Cảnh báo thiên tai cuối năm, chuyên gia mách nước giúp dân bảo vệ, chăm lúa, gà, cá an toàn

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 04/11/2022 12:21 PM (GMT+7)
Ở nước ta, hoạt động sản xuất nông nghiệp thường chịu tác động trực tiếp và nặng nề của thiên tai. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bà con chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đối với từng loại hình thiên tai.
Bình luận 0
Cảnh báo thiên tai cuối năm, chuyên gia mách nước giúp dân bảo vệ, chăm lúa, gà, cá an toàn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi, thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chia sẻ các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” ngày 3/11 ở Lào Cai. Ảnh: Trần Quang

Nguy cơ thiếu nước cục bộ vào mùa khô 2023

Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” tổ chức ngày 3/11 ở Lào Cai, ông Lê Minh Nhật - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nhận định, từ tháng 11/2022-1/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 20-40%; riêng khu vực Tây Bắc tháng 1/2023 tổng lượng mưa cao hơn TBNN khoảng 20-40%; từ tháng 2-4/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ ở mức thấp hơn từ 15-25% so với TBNN cùng thời kỳ;

Mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ biến đổi chậm và xuống dần. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa phổ biến thiếu hụt so với TBNN, trong đó hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 20-40%. Nguy cơ thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Bắc trong mùa khô năm 2023.

Trước những thách thức về thời tiết như trên, ông Nhật đề xuất một số giải pháp như lắp đặt hệ thống cảnh báo do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. 

Lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực không bảo đảm an toàn...

Đồng thời, nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đảm bảo phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là mưa đá, giông lốc. Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ, dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Người dân cần chủ động chuyển đổi cây, con thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hải  - Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi, thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ NNPTNT) cũng đưa ra nhiều giải pháp hay, giúp người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng với từng loại hình thiên tai. 

Cụ thể về trồng trọt tại khu vực miền Bắc, miền Trung, bà Hải cho rằng: Ở vùng trũng thấp, bà con cần chuyển lúa sang nuôi thủy sản chuyên kết hợp đắp bờ vùng, bờ thửa trồng cây ăn quả, rau màu ngắn ngày. Hoặc có thể chọn gieo trồng 1 vụ lúa đông xuân kết hợp thả vụ cá vụ mùa, trồng các loại rau nổi tự nhiên (rau muống bè, rau rút) hoặc trồng trên các lồng, bè nhân tạo trong vụ mùa.

Tại vùng ven biển, người dân lưu ý chuyển vụ lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi thủy sản chuyên kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả chịu gió bão (dừa, chà là …); trồng rừng chắn gió, chắn cát bay, cây  thức ăn chăn nuôi…

Theo bà Hải, người dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp như về giống, cần sử dụng các giống lúa cứng cây, cao cây, chịu ngập úng tốt; các giống cây ăn quả chịu gió bão, chịu ngập úng: dừa, nhãn, mít, xoài… Căn cứ vào quy luật bão, lũ lụt nhiều năm ở từng địa  phương và thời gian sinh trưởng của từng loại cây trồng, loại giống để tính toán thời vụ gieo trồng hợp lý, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển trong khung thời vụ tương đối an toàn.

Khi chăm sóc, quản lý cây trồng, bà con nên bón cân đối các loại phân N- P- K; bón bổ sung các các loại phân trung, vi lượng như Can xi, Magie, Silic… để tăng khả năng cứng cây, chịu gió bão, ngập úng.

Khi có dự báo có bão, mưa lớn cần chủ động các phương án tiêu nước đệm, khẩn trương thu hoạch lúa, hoa mùa vụ Đông Xuân, Hè Thu, vụ Mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; đối với vườn cây lâu năm: trước khi bão vào cần tỉa cắt bớt cành, thực hiện các biện pháp chằng, chống bảo vệ cây chống gió giật gây gãy cành, đổ cây.

"Sau khi mua bão, cần khẩn trương tiêu thoát úng ngập, vệ sinh đồng ruộng, vườn cây; bón bổ sung (qua đường rễ và phun lên lá) các loại phân Lân, Kali, dễ tiêu, các chế phẩm kích thích ra rễ, nảy chồi để cây sớm phục hồi. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm: Thực hiện tỉa, cắt cành, chằng chống để hạn chế cây bị gãy cành, trốc rễ, rụng quả", bà Hải lưu ý.

Đối với vùng ĐBSCL, bà Hải khuyên bà con nên chủ động bố trí sản xuất né tránh thiên tai: Vùng đầu nguồn các sông Tiền, sông Hậu và vùng rốn lũ và không có đê bao chủ động: chỉ bố trí 2 vụ lúa (Đông Xuân và Hè Thu), không làm lúa vụ Thu Đông (Vụ 3); có thể bố trí trồng sen, súng, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chăn nuôi vịt trong mùa lũ để tăng thu nhập cho nông dân.

Vùng phù sa ngọt, cù lao ven các sông Tiển, Sông Hậu: Chuyển 1 phần đất lúa sang trồng cây ăn trái (lên liếp) kết hợp nuôi trồng thủy sản nước ngọt; tăng cường củng cố các bờ bao ngăn lũ để bảo vệ vườn cây. Đối với vùng cửa các sông lớn và vùng ven biển: Chuyển trồng dừa hoặc cây ăn quả lâu năm; các cây rau màu, ngắn ngày, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi (bò, dê, heo, gà, vịt ), nuôi trồng thủy sản chuyên hoặc kết hợp 1 vụ lúa (mùa mưa) và 1 vụ thủy sản (mùa khô). 

"Các địa phương cần hướng dẫn nông dân cơ cấu giống và thời vụ xuống giống lúa, màu tập trung phù hợp với thời gian lũ về và lũ rút của từng địa phương để đảm bảo an toàn với lũ, đồng thời né tránh các cao điểm sâu bệnh có thể xảy ra trong từng vụ", bà Hải nói.

Trong thời điểm rét đậm, rét hại dài ngày ở các tỉnh phía Bắc cuối năm, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo bà con chăn nuôi cá giống cần thả bèo 2/3 ao về phía Bắc để chắn gió, góc ao để những sọt rơm, rạ cho cá trú đông. 

Riêng với cá chim trắng, cá rô phi, ếch Thái Lan, do chịu rét kém nên bà con cần quan tâm nhiều hơn. Độ sâu nước ao 1,4 - 1,5m, kín gió, ở các góc ao làm những bó rơm rạ hoặc các túm bao tải dứa để cá trú đông. Trên mặt ao thả 2/3 bèo tây để chắn gió hoặc xếp gạch xung quanh bằng mặt đáy ao, khi nhiệt độ 8 - 100C cá sẽ xuống đó trú ẩn.

Cảnh báo thiên tai cuối năm, chuyên gia mách nước giúp dân bảo vệ, chăm lúa, gà, cá an toàn - Ảnh 3.

Người dân xã Cốc San, TP.Lào Cai thu cá bố mẹ đưa vào ấp nở. Ảnh: Trần Quang

Với các loài thủy sản nuôi thương phẩm, bà con cần che kín ao bằng bạt nilon, lá dừa… để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp. Khi trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao, hồ che phủ kín bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ. Dưới ao bơm nước sâu 1,4 - 1,5m. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao về phía bắc để chắn gió. Xung quanh ao, bể nuôi cũng phải che kín bằng bạt nilon, lá dừa… 

Ngoài việc theo dõi, bà con cần cho cá ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao hoặc bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn để các loài cá có đủ sức đề kháng bệnh tật cũng như khả năng chịu rét.

Đối với chuồng nuôi đại gia súc, bà Hải lưu ý cần đảm bảo ấm và đủ độ thông thoáng, có mái che không để mưa hắt vào chuồng nuôi. Trong chuồng, nên có ô thoáng phía trên để lưu thông không khí. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ thoát ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng ảnh hưởng tới sức khỏe trâu, bò.

Đặc biệt, bà con nên dự trữ thức ăn cho trâu bò như phơi khô cỏ và chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp sẵn có, ủ chua một số loại cỏ để cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong vụ đông; bổ sung vitamin và khoáng chất (Đá liếm) cho vật nuôi. 

Riêng chuồng nuôi gia cầm, người dân nên chuẩn bị đầy đủ phên, bạt che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Quây úm gia cầm cầm được kiểm tra thường xuyên đảm bảo nhiệt độ trong chuồng theo hướng dẫn kỹ thuật quy định cho từng độ tuổi...

Bà Hải lưu ý những ngày nhiệt độ dưới 15oC các hộ chăn nuôi nên cho trâu, bò uống nước ấm, cần bổ sung 0,3 % muối ăn vào trong nước uống cho trâu bò. Với gia cầm và lợn: Cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh...

Đối với loại hình thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn như vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và ĐBSCL), bà Hải lưu ý bà con trồng trọt cần xây dựng, nạo vét  hệ thống kênh, rạch, hồ trữ nước ngọt,  củng cố, nâng cấp các cống, đập ngăn mặn và dẫn nước ngọt  để chủ động ứng phó khi xảy ra thiên tai.

Đồng thời, chuyển lúa sang các cây rau màu có khả năng thích ứng với hạn, mặn (ngô, khoai lang, đậu, lạc, cây họ bầu bí...), chuyển trồng dừa và cây ăn trái ít bi thiệt hại do hạn mặn; kết hợp nuôi thủy sản nước lợ (tôm, cua) trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa. Sử dụng các giống lúa có khả năng chịu mặn tốt; Áp dung kỹ thuật "1 Phải 5 Giảm", đặc biệt là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm dư thừa, giảm nước tưới và giảm thuốc bảo vệ thực vật; Bón cân đối Đạm- lân – Ka li – Vi lượng để tăng khả năng chống chịu cho cây trồng.

Đối với vườn cây ăn trái: Cần lên liếp cao khi trồng và có mương, rãnh tưới, tiêu hợp lý. Trong mùa khô, cần thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước kênh, mương, nếu không đảm bảo an toàn không tưới cho cây. Trường hợp vườn cây bị ảnh hưởng nước mặn, cần khẩn  trương tìm nguồn nước ngọt để tưới cứu cây. Tăng cường tỉa bớt cành, tán để giảm  thoát hơi nước. Tăng cường phun phân qua lá để cây dễ hấp thu vì bộ rễ bị tổn thương do nước mặn...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem