Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 13/03/2023 06:30 AM (GMT+7)
Cán bộ Phòng Tư pháp thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị còn kiêm viết kịch bản cho những đoạn phim ngắn để tuyên truyền pháp luật. So với cách tuyên truyền truyền thống, việc ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền giúp tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao hơn.
Bình luận 0

Tuyên truyền trên mạng xã hội

Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Hồng Oanh – Trưởng phòng Tư pháp thành phố Đông Hà khi trao đổi với PV Dân Việt.

Bà Oanh cho biết, năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid -19 xảy ra ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gặp không ít khó khăn, thách thức, và yêu cầu phải đổi mới, thích ứng linh hoạt để mang lại hiệu quả cao. Việc ứng dụng các trang mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp hay để đưa pháp luật đến trực tiếp với nhân dân. Vì vậy, UBND thành phố Đông Hà đã ban hành đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Dàn diễn viên không chuyên đang quay, diễn clip "Xin đừng tặng em hoa... tai" từ kịch bản do cán bộ Phòng Tư pháp thành phố Đông Hà viết. Ảnh: Hồng Oanh.

Ngay sau đó, Phòng Tư pháp thành phố đã thiết lập fanpage facebook Thông tin pháp luật - Đông Hà vào tháng 2/2020, với mục đích đăng tải các bài viết, clip tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nội dung được đăng tải là những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, những chính sách tác động đến cuộc sống phù hợp từng thời điểm phát triển kinh tế - xã hội, những quy định liên quan đến công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Từ đó đến nay, Phòng Tư pháp thành phố Đông Hà đã đăng tải 425 bài viết, 14 video clip lên fanpage facebook Thông tin pháp luật - Đông Hà, thông tin đến nhân dân nội dung hầu hết các Bộ luật, Luật, nhiều Nghị định, Nghị quyết và một số Thông tư.

Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Diễn viên không chuyên Lê Mây trong vai người vợ làm nghề buôn bán rau trong clip "Xin đừng tặng em hoa... tai". Ảnh: Ngọc Vũ chụp lại màn hình.

Trong đó, chú trọng các nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…

Các bài viết tập trung vào phổ biến các quy định pháp luật, phân tích, giải thích nội dung một số quy định pháp luật, cách xử trí các tình huống pháp luật xảy ra trong thực tiễn. Mỗi bài viết ngắn gọn, kèm hình ảnh minh họa.

Cán bộ kiêm nhà biên kịch

Nhận thấy hiệu ứng tích cực từ tuyên truyền trên mạng xã hội, tháng 4/2021, Phòng Tư pháp thành phố Đông Hà đã xây dựng các clip ngắn sinh động, nội dung là các tình huống xảy ra trong thực tế và cách giải quyết đúng quy định pháp luật, đăng tải lên fanpage facebook Thông tin pháp luật - Đông Hà.

Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0 - Ảnh 3.

Phòng Tư pháp Đông Hà có 4 người làm việc, trong đó chỉ có 3 biên chế chính thức, 1 người thuộc biên chế phòng khác nhưng làm kế toán trưởng cho Phòng Tư pháp. Họ chính là những nhà biên kịch không chuyên, "mẹ đẻ" của những clip tuyên truyền pháp luật hút view trên mạng xã hội. Ảnh: Hồng Oanh.

Bà Oanh cho hay, Phòng Tư pháp thành phố chỉ có 4 người làm việc, trong đó có 3 biên chế chính thức. Không có thời gian, nhân lực, vật lực để tự làm diễn viên, quay phim, hậu kỳ nên Phòng đã hợp đồng với một đơn vị chuyên môn. Riêng về kịch bản do các cán bộ của Phòng tự viết.

"Chúng tôi lựa chọn những vấn đề thường gặp trong cuộc sống để lên ý tưởng, viết kịch bản, chỉnh sửa nhiều lần, sau đó thống nhất. Có những kịch bản chỉ mất một, hai ngày nhưng có những kịch bản phải mất cả tuần mới hoàn thành. Lời thoại trong clip mang đậm chất địa phương, gần gũi với người dân Quảng Trị nói riêng, miền Trung nói chung." – bà Oanh chia sẻ.

Cũng theo bà Oanh, ban ngày cán bộ của Phòng phải xử lý công việc chuyên môn nên việc viết kịch bản đa số phải mang về nhà, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để hoàn thành.

"Có khi đang nấu ăn, chuẩn bị đi ngủ… mà nghĩ ra một lời thoại, bối cảnh nào đó là ngay lập tức phải hí hoáy ghi chép kẻo sợ quên. Viết xong còn phải nhờ nhiều người góp ý, sau đó mình cân nhắc chỉnh sửa mới hoàn thành. Dân không chuyên là vậy đó" – chị Oanh nói.

Sau khi có kịch bản, dàn diễn viên không chuyên sẽ quay, dựng, hậu kỳ… mới hoàn thành sản phẩm và đăng lên fanpage.

Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0 - Ảnh 4.

Những clip trên fanpage facebook Thông tin pháp luật - Đông Hà nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Ngọc Vũ chụp lại màn hình.

Theo bà Oanh, có những clip ekip sản xuất phải chạy đua với thời gian. Ví như clip "Đừng tặng em hoa…tai". Lý do là Phòng muốn đăng tải clip đúng vào dịp 8/3, vừa gửi lời chúc đến toàn thể chị em phụ nữ, vừa để tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhắn nhủ đấng mày rầu hãy biết quan tâm đến một nửa thế giới.

Đến nay, đã có nhiều clip ngắn được đăng lên fanpage facebook Thông tin pháp luật - Đông Hà như: "Cuộc đấu trí hấp dẫn của vợ chồng nhà Lý Sự" với nội dung là các tình huống pháp luật trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 

"Phòng, chống dịch bệnh Covid-19" với nội dung là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. "Vui thôi, đừng vui quá!" với nội dung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư. "Không nặng lòng cá độ kèo thơm!" đề cập đến vấn đề cá độ bóng đá. "Xây nhà thế nào cho đúng luật?" có nội dung phổ biến quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng. "Em rất tỉnh và đẹp gái!" đề cập đến việc sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng quy định pháp luật.

Cán bộ làm nhà biên kịch trong thời đại 4.0 - Ảnh 5.

Những tình huống, lời thoại dân dã, gần gũi với mọi tầng lớp người dân giúp các clip được đón nhận, lan toả. Ảnh: Ngọc Vũ chụp lại màn hình.

Các video clip được thiết kế ngắn từ 4-8 phút, là những câu chuyện hài hước, dí dỏm diễn ra trong cuộc sống thường ngày, gần gũi với nhân dân, cách giải quyết tình huống nhân văn, đúng quy định pháp luật, từ đó đưa pháp luật đi vào cuộc sống để nhân dân nắm bắt, chấp hành. Chính vì sự gần gũi, thiết thực đó, mỗi clip tiếp cận từ 7.000 người đến 35.000 người, thu hút từ 5.000 người đến 13.000 người xem.

Theo bà Oanh, so với cách tuyên truyền truyền thống như hội họp, băng rôn biểu ngữ… thì tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội bằng clip ngắn tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.

Với cách làm mới này, việc tuyên truyền pháp luật không nặng nề, khô cứng, hình thức mà trở nên sống động, nhẹ nhàng, dễ hiểu, từ đó góp phần xây dựng ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội.

Clip Em rất tỉnh và đẹp gái! của Phòng Tư pháp thành phố Đông Hà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem