Chợ phiên - bản sắc vùng cao

Chủ nhật, ngày 28/07/2013 06:45 AM (GMT+7)
Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần… của Hà Giang hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ nơi đây.
Bình luận 0

Từ lâu, chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao Hà Giang. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần… của Hà Giang hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ nơi đây.

Chợ phiên xã Lũng Phìn huyện Đồng Văn.
Chợ phiên xã Lũng Phìn huyện Đồng Văn.

Ở Hà Giang thường có những phiên chợ lùi được tổ chức chủ yếu ở các xã. Nếu tuần này chợ họp vào chủ nhật thì tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ 6, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ 5... Còn các phiên chợ huyện thường họp vào chủ nhật hàng tuần.

Đến hẹn lại lên, từ sáng sớm, những người Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô… lại tụ họp về phiên chợ. Các cô gái trong những bộ váy truyền thống nhiều màu sắc, tay cầm ô, lưng gùi quẩy tấu, các chàng trai thì mang gà, cắp lợn, dắt bò xuống chợ. Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài nhưng khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức. Bà con dân tộc vùng cao đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, uống với nhau một vài chén rượu ngô hay quây quần xung quanh chảo thắng cố nóng hổi.

Những mặt hàng được bán ở chợ phiên khá phong phú nhưng chủ yếu là các sản vật của núi rừng hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây làm ra như: mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, thóc, ngô, đậu tương, các loại rau, thổ cẩm… Vào dịp cuối năm, ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, phiên chợ còn có các mặt hàng đặc biệt để phục vụ ngày Tết như: gạo nếp, giấy trúc (hay còn gọi là giấy bản), tiền vàng, tranh ảnh, lịch năm mới, hoa ly, mía…

Tất cả những sản phẩm địa phương được bày bán ở chợ là kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao; đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Ở nhiều chợ phiên Hà Giang, người dân không dùng tiền để trao đổi mà dùng hiện vật. Họ thường mang xuống chợ con gà hay chục trứng để đổi lấy cái cuốc hay đôi thùng gánh nước…

Khu vực tấp nập nhất ở chợ là khu bán gia súc, gia cầm như: gà, lợn, chó, ngựa, dê… nhưng nhiều nhất vẫn là bò. Mỗi phiên chợ thường có hàng nghìn con bò được mang tới. Chủ của những con bò khỏe, đẹp thường được nhiều người hỏi kinh nghiệm về chăn nuôi và chăm sóc bò. Ở đây, trừ gà được bán theo cân, còn các gia súc khác đều mua bán theo kiểu ước lượng. Người mua nhẩm tính trọng lượng gia súc, người bán nhẩm tính mấy tuần trăng mình đã nuôi con vật…, cuối cùng giá được thỏa thuận, người mua trao tiền và dắt gia súc kéo đi.

Ngoài khu mua bán, chợ phiên còn có khu vực hàng ăn với những chảo thắng cố to, nóng hôi hổi cùng những chai rượu ngô thơm nồng. Thắng cố được múc ra, rượu ngô rót đầy bát, những người đàn ông ăn thắng cố, uống rượu ngô; còn đàn bà ngồi cạnh chờ chồng, đôi tay mải miết se sợi.

Đến với chợ vùng cao, du khách còn được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc. Đàn ông đi chợ thường mặc quần áo đen, còn chị em thì xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, tạo nên nét đẹp và không khí vui tươi cho ngày chợ. Cũng từ những phiên chợ đã có nhiều đôi trai gái bén duyên nhau và nên vợ, nên chồng. Họ say nhau từ điệu múa, giọng hát, tiếng khèn để rồi hẹn nhau ở những phiên chợ sau. Cứ thế, phiên chợ đã trở thành điểm hẹn, là nỗi khắc khoải, mong chờ của bao nam thanh nữ tú.

Khi mặt trời đứng bóng, chảo thắng cố đã cạn, vò rượu ngô đã hết, những mặt hàng thiết yếu đã được sắm đủ, bà con dân tộc lại lục tục kéo nhau về, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt. Lúc này, trên khắp các nẻo đường về bản, du khách sẽ dễ dàng gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi chênh vênh trở về nhà.

Đến với những phiên chợ vùng cao, du khách mới cảm nhận được cái đẹp ẩn chứa trong đó, không phô trương, cầu kỳ mà mộc mạc, đượm tính nhân văn. Không gian phiên chợ không chỉ là không gian mua sắm mà còn là không gian của ngày hội. Bởi thế, mỗi phiên chợ vùng cao Hà Giang luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm.

TTĐT Đồng Văn (Theo TTĐT Đồng Văn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem