Cần thiết giúp trẻ nhận biết về bạo lực gia đình

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 16/10/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đây là một trong những giải pháp mà các tổ chức đoàn, đội trong các trường học ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang triển khai.
Bình luận 0

Mưa dầm thấm lâu

Bà Nguyễn Hồng Phúc – Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Tiên Dương (Đông Anh) cho biết, trẻ em bị chứng kiến bố mẹ đánh cãi nhau cũng là bị bạo lực. Để giúp trẻ em nhận biết về bạo lực gia đình (BLGĐ), giờ chào cờ hàng tuần, trường cũng có tuyên truyền lồng ghép cả vấn đề BLGĐ, dân số.

img

Trẻ em huyện Đông Anh nói về vấn đề xâm hại và bạo lực gia đình. Ảnh: Nguyệt Tạ

Bà Phúc chia sẻ, Đông Anh với đặc thù nhiều xã phường vẫn còn người dân làm nông nghiệp, trồng rau sạch... nên đời sống vẫn còn rất khó khăn. Nhiều gia đình vẫn còn nặng nề về vấn đề giới tính, trọng nam khinh nữ. Nhiều  phụ nữ đi làm đồng làm cố về nhà chưa kịp cơm nước đã bị đánh.

“Mới đây, lúc họp phụ huynh, có phụ huynh của tôi bị thâm tím cả vùng mắt. Khi hỏi thì chị ấy nói bị ngã, nhưng học sinh là con chị ấy cho biết mẹ bị bố uống rượu say rồi đánh. Bản thân em học sinh đó cũng tâm sự thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ mắng, cãi nhau và rất sợ mỗi lần bố say rượu” – bà Phúc kể.

Bà Phúc cũng cho biết ngoài việc cung cấp thông tin, dựng tình huống trong buổi chào cờ để tuyên truyền, giáo dục, thì các trường còn mời những người có chuyên môn đến nói chuyện về các chủ đề liên quan. Qua đó, tư vấn cách thức ứng phó, xử lý trong từng trường hợp cho các em, nhằm tránh nguy cơ bị xâm hại, bạo lực hay phải chứng kiến BLGĐ.

Trao quyền cho trẻ em

Mới đây, nhân Ngày quốc tế trẻ em gái (11.10), UBND  Đông Anh phối hợp Tổ chức Plan international tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và Trao quyền cho trẻ em gái”.

Diễn đàn trẻ em huyện Đông Anh được phát động từ tháng 8.2017 với 23.000 học sinh của 26 trường THCS trên địa bàn huyện tham gia. Học sinh được cùng tham gia thảo luận về ba chủ đề chính: Phòng chống quấy rối, xâm hại và bạo lực; an toàn của em gái khi di chuyển ở nơi công cộng; an toàn của trẻ em trên môi trường mạng.

Tại diễn đàn, hàng trăm học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở, đại diện cho 26.000 trẻ em trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia đối thoại với lãnh đạo huyện. Các em được thể hiện khả năng diễn thuyết trước đám đông về những kiến thức, hiểu biết về quyền của trẻ em, về vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em, BLGĐ và cách phòng tránh những nguy cơ.

Nhiều câu hỏi và thắc mắc của các em về nhiều nhóm vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành, huyện giải đáp, trả lời, đồng thời đưa ra những định hướng, cam kết cho việc thúc đẩy sự an toàn của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái tại các không gian công cộng.

Em Nguyễn Thị Phương - học sinh Trường THCS Kim Nỗ bày tỏ: “Trẻ em được quyền lên tiếng, được quyền bảo vệ chính bản thân mình và được quyền lên án những thói xấu, những hành vi xấu của những người xâm hại đến trẻ em. Chúng con, cá nhân con cũng như tập thể các trường đang cố gắng hết sức để phòng chống tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Con được sống, học tập  trong một môi trường lành mạnh, được phát triển các kỹ năng sống”.

Bà Saron Kane - Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan international  cho biết, các em gái ở đây cùng nhiều bé gái ở 60 nước trên toàn cầu được trao vị trí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo nói lên tiếng nói của mình. Ngày quốc tế trẻ em gái là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương, cha mẹ về quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền của em gái, phê phán tình trạng bất bình đẳng hiện nay khi nhiều trẻ em gái chưa thực sự được bảo vệ...

Bà Saron Kane nói: “Khi được gia đình, nhà trường, xã hội giúp cho các kỹ năng, thông tin để các em có cơ hội chia sẻ, như thế sẽ bảo vệ trẻ em được tốt hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem