Chàng “phù thủy” thổi hồn cho đàn đá

Thế Khôi Thứ ba, ngày 14/04/2015 08:27 AM (GMT+7)
Chàng trai ấy là A Huynh ở làng Chót - nổi tiếng là người phát hiện và khám phá ra 2 bộ đàn đá “biết nói”. Trong tâm hồn A Huynh, tình yêu nhạc cụ dân tộc là một đam mê mãnh liệt.
Bình luận 0

Bàn tay biết “bảo” đá hát

Sinh năm 1983, năm nay A Huynh (thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã bước sang tuổi 32, nhưng vì quá đắm say những tiếng nói thoát ra từ đá nên đến tận bây giờ anh chưa có ý định lập gia đình riêng. Khi hỏi đường về nhà A Huynh chúng tôi mới hay công việc chính của chàng thanh niên này là... nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. “Mình có 2 bộ đàn đá, một bộ đã gửi cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum, bộ còn lại mình đang cất tại nhà riêng. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thì về nhà mình” – nói rồi Huynh cười rất hiền hậu.

img
A Huynh biểu diễn đàn Ting ning. Ảnh: Thế Khôi

Kể về sự tích và cơ duyên có được bộ đàn đá này A Huynh nói: “Cách đây 6 năm, vào một buổi chiều đi ngăn lũ trên suối Ya Lăh, tay xếp những hòn đá ngăn nước không cho xói lở rẫy, mình nghe là lạ bởi đá phát ra tiếng thanh thoát. Hiếu kỳ, mình lấy đá gõ vào đá, có cái kêu thanh, cái thì không thanh. Lúc này mới nghĩ hay đây là “đá biết nói’ cha từng kể. “Cha mình là A Đới cũng rất giỏi về nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, cha kể rằng ngày trước đồng bào Ja Rai nói riêng, vùng bắc Tây Nguyên nói chung hay lấy đá biết nói ghép lại rồi dùng sức nước chảy cho đá va vào nhau vang thành tiếng để đuổi chim ăn lúa, con chuột, con chim phá bắp, phá mì… Dần dần, cách đuổi chim thú này không còn nữa, đá biết hát cũng im lìm nằm dưới dòng nước lạnh nghe suối chảy ”- A Huynh nhớ lại.

Từ hôm lên suối Ya Lăh về, A Huynh cứ suy nghĩ mãi rồi cuối cùng quyết định về lại suối Ya Lăh để tìm đá. Cứ theo phương pháp lấy đá gõ đá, A Huynh chọn được 20 viên đá phát ra âm thanh hay rồi xếp ngang bờ suối gõ… cho vui.

Ban đầu, sau buổi làm rẫy mệt mỏi, A Huynh cùng đám trai tráng làng xuống suối gõ đá cốt là cho vui tai. Sau này, A Huynh phát hiện các viên đá khi gõ vào, âm thanh phát ra tiếng to, tiếng nhỏ khác nhau. Thế là A Huynh xếp lại theo thứ tự từ viên đá phát âm thanh từ to đến nhỏ.

Thứ tự xong đâu vào đó, A Huynh lại nghĩ: Gõ “chay” như vậy sao hay, phải theo nhạc điệu mới “đúng bài” nên bắt đầu tập gõ theo làn điệu dân ca Ja Rai. Thuần thục các bài dân ca, A Huynh tập gõ đá theo cường điệu hòa âm của các bộ cồng chiêng đánh trong lễ hội của làng. Sau những tháng ngày đam mê miệt mài, A Huynh thành công khi biết cách thổi hồn mình vào đá, hai bàn tay biết bảo đá hát câu chuyện tình sơn cước, câu giao duyên thiếu nữ lên rẫy, địu con… cùng các bài ca cách mạng mà dân làng mình hay ca hát. Và cứ thế, A Huynh mê mải theo đá hát, cho đến ngày anh mang “đá biết hát” ra trình diễn cho bà con nghe…

Lưu giữ hồn dân tộc

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bộ đàn đá A Huynh đang giữ không phải hay nhất. Bộ hay nhất, A Huynh đã gửi cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đã 6 năm phát hiện đàn đá, cũng đủ cho chàng trai này khám phá thêm nhiều tiếng nói từ đá. Bây giờ chỉ cần ngồi trước đá “biết nói”, A Huynh biến nó thành tiếng ngân nga, du dương mãi không thôi, ai nghe cũng phải nghiêng mình thán phục.

Không để chúng tôi chờ đợi, A Huynh thoạt đứng dậy vào sau gian nhà lôi một bao tải nhỏ ra và bảo: “Bộ đàn đá A Huynh để ở trong này đấy ạ!”. A Huynh trải bộ đàn đá ra sàn nhà, lấy dùi gõ nhẹ 12 viên đá, giải thích, nếu không có gì lót bên dưới thì âm thanh ít ngân nga. Nói đoạn, A Huynh lấy bao bố lót phía dưới 12 viên đá rồi gõ nhẹ, âm thanh quả là hay hơn lúc nãy. Theo giải thích của chàng thanh niên đam mê nhạc cụ truyền thống: “Nếu để trên khung trên giá đàng hoàng, âm thanh còn hay hơn nữa”.

A Huynh nói, ban đầu chơi đàn đá ở dưới suối Ya Lăh cho vui. Sau anh mang 20 viên đá lên rẫy, để mỗi khi buồn, hay ngồi bên ghè rượu với anh em, khi đã ngà ngà hơi men, chất nghệ sĩ trong hồn trỗi dậy, A Huynh mới gõ đàn làm nhạc cho trai tráng hòa ca. Những khi ấy, đàn đá trong tay A Huynh mới thực sự hay, hay hơn hàng chục lần anh mang đá đi biểu diễn các miền Nam, Bắc những năm qua.

Bà Ngô Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho hay: “A Huynh rất tốt bụng, khéo tay. Mỗi lần giáo viên trường làm mô hình học cụ đều được A Huynh làm giúp, rất đẹp nhưng miễn phí. Hay mỗi bận biểu diễn nhạc cụ trong các nhà lễ trọng đại của nhà trường, A Huynh sẽ góp các tiết mục đàn đá, thổi điêng pút (người Xê Đăng gọi là blong pút) hay gọi là ống vỗ (theo tiếng Ja Rai, “điêng” là ống, “pút” là vỗ), chơi đàn ting ning, đàn tơ rưng và cả đàn ghita nữa”.

Hỏi vì sao còn trẻ, học của ai mà chơi được nhiều nhạc cụ, A Huynh thật thà: Đàn ghita là học thời còn đi lính, còn tất cả các nhạc cụ dân tộc còn lại là do đam mê nên tự mày mò để học tập, rèn luyện.

 Bây giờ chỉ cần ngồi trước đá “biết nói”, A Huynh biến nó thành tiếng ngân nga, du dương mãi không thôi, ai nghe cũng phải nghiêng mình thán phục.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem