Cái thước và sự mực thước

Thứ hai, ngày 14/11/2011 19:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong cuốn sách gây tranh cãi "Sát thủ đầu mưng mủ", có một câu khiến người lớn phải suy nghĩ "Không mày đố thầy dạy ai". Đã có sự hoán đổi quan trọng vị thế của thầy, và trò trong câu thành ngữ thời @ này.
Bình luận 0

Dường như, càng ngày hình ảnh người thầy càng ít long lanh và khả kính hơn trong mắt một bộ phận giới trẻ, dù chúng ta thường chặc lưỡi rằng chúng chỉ là một bộ phận thiếu giáo dục, hoặc thậm chí hư hỏng.

4 năm trước, sau vụ một học sinh ở Tam Nông (Phú Thọ) uống thuốc sâu tự tử vì không chịu nổi nỗi nhục bị cô giáo "khám xét toàn thân trước cả lớp" vì nghi ăn cắp 100 nghìn đồng, dư luận đã đặt ra vấn đề về cần thay đổi quan niệm "gõ đầu trẻ".

Trên báo, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Đặng Huỳnh Mai tâm sư, bà không thể quên hình ảnh một người thầy đã dùng thước lim đánh toạc đầu học sinh. Chiếc thước kẻ, gắn với quan niệm truyền thống về những ông đồ "gõ đầu trẻ", từ lâu đã không thuần tuý chỉ là công cụ đo lường chuẩn mực, nó đã trở thành công cụ trừng phạt.

Năm 2008, một học trò ở Mỹ Tho, Tiền Giang đã bị thầy giáo đánh gãy tay bằng thước. Rồi ở Hải Dương, cô giáo dùng thước lệnh (cây ăng ten) quật vào đầu học sinh. Cây thước vô tình gãy và cắm thẳng vào mắt cậu học trò...

Báo chí mấy hôm nay đưa rất đậm câu chuyện một cô giáo ở Huế bắt hàng chục học sinh, bất phân nam nữ, bất kể sức khỏe bình thường hay "không bình thường lắm", nằm lên bàn để đánh. Lần này thay vì thước, công cụ là cái cán chổi.

Dù chổi hay thước thì trong mọi trường hợp chỉ có thể hiểu nó hiện hữu như là phương tiện để củng cố vị thế tối cao của người thầy trong nhà trường.

Dùng thước, hoặc cán chổi đánh học sinh, đang chỉ thể hiện sự bất lực của người thầy và lớn hơn, của cả ngành giáo dục trong việc củng cố vị thế người thầy trong mắt học trò, một vị thế mà quan niệm truyền thống phương đông còn xếp trên cả bậc có công sinh thành dưỡng dục, vì người thầy có công dạy dỗ kiến thức, và đạo lý làm người.

Có nhiều người tỏ ra thông cảm cho việc cô giáo đánh học trò, rằng: Đánh là để giáo dục, đánh là để học trò... đi lên. Có người trách báo chí đã làm toáng lên những câu chuyện không hay ho về người thầy, dù đó chỉ là thiểu số, là những con sâu, vô hình trung ảnh hưởng đến hình ảnh thiêng liêng về người thầy trong con mắt học trò. Nhưng chưa bao giờ, lại có nhiều “sâu” trong giáo dục như bây giờ.

Và ngẫm ra, việc đưa những "vụ cái thước" ra trước dư luận, thực ra, chỉ là hình thức tự vệ của những người không có khả năng tự vệ, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khoẻ tính mạng của mình trước những... người thầy.

Trên mạng, đã có một giai thoại mà đằng sau những nụ cười là một những thực tế chua chát: "Đi nhà trẻ thì bị bảo mẫu Trần Thị Phụng tắm kiểu bạo hành. Lớn lên thì có thể phải làm học trò thầy Sầm Đức Xương. Vào đại học thì gặp thầy Đỗ Tư Đông...". Sẽ không ai có thể bảo vệ các thày cô giáo thay cho chính họ, bằng sự mực thước. Và đời nào cũng vậy, sự mực thước không bao giờ có thể tạo dựng được bằng những cái thước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem