu thụ thông qua việc tự thực hiện và hợp tác với Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico); Triển khai thực hiện nhanh chiến lược nuôi heo giống và heo thịt qua liên doanh với Hùng Vương (HVG).

Chi tiết, chỉ tiêu THADI năm 2020 bao gồm: Tổng xuất khẩu ước đạt 150.000 tấn trái cây với doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, bao tiêu cho HNG là 650.000 tấn với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng; Chăn nuôi 90.000 bò thịt, 30.000 heo nái và 800.000 con heo thịt; Cung cấp toàn bộ vật tư nông nghiệp cho tất cả các nông trường của THADI và HNG.

Với các mục tiêu trên, kỳ vọng tổng doanh thu của THADI trong năm 2020 ước đạt 17.000 tỷ đồng, trồng mới 6.000 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích vùng trồng lên 14.000 ha. Hỗ trợ HNG trồng mới 10.000 hecta, nâng tổng diện tích vùng trồng của HNG trong năm 2020 là 30.000 ha.

Song song đó, Công ty dự triển khai đầu tư nhà máy chế biến trái cây và nhà máy bao bì tại Khu Công nghiệp Nông lâm nghiệp Chu Lai; triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động từng phần Khu Công nghiệp Nông nghiệp tại Thái Bình. Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực Logistics, THADI lên kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ trọn gói cho các khách hàng bên ngoài để tạo nguồn hàng xuất nhập đối lưu hai chiều cảng Chu Lai, nhằm giảm thêm chi phí logistics và từng bước trở thành nhà cung ứng dịch vụ logistics hàng đầu tại miền Trung Việt Nam.

Theo đó, chỉ tiêu doanh thu dịch vụ logistics năm 2020 là 1.100 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh ngoài hệ thống là 380 tỷ đồng. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai dự kiến đạt hơn 3 triệu tấn, đồng thời vận chuyển khoảng 92.000 xe thành phẩm đến các showroom/đại lý trên toàn quốc và khoảng 17.000 container hàng hóa.

Tỷ phú Nguyễn Duy Hưng: Mở rộng chuỗi giá trị

Năm 2019, Công ty CP Tập đoàn PAN của tỷ phú Nguyễn Duy Hưng, đạt doanh thu thuần hợp nhất cả năm giảm nhẹ 0,57% so với 2018, đạt 7.783,6 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2019 đạt 451 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, nhưng nếu xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất vẫn tăng trưởng 15%.

img

Nông dân thu hoạch cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên 

Năm 2020, PAN vẫn chưa đưa ra một con số cụ thể nào về kế hoạch kinh doanh, song trong bối cảnh ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn năm 2019,  việc đạt tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là một minh chứng cho mô hình phát triển kinh doanh bền vững mà PAN đang theo đuổi.

Cụ thể, xét về việc thực hiện kế hoạch kinh doanh, trong năm 2019, kế hoạch nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Khử trùng Việt Nam lên trên 50% chưa được hoàn tất do điều kiện thị trường, kết quả kinh doanh VFG chưa được hợp nhất vào Tập đoàn. Do đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 74% kế hoạch năm. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn chủ động mở rộng chuỗi giá trị thông qua việc nâng tỉ lệ sở hữu thành công tại Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang lên 73,45%, đầu tư mua lại 80% cổ phần của Golden Beans (Shin Cà Phê) và đặc biệt là thành lập Công ty CP Phân phối hàng tiêu dùng PAN (PAN CG).

img

Sản xuất bánh kẹo tại Công ty Bibica của Tập đoàn PAN 

Ngoài ra, trong năm 2019, Tập đoàn cũng đẩy mạnh đầu tư các dự án lớn, tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng hữu cơ dựa trên nền tảng mạnh đã có. Tiêu biểu là việc mở rộng vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng thêm 90 ha; hoàn thành Trung tâm giống tại Đơn Dương, Lâm Đồng; khánh thành nhà máy Bibica Miền Tây công suất 10.000 tấn/năm; khai trương Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp với công suất 30.000 tấn giống và 85.000 tấn gạo/năm. Tất cả cơ sở sản xuất mới đều sử dụng thiết bị, dây chuyền hiện đại của Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Đặc biệt, việc PAN CG ra đời với đội ngũ 800 nhân viên có quan hệ với hơn 145.000 cửa hàng bán lẻ tại 63 tỉnh thành là mảnh ghép quan trọng nhằm dần hoàn thiện chuỗi giá trị theo chiến lược tổng thể “từ nông trại đến bàn ăn”, góp phần đưa sản phẩm của PAN và các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng nội địa. Các dự án trên hứa hẹn sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng lớn cho Tập đoàn trong giai đoạn tới.

img

Dây chuyển sản xuất hạt điều tại PAN 

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam

Năm 2019, thương vụ sáp nhập Masan Consumer với VinCommerce đã gây ra cơn “địa chấn” tại Việt Nam khi thương vụ này sẽ tạo nên một tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Trong đó, Masan là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) công ty mới, còn công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer và 83,7% cổ phần VinCommerce.

Hiện, VinCommerce hiện đang vận hành 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi.

Sau thương vụ sáp nhập này, năm 2020 sẽ là năm Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tập trung cho hoạt động thực thi để hoàn thiện danh mục các sản phẩm cao cấp và sản phẩm đồ uống, tạo động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số; Tăng quy mô ngành thịt, qua đó mảng thịt chiếm ít nhất từ 20-25% doanh thu thuần của Masan MEATLife (MML); Hoạch định lộ trình cụ thể để đưa VinCommerce (“VCM”) đạt lợi nhuận và số hóa toàn bộ nền tảng bán lẻ; và phát huy sức mạnh hiệp lực của nền tảng từ sản xuất đến bán lẻ để mang đến lợi ích cho người tiêu dùng.

Hiện thực hóa mục tiêu này là các kế hoạch cụ thể, năm 2020, các ưu tiên của VCM là tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận. Phát triển mô hình thành công cho các tỉnh thành ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu.

Tuy nhiên, Masan dự kiến cũng sẽ đóng cửa từ 150 - 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng. Gia tăng mức đóng góp sản phẩm tươi sống từ 30% lên 35% thông qua VinEco và MEATDeli, qua đó sở hữu định vị giá trị “tươi ngon và chất lượng”. Ứng dụng nền tảng công nghệ: quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng.

Năm 2020, Masan cũng sẽ gia nhập ngành hàng Chăm sóc cá nhân và Gia đình bằng cách công bố chào mua công khai đến 60% cổ phần Công ty CP Bột giặt. Ưu tiên trong năm 2020 sẽ là đẩy mạnh phân phối các sản phẩm NET thông qua mạng lưới phân phối toàn quốc của Masan và phát triển danh mục sản phẩm vượt trội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem