Chiến lược mới của Mỹ nhằm khắc chế Triều Tiên

Mẫn Di - National Interest Thứ năm, ngày 25/02/2016 16:43 PM (GMT+7)
Vụ phóng tên lửa mới nhất tại Triều Tiên đã khiến quan chức tại Seoul và Tokyo phản ứng mạnh mẽ, một tiền đề tốt cho chiến lược của Mỹ.
Bình luận 0

img
Căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật

Trước những hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng, các đồng minh của Mỹ tại châu Á đương nhiên quan ngại, tạo áp lực khiến Washington phải có động thái dứt khoát theo như cam kết về hòa bình và ổn định tại đây và toàn châu Á- Thái Bình Dương.

Để đạt được điều đó, cấu trúc liên minh hiện tại phải được cải tiến để tạo quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ hơn giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Liên minh ba quốc gia sẽ giảm áp lực phòng thủ của Mỹ. Hơn nữa, xét về thực tế địa chính trị thì đây là cách tốt nhất trong tình hình hiện tại.

Mãi tới gần đây, việc Hàn Quốc và Nhật hợp tác gần như không khả thi do nhiều xung đột trong lịch sử đè nặng lên quan hệ hai nước, cũng như các nỗ lực tiếp cận Bắc Kinh của Seoul đang khiến Tokyo lo lắng.

img
Căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc

Tuy nhiên lúc này, triển vọng hợp tác giữa hai nước ngày càng tăng, sau cuộc họp chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào tháng 11. Hai nước đã đạt thỏa thuận về vấn đề nô lệ tình dục trong Thế chiến II - Nhật Bản sẽ lên tiếng xin lỗi chính thức và vết nhơ này sẽ yên vị trong lịch sử. Các hành vi của Triều Tiên cũng thúc đẩy tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước do cả hai đều cần chung tay chống lại Bình Nhưỡng.

Theo điều ước quốc tế, Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ cả Hàn Quốc và Nhật Bản, với hai căn cứ quân sự tại bản địa. Quan hệ ấm dần lên cùng khiêu khích của Triều Tiên tạo cơ hội để tái định hình an ninh tại Đông Bắc Á. Từ lâu Mỹ đã có các mối quan hệ song phương ổn định, thì đây là lúc mà chính quyền Obama có thể tiến tới quan hệ ba phía nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.

Kịch bản cho liên minh an ninh mới

Những thách thức hiện tại đòi hỏi cách tiếp cận năng động hơn bao giờ hết. Khiêu khích hạt nhân của Bình Nhưỡng cho thấy Trung Quốc chẳng mấy có ảnh hưởng lên Kim Jong-un. Các quan chức Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố rằng họ có ít động lực (trong việc kiềm chế Triều Tiên) và điều đó ngày càng đúng sự thật.

Rõ ràng Trung Quốc không muốn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, bằng chứng là họ đe dọa trừng phạt khắc nghiệt có thể gây bất ổn Triều Tiên, nhưng lại chưa có hành động cụ thể ngoài khả năng đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán 6 bên mà liên minh 3 bên có thể đóng vai trò lớn.

Tăng cường hợp tác giữa Washington, Tokyo và Seoul cũng thúc đẩy tiến bộ vụ nô lệ tình dục. Cả Park và Abe đang đối mặt với phản ứng dữ dội trong nước vì vụ việc này, nhưng nếu đạt được thỏa thuận ba bên, sự tin tưởng cũng được củng cố và quan hệ Hàn - Nhật sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tiếp đến là tăng tin tưởng của khu vực vào cam kết của Mỹ.

img
Thủ tướng Nhật và Tổng thống Hàn Quốc

Gần đây các nhà hoạch định chính sách tại Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi Hàn Quốc có chương trình hạt nhân độc lập. Kết quả thăm dò của Viện chính sách với dân chúng cho thấy 68,6% người được hỏi ủng hộ phát triển bom nguyên tử. Một số khác quan ngại về việc Nhật Bản tái cơ cấu quân sự và quốc phòng.

Tuy đây là những chi tiết rời rạc nhưng từ đó có thể thấy một làn sóng ngầm bất an lan khắp Hàn Quốc. Liên minh ba bên sẽ làm giảm nhiệt, tái khẳng định cam kết bảo trợ của Mỹ nhằm ổn định bán đảo này, đồng thời làm rõ vai trò của Nhật trong an ninh khu vực.

Trong khi đó, phía Nhật cũng hoang mang sau khi chứng kiến các nỗ lực làm ấm quan hệ với Trung Quốc từ phía Hàn Quốc. Việc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, những hành động quyết đoán của Trung Quốc cũng khiến Nhật cảm thấy bị đe dọa, chưa kể thái độ "lửng lơ" của các nước láng giềng.

Đây là động cơ thúc đẩy chính phủ ông Abe cải cách quốc phòng, trong đó bao gồm luật an ninh mới cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Điều này đã gặp phải phản đối từ dân chúng do lo ngại hòa bình giữ gìn từ năm 1945 bằng cách không tham gia chiến tranh sẽ bị ảnh hưởng. Tham gia liên minh ba phía sẽ giải quyết vấn đề này. Với đối tác lớn nhất là Mỹ, cả Hàn và Nhật không những giảm bớt cảm giác cô lập mà còn duy trì được hòa bình thông qua lợi ích có được từ phòng thủ chung.

img
Người dân biểu tình phản đối chính sách của ông Abe

Riêng chính quyền Obama cũng sẽ có kế hoạch đảm bảo lợi ích của Mỹ trong liên minh. Khi cùng nhau bắt tay, gánh nặng của Mỹ sẽ giảm bớt, như vậy là các bên đều có lợi. Hơn nữa nếu liên minh ổn định sẽ tạo nền tảng ổn định khu vực Đông Á, yếu tố đầu tiên trong mục tiêu tái cân bằng châu Á của Mỹ.

Hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á- TBD rất quan trọng để Mỹ tiếp tục duy trì sự thịnh vượng, nhưng chỉ một mình liên minh ba bên này là không đủ, mà còn có thể tạo thêm bất ổn, do Trung Quốc và Triều Tiên cũng sẽ đối mặt với việc bị bao vây và đe dọa. Riêng Triều Tiên có thể có thêm phản ứng dữ dội.

Để ngăn ngừa điều này, Mỹ cũng phải có thỏa thuận với thông điệp rõ ràng về ý định về liên minh. Một cách khác có thể trấn an Bình Nhưỡng là nỗ lực tại các cuộc đàm phán, nơi Washington thể hiện mong muốn ổn định chứ không phải thay máu chế độ.

Tại buổi nói chuyện ở Washington, đô đốc chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, Harry Harris ám chỉ việc khai thác đầy đủ tiềm năng tại châu Á đòi hỏi một liên minh mạnh mẽ giữa ba nước, bằng cách khẳng định Nhật Bản và Hàn Quốc là "hòn đá tảng trong chính sách tại châu Á", cũng như kêu gọi hai nước hội nhập mạnh mẽ và gần gũi hơn.

Việc hợp tác đa phương này còn gặp nhiều trở ngại ở Nhật Bản và Hàn Quốc, yêu cầu các tiến bộ đáng kể trong khu vực về phòng thủ tên lửa, cứu trợ, cũng như nhận thức gia tăng về an ninh và chia sẻ thông tin tình báo. Hợp tác sẽ không đến nhanh chóng, nhưng sẽ sớm hơn nếu cả ba xúc tiến từng bước để đạt mục tiêu cuối cùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem