Bắc Kạn: Một ông nông dân quyết "chơi lớn", lời cả tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi vỗ béo trâu, bò

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 08/09/2021 05:46 AM (GMT+7)
Ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, mô hình nuôi trâu bò vỗ béo được rất nhiều nông dân lựa chọn như là một cách làm giàu ở nông thôn. Tuy nhiên, nuôi trâu bò vỗ béo hiệu quả và thu cả tỷ đồng mỗi năm như ông Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) lại không nhiều.
Bình luận 0

CLIP: Mô hình vỗ béo trâu, bò của nông dân Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

Từ đầu chợ trâu, bò Nghiên Loan, hỏi thăm Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) không ai không biết. Bởi Giàng Văn Tiến là người nuôi trâu, bò vỗ béo có tiếng trong vùng và nổi tiếng "buôn may, bán đắt".

Bắc Kạn: "Chơi lớn", nông dân Giàng Văn Tiến lời cả tỷ đồng mỗi năm nhờ buôn bán và vỗ béo trâu, bò - Ảnh 2.

Nông dân Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ với phóng viên về nghề vỗ béo trâu, bò. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Không chỉ vậy, Giàng Văn Tiến còn được biết đến bởi sự nhiệt tâm, nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho các hộ dân tại địa phương. 

Đồng thời, Tiến tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ phục vụ tại trang trại nuôi trâu bò vỗ béo của gia đình.

Ngoài ra, Giàng Văn Tiến còn cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay tiền lãi suất 0 đồng, vận động người dân trong và ngoài địa phương đầu tư nuôi trâu, bò. 

Riêng tại xã Nghiên Loan, có gần 20 hộ nuôi trâu, bò liên kết khi được Giàng Văn Tiến vận động, từ đó nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhà Giàng Văn Tiến khang trang vào loại nhất nhì xã Nghiên Loan, tất cả đều nhờ vào việc buôn bán và nuôi trâu bò vỗ béo. Khi chúng tôi đến, Giàng Văn Tiến cũng vừa đi Cao Bằng tìm mua trâu, bò về.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Giàng Văn Tiến cho biết, anh đã thực hiện mô hình nuôi trâu bò vỗ béo này được hơn 5 năm. Trước đó, anh chỉ mua đi, bán lại vài ba con, sau đó mạnh dạn đầu tư mua đất làm trại trâu, bò.

Trại nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình anh thường xuyên duy trì hơn 40 con. Gia đình anh có hai khu nhốt trâu bò vỗ béo, một ở trong Bản Đính, khu còn lại ở đầu chợ trâu, bò Nghiên Loan.

Bắc Kạn: "Chơi lớn", nông dân Giàng Văn Tiến lời gần tỷ đồng mỗi năm nhờ vỗ béo trâu, bò - Ảnh 3.

Giàng Văn Tiến vỗ béo trâu, bò bằng cỏ voi và bã bia. (Ảnh: Chiến Hoàng)

"Hiện nay trong chuồng của tôi chỉ còn hơn 17 con trâu, bò. Dịch bệnh, chợ trâu bò Nghiên Loan tạm ngừng hoạt động nên tôi cũng chưa mua thêm vào, bán đi cũng rất khó. Duy trì tạm thế, đợi khi nào chợ hoạt động trở lại tính tiếp thôi", Giàng Văn Tiến cho biết thêm.

Bắc Kạn: "Chơi lớn", nông dân Giàng Văn Tiến lời cả tỷ đồng mỗi năm nhờ buôn bán và vỗ béo trâu, bò - Ảnh 4.

Sau 2 - 3 tháng được anh Giàng Văn Tiến vỗ béo, những con bò gầy có thể tăng hơn 40kg. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Theo Giàng Văn Tiến, năm 2007, sau khi tham quan, học hỏi mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, hai vợ chồng anh quyết định vay Ngân hàng chính sách số tiền 900 triệu đồng. Từ đó, anh làm 2 chuồng trại khép kín và mua trâu, bò gầy vỗ béo.

Đến nay, gia đình đã trồng được 20.000mcỏ voi, mua sắm máy thái cỏ, làm hầm ủ phân. Bên cạnh đó, Giàng Văn Tiến cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo.

Giàng Văn Tiến chia sẻ, làm nghề này phải có con mắt tinh tường để đánh giá đúng trâu, bò, có vậy mới đảm bảo có lãi sau khi vỗ béo. Con nào gầy mà phàm ăn mới vỗ béo nhanh được, nếu không chịu ăn thì có khi lỗ.

Rồi Giàng Văn Tiến chỉ cho chúng tôi những con trâu, bò có giá cao trong chuồng tại khu Bản Đính. Chỉ con trâu khi mua vào với giá 57 triệu đồng, Giàng Văn Tiến bảo, con trâu này hiện có thể bán được với giá hơn 70 triệu đồng. 

Giàng Văn Tiến cho biết, anh chủ yếu vỗ béo trâu bò bằng cỏ voi và bã bia, do đó chi phí cho việc vỗ béo không quá cao. Chỉ sau 2-3 tháng, những con trâu, bò qua tay anh có thể tăng từ 70kg đến 100kg.

Sau khi vỗ béo, mỗi con trâu, bò bán ra cũng lãi từ 2-5 triệu đồng. Mỗi lần dắt trâu, bò ra chợ bán, anh lại chọn mua trâu, bò gầy để đem về vỗ béo tiếp. Ngoài ra, anh cũng phải lùng sục khắp các thôn, bản trong tỉnh, lặn lội tận các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Cao Bằng... để tìm mua trâu, bò.

Bắc Kạn: "Chơi lớn", nông dân Giàng Văn Tiến lời gần tỷ đồng mỗi năm nhờ vỗ béo trâu, bò - Ảnh 4.

Con trâu có giá hơn 70 triệu đồng trong trại của Giàng Văn Tiến. (Ảnh: Chiến Hoàng)

"Cái khó của nghề này chính là vốn. 1 tỷ đồng nghe thì to nhưng mua trâu to chỉ được tầm 15 con thôi. Nếu mua phải trâu bò bệnh có thể trắng tay. Tôi không được học hành trường lớp nên chủ yếu chữa trị bệnh theo kinh nghiệm. Sợ nhất là bệnh lở mồm, long móng", anh Tiến nói.

Bắc Kạn: "Chơi lớn", nông dân Giàng Văn Tiến lời gần tỷ đồng mỗi năm nhờ vỗ béo trâu, bò - Ảnh 5.

Ông Dương Văn Dẻ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Pác Nặm nhận định về mô hình vỗ béo trâu bò của hội viên Giàng Văn Tiến. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Văn Dẻ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Giàng Văn Tiến là nông dân tiêu biểu, xuất sắc với mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. 

Theo ông Dương Văn Dẻ, ở Pác Nặm, mô hình vỗ béo trâu, bò được rất nhiều người thực hiện, nhưng đạt hiệu quả được như Giàng Văn Tiến không nhiều. 

Thu nhập từ việc vỗ béo trâu, bò của gia đình hội viên Giàng Văn Tiến năm 2020 là trên 700 triệu đồng. Tiền buôn bán trâu, bò cũng cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Lợi nhuận các năm trước đó cũng suýt soát con số này.

"Nuôi trâu, bò vỗ béo là mô hình dễ thực hiện vì chi phí thấp do không phải mua cám nhiều mà chủ yếu vỗ béo bằng cỏ. Hiện nay, nhiều hội viên nông dân đang trồng cỏ voi để phục vụ việc vỗ béo trâu, bò. Mỗi con trâu, bò sau khi vỗ béo có thể lãi 3-4 triệu đồng, nhờ đó mà tạo công ăn việc làm tại chỗ cho không ít hội viên nông dân", ông Dẻ nhận định.

Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, Giàng Văn Tiến đã được Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn gửi thư khen ngợi là hội viên nông dân tiêu biểu, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương năm 2009.

Giàng Văn Tiến cũng nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn về việc công nhận đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm 2019.

Trong năm 2020, Giàng Văn Tiến nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Kạn vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào dân vận khéo; được Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn công nhận đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm 2020.

Vừa qua, Giàng Văn Tiến (thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) được bình chọn và trở thành người duy nhất của tỉnh Bắc Kạn đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem