Cán bộ kiểm tra rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cán bộ kiểm tra rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ ba, ngày 02/01/2024 09:46 AM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ nào được chọn đi làm việc kiểm tra là Đảng có tin mới chọn mình, mình phải rèn luyện, học tập, cố gắng sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm…
Về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên"(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang… Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất"(2). Đạo đức cách mạng không chỉ thể hiện ở các đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, mà còn là tư tưởng, lập trường chính trị, lý tưởng, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Vì vậy, Người nhấn mạnh: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(3).
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ kiểm tra, thì đạo đức cách mạng lại càng là một yêu cầu quan trọng, cán bộ kiểm tra hơn là những người cán bộ làm công tác đặc biệt - làm sáng tỏ "ngọn nguồn, lạch, sông", cho nên bản thân người cán bộ kiểm tra phải tự mình gương mẫu vì việc làm của họ luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, coi là khuôn mẫu. Mỗi cán bộ kiểm tra phải thật sự là tấm gương mọi mặt, có như vậy thì người được kiểm tra mới "tâm phục khẩu phục".
Người so sánh "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(4). Thậm chí, Người căn dặn, cán bộ kiểm tra như "cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được". Vì thế cán bộ kiểm tra phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đó là câu nói nổi tiếng của Người về công tác kiểm tra cũng như cán bộ làm công tác kiểm tra để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ công tác kiểm tra có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, việc lựa chọn ai làm công tác kiểm tra là một vấn đề quan trọng, nó sẽ quyết định đến hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm tra. Người nói: Vì công tác kiểm tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ kiểm tra là "tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt"(5). Để làm được tai mắt cho Đảng, cho Chính phủ, cán bộ kiểm tra phải là những người thực sự có năng lực, kinh nghiệm và uy tín. Thực tế cho thấy để làm được các công việc quan trọng nhưng khó khăn và phức tạp, nhất là các công việc đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn khoa học - kỹ thuật, thì thực sự đòi hỏi khả năng về trí tuệ của con người.
Xuất phát từ đặc thù của công tác kiểm tra là: "…theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ"(6), tức là công tác kiểm tra, phát hiện, "đi đến ngọn nguồn, lạch, sông" cho nên người làm công tác kiểm tra phải càng thực sự có năng lực và sáng suốt. Người chỉ rõ phương pháp kiểm tra khoa học đó là phải "kịp thời"; "phải đến tận nơi, xem tận chỗ"(7); "kiểm tra phải cẩn thận, khách quan"(8), "kiểm tra phải dùng cách thức phê bình và tự phê bình"(9) và phải đi đúng đường lối quần chúng.
Không những có năng lực, đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và uy tín cao. Khi nói về trách nhiệm của người lãnh đạo là phải kiểm tra công việc của các cơ quan, của các cán bộ cấp dưới, Người chỉ rõ: Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra mới đủ kinh nghiệm và uy tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra.
Kiểm tra là một công việc rất nhiều khó khăn, nhất là khi vụ việc có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc khi đảng viên được kiểm tra là cấp ủy viên, cán bộ do cấp ủy quản lý thì càng đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm của người đi kiểm tra. Bản lĩnh đó thể hiện tinh thần thẳng thắn, phát hiện ra các sai phạm, đấu tranh đối với mọi đối tượng. Kinh nghiệm của người cán bộ kiểm tra có được do học hỏi, tôi luyện, đúc rút từ thực tế, đó là sự thuần thục chuyên môn, sắc sảo trong xử lý mọi vấn đề, các quan hệ phát sinh trong quá trình kiểm tra.
Thực tế, khi kiểm tra các vụ việc phức tạp, kinh nghiệm sẽ giúp cán bộ kiểm tra làm tốt công việc, họ sẽ bóc tách, đi đến tận cùng mọi vấn đề, có phương sách đúng đắn với các hành vi, thủ đoạn của đối tượng bị kiểm tra nhằm che giấu các sai phạm.
Để làm "gương cho người ta soi" thì cán bộ kiểm tra phải thực sự có tài năng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng. Bàn về tấm gương đạo đức cách mạng của người cán bộ kiểm tra, Người chỉ rõ: Cán bộ kiểm tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn "phải gương mẫu cho người khác"(10).Vì vậy, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải có tri thức, có trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức trong sáng, phương pháp ứng xử và đời sống, sinh hoạt cá nhân mẫu mực.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ nào được chọn đi làm việc kiểm tra là Đảng có tin mới chọn mình, mình phải rèn luyện, học tập, cố gắng sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm… Rèn luyện đạo đức cách mạng là khó. Nhưng cố gắng học tập sửa đổi, cố phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; công việc của cán bộ kiểm tra đòi hỏi cái đó hơn cán bộ khác.
Đúng như Người đã dạy, để làm việc cho tốt thì cán bộ kiểm tra phải có đạo đức cách mạng. Trau dồi đạo đức cách mạng không chỉ là tu dưỡng đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, mà còn là không ngừng học tập, nắm vững tư tưởng và các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng cập nhật, nắm bắt, thấm nhuần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thức về hoạt động kiểm tra, giám sát không phải là việc làm "bới lông, tìm vết", truy tìm khuyết điểm chỉ để xử lý kỷ luật, để trừng phạt cán bộ, đảng viên, càng không phải là gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên mà để phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra vi phạm. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên tham gia vào công tác kiểm tra chủ động hợp tác với tổ chức đảng và cán bộ kiểm tra, mạnh dạn chỉ ra những khuyết điểm của đồng chí mình để sửa chữa, khắc phục và phấn đấu cùng tiến bộ.
Bên cạnh những thành công trong công cuộc xây dựng kinh tế, an ninh, quốc phòng thì hiện nay Đảng và Nhà nước đang nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, nổi cộm nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta đã rất coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trong đó phát huy vai trò, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và phải đi đầu.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần và quyết tâm chính trị cao hơn để đấu tranh ngăn chặn những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "lợi ích nhóm". Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, UBKT các cấp và cán bộ kiểm tra là hết sức nặng nề.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao ngoài việc tuân thủ pháp luật thì tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và những lời căn dặn đối với cán bộ kiểm tra luôn là kim chỉ nam dẫn đường. Trước hết, để không bị vướng vào "cạm bẫy", cán bộ kiểm tra phải thấm nhuần tư tưởng: Phụng sự Đảng, phụng sự nhân dân là trên hết. Cái gì có lợi cho Đảng, cho dân, cho nước thì phải ra sức làm; phải có thái độ cương quyết, trung thực, khách quan trong sáng; không vụ lợi chức quyền để làm lợi cá nhân nhưng cũng không lợi dụng chức quyền để bao che cho cái xấu; trong công việc phải thực sự chí công vô tư.
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" nên vai trò các cấp ủy Đảng từ thành ủy, tỉnh ủy, quận ủy, huyện ủy... đến đảng ủy, đảng bộ các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Một đảng bộ trong sạch, vững mạnh nghĩa là một địa phương, một ngành kinh tế phát triển, đời sống nhân dân, cán bộ, nhân viên được ấm no, hạnh phúc.
Ngược lại một đảng bộ thiếu trong sạch thì đời sống nhân dân, cán bộ, nhân viên ngược lại. Và để các cấp ủy đảng hoạt động trong sạch, vững mạnh thì vai trò của công tác kiểm tra Đảng là rất quan trọng. Nếu trong công tác kiểm tra mà cán bộ kiểm tra không trong sáng sẽ là đồng lõa với cái xấu, dẫn đến sai phạm nối tiếp sai phạm, sự tồn vong của Đảng, của chế độ, sự an bình của nhân dân bị lâm nguy. Thế nên, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những điều căn dặn đối với người làm công tác kiểm tra của Người: Chí công vô tư, không được đặc quyền, đặc lợi.
UBKT các cấp, cán bộ kiểm tra phải nắm vững và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V (khóa X) và Thông báo Kết luận số 156-TB/TW ngày 01/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa. Không được lợi dụng vị trí công tác để làm sai chức trách nhiệm vụ được giao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.