NTNN - Trong khi các “ông lớn” ngành công nghệ thông tin hân hoan với phi vụ iPhone - thì nền kinh tế vừa trải qua “trận ốm” lại càng bị gây sức ép về nhập siêu.
Điện thoại iPhone chưa phù hợp với thu nhập của đa số người Việt Nam. Ảnh minh hoạ, chụp tại một cửa hàng iPhone trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ hơn 14 tỷ USD thì nhập khẩu tăng vọt lên hơn 17,5 tỷ USD; tổng mức nhập siêu là 3,5 tỷ USD.
Trong đó, nhóm các mặt hàng điện thoại, máy tính (điện thoại iPhone là chủ yếu) trong quý I-2010 ở mức hơn 1 tỷ USD, tăng đến 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái...
“Quả táo” quá đắng
Sự kiện iPhone, chiếc máy mang thương hiệu “quả táo” (Apple), có mặt tại Việt Nam có thể coi là một trong những chiến dịch quảng cáo ầm ĩ nhất từ năm ngoái tới nay. Thông tin được hé lộ, úp mở từ trước đó 1 năm.
Khi chuẩn bị bày bán, hai “ông lớn” là Viettel và Vinaphone bung ra thông tin có đến 50.000 người đăng ký mua máy.
Trao đổi với NTNN chiều 4-4, ôngHoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết sẽ xem xét lại việc nhập khẩu iPhone. “Để đảm bảo an toàn cho cán cân thanh toán, nếu Chính phủ yêu cầu, Viettel sẵn sàng giảm bớt hoặc chấm dứt nhập khẩu iPhone” - ông Xuân nói.
Tuy nhiên, sau những phút bồi hồi người tiêu dùng mới ngớ ra “quả táo” quá đắng so với mặt bằng thu nhập hiện nay. Giá bán của một chiếc iPhone từ 10 lên 15 triệu đồng.
Hôm qua (4-4), là ngày nghỉ, nhiều người đi mua sắm nhưng các điểm bán IPhone của Vinaphone tại Hà Nội đều vắng như “chùa Bà Đanh”. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ có mặt tại điểm bán hàng của Vinaphone trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), ngoài chúng tôi không khách nào hỏi mua “quả táo”.
Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, sau 9 ngày khai trương, lượng máy bán được tại đây chỉ là50 chiếc iPhone. Tại siêu thị điện thoại của Viettel ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) tình trạng cũng diễn ra tương tự. Số người đến xem iPhone khá nhiều nhưng ít người hỏi mua.
Đâu rồi bàn tay điều tiết
“Hơn 10 triệu đồng để sắm một chiếc điện thoại là số tiền mà nhiều gia đình nông dân như chúng tôi phải lao động cực nhọc hàng năm trời. Nếu có 10 triệu đồng, chúng tôi có thể mua được một số máy mócđể phục vụ sản xuất. Với nhiều gia đình, số tiền đó cũng có thể giúp họ có vốn sản xuất để thoát nghèo. Vì vậy, việc chi cả tỷ USD nhập khẩu máy di động công nghệ cao phục vụ một số ít người là một sự lãng phí lớn”
Ông Vũ Thế Dậu, nông dân ở huyện Bình Giang, Hải Dương
ÔngNguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: "Trường hợp điện thoại iPhone, cần phải rà soát lại xem có thực sự thiết thực với đời sống xã hội và phát triển kinh tế của đất nước hay không. Hay việc xài hàng sang chỉ giải quyết khâu oai…".
Đồng quan điểm này, ông Ngô Trí Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng: Công nghệ thông tin là nhu cầu số 1 đối với mọi người. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng chỉ nên ở mức độ hợp lý, không vì sự "oai" mà ganh đua nhau.
Trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc nhập khẩu phải cân nhắc tới những sản phẩm gì thật cần thiết cho xã hội. Nhà nước muốn hạn chế tiêu dùng ở một số mặt hàng xa xỉ, giảm nhập khẩu các mặt hàng này cần sử dụng biện pháp đánh thuế thật cao.
Tuy nhiên, cũng phải xem lại có vi phạm những điều khoản của WTO hay không. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi chúng ta gia nhập WTO cần tìm giải pháp trong khuôn khổ của cam kết để có hướng đi thích hợp.
Nhiều chuyên gia nói, nếu đơn vị nhập khẩuiPhone là các doanh nghiệp tư nhân thì không có gì phải bàn. Nhưng đây lại là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước. Một trong những chức năng chính của các tập đoàn này là điều tiết thị trường.
Nhưng trong trường hợp này các “ông lớn” đã hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm đắt tiền; trực tiếp gây áp lực cho nền kinh tế. Nếu các tập đoàn cầm cân nảy mực này không chủ động nhập iPhone thì không ai nói họ thực hiện sai các quy định của WTO.
Trả lời NTNN hôm qua, ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, công ty mẹ của Vinaphone và MobiFone cho rằng, một phần trách nhiệm trong việc này là bàn tay điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Các cơquan đã ký xác nhận cho nhập rồi thì không thể lại sang trách doanh nghiệp được” - ông Việt nói.
Dư luận cho rằng, với một đất nước còn nghèo như Việt Nam thì việc chi hàng tỷ USD để nhập khẩu điện thoại iPhone rõ ràng là lãng phí, cần phải có giải pháp hạn chế nhập khẩu ngay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.