Cách lo Tết của người nghèo!

Thứ sáu, ngày 24/01/2014 08:01 AM (GMT+7)
Lụi hụi tới Tết nữa! Đó là câu nói quen thuộc đầu lời của người nghèo - khoảng từ tháng mười âm lịch trở đi, hầu như ai cũng hơn một lần thốt lên câu ấy.
Bình luận 0
Mọi người đều nói, nhưng mỗi người có cách tính riêng.

Dư giả thì trông mau tới Tết để ăn xài, chưng dọn. Các cụ thì hoan hỉ ra mặt, vì hơn lúc nào hết, Tết là dịp được các con, các cháu đua nhau thi lễ với những lời chúc bách niên giai lão, đồng thời cũng không thể không “lý sự” với “sấp nhỏ” những chuyện “hồi nẳm”, nào thần tích ông Táo, chuyện cữ kiêng ba ngày Tết, rồi “Cu kêu ba tiếng cu kêu…”, quết bánh phồng, gói bánh tét, thầy đồ viết liễn, cả đến chuyện ý nghĩa của mấy miếng hồng đơn cắt vuông dán xéo trên cánh cửa, vách nhà, bồ lúa…
Những người có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội để đón Tết đầy đủ, không bị thiếu đói. (Ảnh minh họa - Nguồn VOV)
Những người có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội, mong đón Tết đầy đủ, không bị thiếu đói. (Ảnh minh họa - Nguồn VOV)

Mấy cô cậu thì se sua quần áo, vòi vĩnh nào phấn son, nào làm tóc…, rồi lẩm nhẩm những câu mừng tuổi sao cho thật kêu đặng kiếm lì xì để xin với mẹ cha làm một chuyến du xuân, nói là đi thăm mấy nhỏ bạn!

Riêng thành phần “con nít” thì hồn nhiên hơn, tuy không dự tính sẽ thực hiện một ý định gì, nhưng nhất định phải có tối thiểu một bộ đồ mới sặc sỡ hoa màu, cùng là giày dép, nữ trang và cả đến kính đeo mắt nữa, nhất là phải có trong tay vài ba tờ giấy bạc mới tinh khôi chưa có lằn xếp để lo le với chúng bạn.

Còn chuyện bánh trái, xôi chè thì khỏi nói - nhất định là miệng chúng ngổm ngoảm tối ngày. Đòi, đòi đủ thứ, không có thì cha mẹ phải nhức xương với chúng chứ không phải dễ!

Từng thành phần - hay đúng hơn, từng cá nhân trong gia đình - nói chung, ai ai cũng thích ăn Tết, ai ai cũng mong cho mau đến Tết… để rước lộc mới, để xả xui năm cũ, và để tâm hồn được thực sự thơ thới, thong dong trong “ba ngày xuân nhựt”!

Nhưng đó là nếp sinh hoạt của những gia đình đủ ăn, đủ xài sắp lên. Còn những gia đình nghèo túng thì “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”, chớ nào có vui sướng gì!

Bình thường đã thiếu trước hụt sau hà huống gì Tết nhứt! Bởi Tết thì phải sơn nhà, sơn cửa, sửa hàng rào, quét dọn hàng ba cho sáng sủa đặng ông Thần Tài “liếc vô” một cái cũng đỡ, và cũng để khách khứa, hàng xóm khỏi xì xào, dị nghị; phải có thịt kho dưa giá để trước cúng Ông Bà, sau cho bầy trẻ nó ăn với người ta; phải có sẵn trong nhà một ít thèo lèo, bánh mứt, hột dưa để mời khách cho phải lễ; phải có chút ít tiền còm để lì xì cho con cháu nó mừng.

Và nhất là phải lo may sắm quần áo mới. Cơ khổ, nhà nào cũng “con đàn cháu đống”, ít lắm cũng năm bảy đứa, may cho mỗi đứa một bộ bằng vải rẻ tiền thôi cũng đủ ngộp rồi chớ đừng nói chi mấy thứ vải mắc tiền, giặt khỏi ủi như người ta.

Đó là chưa nói đến cái cảnh thiếu nợ! Khỏi nói thì ai cũng biết, chủ nợ không bao giờ cho thiếu ló qua năm mới. Người thiếu cũng rán lo thế nào để trả tất được trong năm, sợ “ra giêng”, trong mấy ngày Tết chủ nợ đến đòi thì không còn gì xui bằng!

Những ngày cuối năm hàng chục, hàng trăm vấn nạn bắt buộc họ phải lo toan cùng lúc. Phải sở cho rồi, cho dứt trong năm. Mà vấn đề nào cũng đòi hỏi phải có tiền. Có tiền mới giải quyết được các chuyện nhưng thật trớ trêu, họ lại là những người không có tiền!

Cái thói tục thi đua se sua trong mấy ngày Tết, nhất là kiểu ăn Tết của những người giàu có xung quanh đã vô hình trung làm họ tủi nhục thêm hơn. Cho nên đối với họ, câu “sợ Tết” là hoàn toàn đúng, sát hoàn cảnh thực tế.

Bài vè ăn Tết mà tôi sưu tầm được, nói về hoạt cảnh rộn ràng của dân quê trong mấy ngày lo Tết. Họ là những nông dân quê mùa nên cuộc sống rất giản dị và chật vật, nhưng không ai không dồn mọi nỗ lực cho ngày tư ngày Tết.

Cũng lễ mễ đủ điều, nhưng trong điều kiện sẵn có của một cộng đồng mộc mạc và nghèo túng miền thôn dã, những hình ảnh lo Tết xưa như giã nếp, phơi lúa, xay bột, quết bánh phồng, rọc lá gói bánh, chèo ghe đi chợ mua mứt, mua trà, giấy hồng đơn viết liễn, chia thịt heo, đốt pháo, nhậu nhẹt say sưa đến nỗi “sai con, vợ vác cây nêu đem cắm ngoài hè” v.v. đều hiện ra tỏ rõ như một bức tranh sống thực - ít lắm cũng đã trăm năm cách ngày nay.

Xong Tết, cảnh thiếu hụt, nợ nần có khi lại thêm lên. Nếu không khéo lo toan, chật vật lại vây kín để rồi lại đầu tắt mặt tối trong nỗi lo. Chả thế, người nghèo mỗi lần Tết đến, hết sức “thấm thía”.
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem