Tổng cục Phòng chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND huyện

Bùi My Thứ ba, ngày 14/06/2022 06:34 AM (GMT+7)
Tổng cục Phòng chống thiên tai đã quán triệt trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê, phòng lụt cho lãnh đạo UBND cấp huyện và nâng cao trình độ tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng cấp huyện.
Bình luận 0

Hội nghị Chủ tịch cấp quận, huyện của các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2022.

Tình hình thiên tai phức tạp, dị thường

Ngày 13/6, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch cấp quận, huyện của các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2022. 

Tổng cục Phòng chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND huyện - Ảnh 2.

Hội nghị Chủ tịch cấp quận, huyện của các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2022. Ảnh: Bùi My

Theo báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai, năm 2021 thiên tai không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến phức tạp. 

Sang năm 2022, mặc dù chưa bước vào mùa mưa bão nhưng có thể thấy, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện ngay trong những tháng đầu năm vừa qua.

Điển hình như đợt mưa lớn trái quy luật từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600mm, hay đợt mưa từ ngày 21/5 - 24/5 ở Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ, gây ngập lụt ở nhiều khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, lũ trên một số tuyến sông có đê như sông Cầu, Cà Lồ, Phó Đáy... đã vượt mức báo động 2. 

Hệ thống đê điều của nước ta được dựng xây bền bỉ qua nhiều thế hệ, là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ, chống bão, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tuy nhiên hiện nay, toàn quốc có 2.741km đê từ cấp III đến đặc biệt, hiện còn 242 trọng điểm xung yếu và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về điều chưa được xử lý. 

Tổng cục Phòng chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND huyện - Ảnh 3.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu về công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều. Ảnh: Bùi My

Do đó, hội nghị nhằm mục đích tăng cường tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê phòng lụt cho các đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện và đơn vị tham mưu cấp huyện (Phòng NNPTNT/Phòng Kinh tế) thuộc 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai và các đơn vị trực thuộc, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã thông tin khái quát một số nội dung công tác gắn với nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp huyện: Công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 - một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 của các Chủ tịch UBND cấp huyện; nhận định xu thế thời tiết, thiên tai và diễn biến bão lũ 6 tháng cuối năm 2022 tại Việt Nam; giới thiệu những quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai.

Quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND cấp huyện

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, khả năng lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình các năm đến 30%. Điều này sẽ gây áp lực về lũ trên các hệ thống sông, mất an toàn cho hệ thống đê điều là những công trình bảo vệ trọng yếu cho người dân, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở khu vực bên trong tuyến đê. 

"Hội nghị này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đưa ra những hành động cụ thể cho các cấp chính quyền, nhất là cấp huyện - cấp trực tiếp trong quản lý đê điều. 

Chúng tôi đã đưa những nhiệm vụ rất cụ thể cho từng khu vực, từng địa bàn trong việc tuần tra canh gác, phát hiện sự cố, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều; huy động vật tư, phương tiện, máy móc thiết bị, các phương án ứng phó đối với các vị trí trọng điểm trọng yếu...", ông Trần Quang Hoài thông tin. 

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, tâm lý của đại bộ phận người dân và một số chính quyền vẫn khá chủ quan, cho rằng hiện nay có hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bà... là những hồ rất lớn, có khả năng cắt lũ. 

Ông khẳng định, nếu tình hình mưa lũ vượt quá khả năng thiết kế của các hồ chứa thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người dân, các hoạt động kinh tế xã hội ở lòng sông, bãi sông... 

Tổng cục Phòng chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND huyện - Ảnh 4.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cụ trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai thông tin về công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Bùi My

Hội nghị cũng được nghe các ý kiến tham luận của các địa phương về bài học kinh nghiệm, thực trạng và kiến nghị giải pháp xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, đánh giá hiện trạng đê điều, sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác quản lý bãi sông, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến, bãi…

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung: Thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm; bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chuẩn bị, ứng phó, chỉ đạo huy động vật tư, nhân lực hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều…

Tại hội nghị, ông Hồ Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã tham luận về "Bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện công tác quản lý khai thác cát lòng sông và bến, bãi tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương". 

Theo đó, những năm trước đây, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) là điểm nóng của tình trạng khai thác cát trái phép và hoạt động lập các bến bãi tập kết, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng. 

Nhưng từ năm 2015 đến tháng 8/2020, huyện Nam Sách đã xử lý hành chính 232 vụ vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đất bãi sông và lập bến bãi tập kết trái phép. 

Từ tháng 9/2020 đến nay, các tuyến sông trên địa bàn huyện không xảy ra vụ vi phạm về khai thác cát trái phép nào....

Ông Lương Văn Cảnh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Tôi đánh giá rất cao vai trò của các tổ cộng đồng, các tổ chức xã hội, đặc biệt là nhân dân ở ven đê. Chúng tôi đã ký cam kết như không vi phạm pháp luật đê điều đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến đê điều, đặc biệt là sự gắn kết của nhân dân vùng ven đê và lực lượng quản lý đê, chính vì thế các hành vi vi phạm được phát hiện kịp thời ngay từ khi phát sinh."

Tổng cục Phòng chống thiên tai quán triệt nhiệm vụ quản lý đê điều tới từng Chủ tịch UBND huyện - Ảnh 5.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Ảnh: Bùi My

Tại hội nghị, ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã tham luận về "Xây dựng, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều trong mùa mưa lũ và công tác xử lý sự cố đê điều trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang".

Theo đó, ông đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, tu bổ sửa chữa công trình nhằm bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, mua sắm trang vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Ông cũng kiến nghị tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. 

Đồng thời, kiến nghị ban hành quy định cụ thể về chế độ thù lao cho lực lượng xung kích tham gia thường trực thường xuyên PCTT và lực lượng không thường trực khi huy động để xử lý tình huống xảy ra thiên tai.

Cũng tại hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem