Ông Lê Tùng Anh nhận định: Mắc ca là giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản phẩm hạt mắc ca đã nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt khô. Có thể nói, thị trường mắc ca đang rất rộng mở trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu USD. Từ năm 2006 đến nay, thị trường mắc ca trên thế giới tăng đều với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 10%. Đây là một tỷ lệ khá ấn tượng so với các ngành hàng khác.
Trồng mắc- ca ở Tây Bắc.
Tại Việt Nam, mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nay, thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia của cả nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp người tiêu dùng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việt Nam là thị trường mới của sản phẩm mắc ca và IDT là đơn vị đầu tiên mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Dự án trồng cây mắc ca ở Điện Biên được IDT đầu tư, triển khai từ năm 2012 với tổng diện tích quy hoạch là 4.009 ha. Trong 2 năm 2012 - 2013, IDT đã triển khai hợp tác trồng với diện tích trên 50ha mắc ca tại đây. Hiện nay giống cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm mắc ca, IDT đã đối mặt với những khó khăn của “người mở đường” như thế nào?
Trong lĩnh vực nhập khẩu và chế biến các sản phẩm mắc ca, thời gian đầu chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn do lĩnh vực này rất mới mẻ. Chúng tôi phải tự mày mò, tham khảo học hỏi nhiều nơi, trong đó có học hỏi sự phát triển của ngành điều để áp dụng vào việc phát triển sản phẩm hạt mắc ca thương mại. Sau nhiều tháng nghiên cứu tìm hiểu và thử nghiệm, chúng tôi cũng đã cho ra 4 sản phẩm thành công, đó là mắc ca hương vị tự nhiên, mắc ca rang muối, mắc ca rang vị mật ong và mắc ca rang vị mù tạt… Thời điểm hiện nay, IDT đã cung cấp cho thị trường 17 loại sản phẩm mang thương hiệu Delix với nguồn hạt mắc ca cao cấp nhập khẩu từ Úc, bao gồm nhân mắc ca tự nhiên hoặc tẩm gia vị, hạt mắc ca rang nứt vỏ… tiện cho người tiêu dùng sử dụng. Quy cách đóng gói đa dạng, gồm sản phẩm 35gr, 50gr, 100gr, 500gr… và có nhiều vị đặc biệt - rang muối, mù tạt, mật ong, húng tây, ớt tỏi, kinh giới, cà phê, socola đen và trắng, quế…
Ông Lê Tùng Anh
Thời điểm ban đầu, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mắc ca đầu vào rất khó khăn. Ở Việt Nam đã có khá nhiều đơn vị tìm đến chúng tôi để giới thiệu sản phẩm, tuy nhiên chất lượng của họ không đồng đều. Sau đó, chúng tôi quyết định lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu từ Úc vì tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm của họ rất chuẩn mực, sản phẩm của họ chất lượng, uy tín, tính cam kết của họ rất cao, họ sẵn sàng đi đến cùng với sản phẩm và quan trong nhất là nguồn hàng của họ có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu của mình. Chính vì vậy IDT sẵn sàng hợp tác với họ dù biết giá nguyên liệu của họ đắt, chúng tôi chấp nhận mua đắt để có sản phẩm đảm bảo chất lượng nhằm tạo dựng được thị trường. Hiện nay sau một thời gian tích cực giao dịch và làm việc với các đối tác bạn hàng, IDT đã có quan hệ mua bán với tất cả các nhà cung cấp mắc ca hàng đầu và nắm được hết về chất lượng, giá cả, cách thức mua bán… nên riêng về nguồn cung để đảm bảo cho thị trường IDT đã chủ động được.
Theo quan sát của ông, hiện trên thị trường Việt Nam, cùng với sản phẩm của IDT, còn có những thương hiệu mắc ca chế biến nào?
Hiện nay các sản phẩm mắc ca nguyên vỏ, rang chín đóng gói hút chân không đang có sự cạnh tranh với chúng tôi, các sản phẩm đó thậm chí có mặt trên thị trường Việt Nam trước khi IDT tiếp cận thị trường. Tuy nhiên với các sản phẩm trên, chúng tôi không truy xuất được nguồn gốc vì thông tin trên bao bì sản phẩm không rõ ràng, các thông tin đăng ký của nhà sản xuất không có nên chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường.
Công ty IDt tổ chức các chuyến thăm quan vườn ươm mắc ca tại Điện Biên.
Đối với các sản phẩm mắc ca chế biến sâu, IDT có sự cạnh tranh bởi các công ty nhập khẩu. Tuy nhiên các sản phẩm của họ nhập khẩu hoàn toàn nên giá cả đắt hơn. Ngược lại, chúng tôi biết được điểm mạnh điểm yếu của các sản phẩm khác, sản phẩm nhập khẩu thường lượng cung không nhiều nên sự cạnh tranh chưa cao. Điểm thuận lợi hơn của chúng tôi là có thể triển khai các chương trình khuyến mãi, những nơi nào bán tốt chúng tôi sẽ phối hợp với họ để thực hiện các chương trình kích cầu, đây là lợi thế mà hàng nhập khẩu không có được. Để hạn chế tính cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu, IDT đã tạo ra các dòng sản phẩm riêng biệt.
Trong năm 2014, IDT nhập khẩu 30 tấn nhân mắc ca, năm 2015 chúng tôi sẽ nhập khoảng 150 tấn. Số lượng này so với thế giới là nhỏ nhưng với Việt Nam là tương đối lớn, vì Việt Nam là thị trường mới. Hiện nay sản phẩm mắc ca của IDT bán chủ yếu ở Hà Nội và đang có hoạt động xúc tiến bán ở T.P Hồ Chí Minh, tuy nhiên do lượng hàng hạn chế nên việc đưa hàng vào TP.Hồ Chí Minh đang dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm.
Quay lại vấn đề vùng nguyên liệu trong nước, ông nhìn nhận việc xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp trong cuộc chơi dài hơi này như thế nào?
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn kiểm tra cây mắc ca tại Điện Biên.
Từ năm 2009, chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của mắc ca, và cũng trong 2009 IDT đã lên tỉnh Điện Biên đặt vấn đề xin dự án với diện tích 4.009ha và tỉnh này đã chấp nhận. Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị rất kỹ và đã có những hoạt động triển khai thực tế. Đến năm 2013 IDT nhìn thấy rằng việc phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi rất nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều yếu tố đặc biệt là có sự vào cuộc của người dân. Người dân muốn trồng một cây trồng mới thì cần phải có đầu ra. Vì vậy chúng tôi tiến hành phát triển thị trường ngay kể cả trong bối cảnh thị trường nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được. Khi đã có thị trường rồi thì việc phát triển nguyên liệu trong nước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đây quyết định đúng, cả 2 vấn đề xây dựng phát triển vùng nguyên liệu và phát triển thị trường cần được tiến hành song song, việc phát triển thị trường phần nào đó giúp củng cố niềm tin vững chắc cho người dân vùng trồng mắc ca.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thổi phồng giá trị cây trồng mắc ca nhằm phục vụ cho một số đơn vị bán giống chứ không làm thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mỗi đơn vị đều có một chiến lược phát triển khác nhau, riêng IDT tham gia lĩnh vực mắc ca một cách toàn diện từ phát triển giống, mở rộng vùng nguyên liệu, dịch vụ kỹ thuật cho người trồng, thu mua sơ chế tại trang trại, cuối cùng là chuyển về nhà máy để chế biến sản phẩm. Để đảm bảo chuỗi này thành công, tất cả các khâu phải làm tốt từ đầu, chúng tôi đã tính toán rất chi tiết từ khâu làm giống. Nếu như cây giống không tốt thì sau này chất lượng quả sẽ không tốt, và chúng tôi cũng không đủ tiêu chuẩn để chế biến sản phẩm, rõ ràng chúng tôi không chấp nhận phương án đó. Chúng tôi cần mọi khâu đều phải làm tốt, có như vậy chúng tôi mới phát triển được thị trường một cách bền vững. IDT đã định hình rõ cách làm đó ngay từ đầu khi tham gia lĩnh vực mắc ca.
Có vẻ như công tác thị trường là một thế mạnh của IDT, tuy nhiên nhìn ở góc độ sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, và vận động người dân Tây Bắc vào cùng trồng mắc ca, ông nhìn thấy có những khó khăn gì?
- Đây là vấn đề rất nan giải. IDT đã chọn Tây Bắc là một trong những vùng phù hợp với diện tích đủ lớn, chúng tôi quyết tâm làm thành công ở Tây Bắc, khi IDT làm thành công thì sẽ thức đẩy sự phát triển cho các địa phương nơi có dự án. Cuối cùng là lợi ích của người dân phải đảm bảo. Tất nhiên để làm thành công rất khó khăn. Khó khăn đầu tiên là địa hình vùng Tây Bắc chưa thuận lợi, địa hình chia cắt, giao thông hạn chế. Khó khăn thứ hai là tập quán canh tác, nếu như để người dân vào cuộc chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, kỹ năng, tập quán canh tác của họ, quy trình trồng mắc ca sẽ khác so với các cây trồng khác. Đây là trở lực lợi để nhân rộng quy mô. Mắc ca là cây công nghiệp, vườn trồng mắc ca cần phải được quản trị theo mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, để đảm bảo chất lượng cuối cùng. Chất lượng sẽ quyết định giá trị sản phẩm chứ không phải là sản lượng.
Chúng tôi sẽ dần dần tìm cách tháo gỡ khó khăn, quan trọng nhất là người dân, họ cần được hỗ trợ để nhận thức rõ được rằng cây mắc ca là cây có giá trị cao mà người ta hay gọi là “cây tỷ đô”, nhưng là với chất lượng như Úc đang làm, chất lượng thế giới đạt được. Với người dân nên nhìn nhận ở góc độ rằng khi đầu tư trồng cây này, giá trị kinh tế mang lại so với các cây khác là cao hơn hay thấp hơn, từ đó họ quyết định trồng hay không. Muốn thu được giá trị cao thì người dân phải làm nghiêm túc, làm đúng quy trình cho ra sản phẩm chất lượng. Với ngành hàng mắc ca, theo tôi, sản lượng cao không phải là yếu tố quyết định thành công, cho dù đầu tiên cần phải đạt sản lượng tốt. Yếu tố quyết định thành công bền vững của nông dân và các doanh nghiệp chế biến là ở chỗ chất lượng hạt mắc ca. Muốn chất lượng đạt tốt, người trồng mắc ca cần có sự chuyên nghiệp ngay từ đầu, từ hạt giống, cây giống đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và các khâu tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Tùng Anh - Giám đốc dự án Mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế nhận định: "Chúng ta nên tận dụng kênh khuyến nông, đây là kênh rất hiệu quả để hướng dẫn cho nông dân. Nếu như đã xác định mắc ca là cây trồng chiến lược giúp xóa đói giảm nghèo cho các địa phương, Bộ NNPTNT cần tạo ra cơ chế, có những chỉ đạo thiết thực, sát sườn để lực lượng khuyến nông hoạt động hiệu quả".
Hoàng Sơn – Đình Thắng (thực hiện) (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.