Cải tiến quy trình ở vùng nuôi tôm trọng điểm

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 20/04/2017 18:00 PM (GMT+7)
Người nuôi tôm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có những cải tiến quy trình để tránh dịch bệnh và đáp ứng tiêu chuẩn tôm xuất khẩu.
Bình luận 0

img

Người dân thu hoạch tôm nuôi theo quy trình cải tiến ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Nâng chất vùng nuôi tôm

Mặc dù đang chịu nhiều hậu quả do hạn, mặn, nhiều địa phương khác xảy ra trường hợp tôm chết hàng loạt (nhiều nhất là ở tỉnh Trà Vinh), nhưng nhiều vùng nuôi ở tỉnh Kiên Giang việc sản xuất tôm vẫn không bị ảnh hưởng. Nhờ cải tiến quy trình, tại các địa phương này rất ít xảy ra dịch bệnh gây hại cho tôm. Vì vậy, người dân cũng bớt lo âu hơn so với những năm trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, một hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm ở xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương cho biết: Rút kinh nghiệm những năm trước đây, để hạn chế nắng nóng kéo dài nhiều ngày làm tôm bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, thậm chí là chết, ông đã đầu tư thêm hệ thống lưới che ngăn ánh nắng chiếu thẳng xuống đầm nuôi. Ngoài tác dụng che nắng, mái che trên còn giúp giảm tình trạng bốc hơi nước, làm cho độ mặn trong đầm nuôi không bị tăng lên cao.

img

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu.

“Cải tiến quy trình nuôi tôm, người dân có thể thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình bền vững, theo hướng an toàn sinh học vì cải tạo tốt đất, nước trong ao nuôi.”
Ông Lê Văn Ba (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)

Theo phóng viên tìm hiểu, tại các vùng nuôi tôm - lúa quảng canh cải tiến ở tỉnh Kiên Giang, nông dân đã cải tiến quy trình theo hướng nuôi ghép tôm sú (khoảng 3 tháng thu hoạch) và với tôm càng xanh (5 tháng thu hoạch). Nhiều người dân địa phương cho biết: sở dĩ nuôi ghép theo hình thức trên là “lấy ngắn nuôi dài”, khi thu hoạch dứt điểm tôm sú thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Khi thu hoạch hết tôm, người dân chuyển sang trồng lúa để cải tạo môi trường đồng ruộng và tiếp tục thả giống tôm nuôi. Mô hình cải tiến này góp phần đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, hiện nay, nhiều hộ dân đang nuôi tôm theo mô hình luân canh tôm – lúa thông minh, tức nuôi 1 vụ tôm rồi sẽ đến 1 vụ lúa. Mô hình này phù hợp với khả năng sản xuất của đa số các hộ nông dân trong vùng trong điều kiện BĐKH, ít tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.

PGS,TS.Võ Công Thành – Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH.Cần Thơ) cho biết: qua triển khai thực tế ở nhiều địa phương, mô hình trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. “Sau mỗi đợt nuôi tôm, chất hữu cơ chưa phân hủy sẽ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho lúa. Còn trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm. Với cách làm này, người dân sẽ thu lúa, tôm đạt chất lượng cao, chỉ riêng cây lúa đã tăng năng suất từ 15 – 30% so với độc canh lúa trong nhiều năm liên tiếp”, PGS, TS.Thành phân tích.

Còn theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu thì mô hình tôm - lúa trên là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau. Sau khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn (giảm được phèn), cây lúa phát triển mạnh, giảm được 60 – 70% chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đến vụ, khi thả nuôi thì tôm sẽ mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh.

Kiểm soát chặt tôm giống

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, các cơ quan chức năng đang quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, giảm dần số lượng cơ sở quy mô nhỏ, khuyến khích đầu tư theo quy mô lớn, có tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng con giống. Nếu phát hiện con giống không đảm bảo chất lượng, ngành chức năng sẽ không cho xuất bán và xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài siết chặt quản lý về chất lượng giống, tỉnh Cà Mau còn có biện pháp ngăn chặn nguồn giống kém chất lượng, không truy xuất được vào địa phương mình.

“Ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng một số tiểu vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình theo chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC, BAP… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn để kiểm soát dịch bệnh, tránh ô nhiễm đầm tôm”.
Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Kiên Giang

“Hằng năm, lượng tôm giống nhập về Cà Mau khá lớn. Vì vậy chúng tôi khuyến khích và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn, có uy tín cung cấp tôm giống tốt vào địa bàn Cà Mau, nhưng phải cam kết chất lượng, có quy chế phối hợp với tỉnh để dễ quản lý”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - ông Nguyễn Tiến Hải nói.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang dần xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (hình thức nuôi thâm canh và siêu thâm canh). Theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh này sẽ có khoảng 800ha diện tích nuôi tôm theo hình thức trên, đạt sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Để có được kết quả trên, ngành nông nghiệp sẽ ngăn chặn việc nuôi tự phát và thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất hợp lý. Đối với những diện tích nuôi tôm khá lâu (từ 16 - 20 năm) đã bạc màu, chất độc hại tồn dư nhiều sẽ được cải tạo.

Cũng như Cà Mau, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cũng đang quy hoạch lại diện tích nuôi tôm nước lợ và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt diện tích khoảng 104.300ha. Theo đó, tỉnh chú trọng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm và hạ giá thành sản xuất. Từ đó, có nguồn nguyên liệu cung ứng tốt cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Được biết, các mô hình công nghệ cao đang được nhân rộng ở Kiên Giang đều sử dụng lót bạt dưới đáy ao, năng suất đạt từ 20- 40 tấn/ha/vụ, có thể nuôi từ 2 - 4 vụ/năm. Còn ở Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc cũng được triển khai rất hiệu quả. Để giữ cho nước ao luôn trong và sạch, Tập đoàn đã ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn vào sản xuất. Theo đó, chất thải và thức ăn dư thừa sẽ bị loại bỏ, lượng nước còn lại được đưa qua giàn tia cực tím nhằm diệt khuẩn và quay trở lại ao tôm. Nguồn nước trên có thể tái sử dụng đến 10 năm nên hạn chế được một lượng nước thải ra ngoài môi trường.

Ở Sóc Trăng, để việc sản xuất cũng như xuất khẩu tôm đạt được hiệu quả cao, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh đã ký kết hợp tác với các cơ quan chức năng quản lý, các doanh nghiệp lớn để chia sẻ thông tin, nắm bắt kịp tình hình và chỉ đạo sản xuất. Ngoài ra còn xây dựng cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để thuyết phục các đối tác nhập khẩu tôm tuân thủ các quy định của quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem