|
Phụ huynh đưa con đến khám tại Phòng Khám Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Đồng 2). |
TP.HCM vừa công bố, trong số 49 mẫu sản phẩm cháo dinh dưỡng được lấy ngẫu nhiên trên thị trường thành phố, có tới 46 mẫu (93,9%) không đạt tất cả 9 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh cơ bản.
Lập lờ tên gọi
Khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, trên thị trường hiện có hàng chục loại “cháo dinh dưỡng” được bày bán theo hai dạng chính: Cháo dinh dưỡng có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, có địa điểm bán quy mô, đa dạng về thành phần thực phẩm chính, đóng trong bao bì bắt mắt; Dạng thứ hai là các loại cháo dinh dưỡng nấu sẵn, đựng trong bịch hoặc hộp nhựa giá rẻ, bảo quản trong thùng giữ ấm.
Theo BS.Huỳnh Văn Tú (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM), nơi tiêu thụ cháo dinh dưỡng nhiều nhất là ở lề đường quanh chợ, các khu dân cư, thậm chí ở cả trong bệnh viện. Tên gọi cháo dinh dưỡng là hoàn toàn tự phát, lập lờ nên gây sự ngộ nhận cho các bậc phụ huynh khi mua về cho trẻ ăn. Được biết, địa bàn thu thập mẫu cháo dinh dưỡng ở TP.HCM gồm: quận 3, 6, 8, 11, Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú.
BS. Tú khuyến cáo, nếu bữa ăn của trẻ 1-3 tuổi chỉ có “cháo dinh dưỡng” mà không bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác, nhất là protid và lipid thì bữa ăn sẽ mất tính cân đối, không đủ năng lượng và lâu ngày sẽ làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng.
Thử làm một phép tính đơn giản về giá cả của cháo dinh dưỡng sẽ thấy, rất khó đảm bảo sản phẩm này có đủ… dinh dưỡng. Giá bán một bịch cháo là 4.000 - 6.000 đồng. Nếu trừ chi phí sản xuất, bao bì, vận chuyển, chiết khấu cho người bán thì thực tế một bịch cháo chỉ có giá thành từ 2.000-4.000 đồng. Với giá như vậy thì chắc chắn cháo “đủ dinh dưỡng” là điều không tưởng...
Chỉ cần tự công bố chất lượng
Trong số 46 mẫu kiểm nghiệm tại TP. HCM có 40 mẫu (81,6%) không đạt các chỉ tiêu chất lượng về hóa lý và 21 mẫu (42,9%) không đạt chất lượng về vi sinh. Đặc biệt có 13 mẫu (26,5%) bị nhiễm E.coli, 28 mẫu (57,1%) không đạt hàm lượng protid quy định, 37 mẫu (75,5%) không đạt mức năng lượng quy định.
Tại Hà Nội, cháo dinh dưỡng cũng được bán khá nhiều. Ngoài cháo bịch (đã nấu chín) còn có các loại cháo, bột dạng khô để cha mẹ trẻ tự chế biến.
Chị Nguyễn Thị Trinh (phố Hàng Buồm, Hà Nội) - một bà mẹ có con 2 tuổi cho biết: “Tôi thường xuyên mua cháo dinh dưỡng nấu sẵn và đóng gói tại một cửa hàng bán tại phố Hàng Buồm. Có 3 loại cháo cá, cháo thịt lợn và cháo thịt bò. Trong túi cháo có màu xanh hoặc đỏ, tôi đoán chắc là rau xanh hoặc cà rốt nhưng ngoài túi cháo không thấy ghi rõ các thành phần này”.
Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội có 3-4 nhà cung cấp cháo dinh dưỡng, trong đó có sản phẩm đã được đưa vào các trường học, có sản phẩm bán lẻ ngoài thị trường. Hầu hết các cơ sở tự quảng cáo, tự công bố chất lượng cháo dinh dưỡng do mình sản xuất, hiện chưa có loại cháo nào được các cơ quan chức năng xác nhận thành phần thực của nó.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sau khi ăn cháo bán sẵn phải nhập viện trong tình trạng ói mửa, tiêu chảy. Trẻ nhập viện đến từ nhiều tỉnh, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam...
Theo các bác sĩ ở đây, thực tế có không ít trẻ ăn cháo dinh dưỡng trong thời gian dài đã xuất hiện dấu hiệu suy dinh dưỡng, có bé còn ngày càng tỏ ra biếng ăn. Khi trẻ em trong độ tuổi ăn dặm (từ 6 đến 24 tháng tuổi), nếu thường xuyên cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng bán sẵn rất dễ bị suy dinh dưỡng.
Trong số các bà mẹ đến xin tư vấn về sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng cho con thì có đến 2/3 nguyên nhân là do các bà mẹ mua cháo dinh dưỡng cho trẻ ăn.
Tùng Lâm - Kiều Việt Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.