Ngày ấy, nhà không có tài sản gì quí giá ngoài cái tủ kiếng được cha tôi đặt trang trọng ở nhà trên. Đó là cái tủ với kiểu dáng khá đơn giản cao khoảng hai mét, bề rộng khoảng một mét. Nó chỉ có hai ngăn: một ngăn với cánh cửa bằng gỗ, bên trong được chia làm nhiều hộc nhỏ có thể cất giữ giấy tờ; ngăn còn lại với cánh cửa ốp bằng tấm kiếng thật to, ngăn này được dùng để treo quần áo nên rất trống trải không chia thành hộc nhỏ; ngoài ra, phía bên dưới hai ngăn này còn có hai hộc tủ nhỏ khá tiện lợi.
Cha tôi phân chia mỗi thành viên một ngăn của tủ kiếng. Cha sử dụng ngăn có những cái hộc nhỏ để chứa tài liệu, sách mà cha sưu tầm được. Còn ngăn treo đồ thì mẹ cất giữ những bộ áo bà ba đẹp nhất để đi đám tiệc, nói vậy chứ mẹ cũng chỉ có hai bộ bà ba để treo trong ấy, còn lại là hai bộ đồ trắng tinh để dành mặc lúc đi học của chị và tôi. Riêng hai cái hộc tủ thuộc “sở hữu” của hai chị em tôi, mỗi đứa một cái để cất giữ tập vở đi học.
Chiếc tủ kiếng đơn sơ ngày nào được gìn giữ đến tận bây giờ. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Cha tôi rất quí cái tủ kiếng ấy. Cha bảo tuy nó chỉ được đóng bằng gỗ thường chứ chẳng phải loại gỗ gì quí giá và kiểu dáng thì cũng chẳng có gì cầu kỳ, hoa mỹ nhưng đó là kỷ vật mà khi cha mẹ ra cất nhà ở riêng thì ông bà nội tặng với tâm nguyện vợ chồng sống hạnh phúc, trọn đời bên nhau, làm ăn khấm khá. Bây giờ, ông bà nội đã không còn trên cõi đời này nữa thì nó trở thành báu vật của cha, tôi để ý có khi cha ngồi nhìn cái tủ kiếng ấy lâu lắm như để nhớ lại hình bóng ông bà nội kính yêu thuở nào.
Còn tôi có một kỷ niệm chẳng thể nào quên với cái tủ kiếng và kỷ niệm đó trở thành một “bài học” theo tôi suốt cả cuộc đời. Nhớ lần đó cha mẹ vắng nhà, tôi rủ mấy đứa bạn thân lại nhà chơi rồi lượm cây chơi trò “đánh kiếm”. Chẳng biết thế nào tôi quơ “cây kiếm” trúng vào tấm kiếng trên cánh cửa tủ vỡ tan rơi xuống đất. Thấy cảnh ấy, bọn bạn tôi chạy mất dạng, riêng tôi biết mình phạm lỗi lầm quá lớn nên tự mình lấy cây roi rồi nằm sẵn trên bộ ngựa chờ cha “trị tội”.
Tôi cứ ngỡ khi về cha sẽ giận dữ lắm nhưng tôi không ngờ cha thẫn thờ nhìn tấm kiếng vỡ, thở dài qua tôi mà chẳng nói tiếng nào. Tối hôm đó, tôi để ý thấy cha châm bình trà rồi ngồi đăm chiêu, trầm ngâm mãi đến khuya. Rồi cha lục đục mở tủ lấy hai quyển sách quý mà cha sưu tầm được, mân mê lật giở xem từng trang. Sáng hôm sau, cha gói gém hai quyển sách ra khỏi nhà sớm lắm, lát sau cha về cùng hai ông thợ mang theo tấm kiếng mới thay vào chỗ cửa kiếng bị hư. Lúc đó, cả nhà mới vỡ lẽ ra cha mang hai quyển sách quí đem bán lấy tiền sửa tủ kiếng. Tôi buồn lắm, chạy đến ôm lấy cha khóc thút thít xin cha tha lỗi cho tôi. Cha ôm tôi vào lòng, khẽ khàng xoa đầu tôi bảo: “Con biết mình có lổi là tốt rồi! Mai mốt đừng chạy giỡn lung tung nữa nghe con! Cái tủ kiếng hư có thể sửa lại được nhưng con mà bị gì thì cha chẳng biết làm sao!”.
Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thời gian, cuộc sống của mọi người cũng dần ấm cúng, thoải mái hơn trước. Những căn nhà vách lá, nền đất đã được xây mới và người dân quê tôi sắm sửa bao thứ mới mẻ cho phù hợp với thời đại ngày nay. Nhưng chiếc tủ kiếng ngày nào vẫn được người dân quê, gia đình tôi gìn giữ một cách trân trọng nhất, xem như là báu vật với biết bao kỷ niệm khó phai nhòa trong ký ức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.