Chợ Việt kết nối người Việt

Thứ tư, ngày 05/02/2014 06:59 AM (GMT+7)
“Ở đâu có cộng đồng người Việt, ở đó có chợ Việt”, câu này tôi chiêm nghiệm trong nhiều năm “làm công dân toàn cầu”, đi nhiều nước trên thế giới.
Bình luận 0
Tìm đồng hương ở chợ Việt

Mỗi một đất nước tôi đặt chân đến, điểm không thể thiếu trong chuyến công tác là đi tìm đồng hương Việt Nam. Không thể tìm đến từng nhà, từng người, một chuyến khảo sát chợ của người Việt là có thể nắm bắt được tình hình rõ nét nhất.

Với những nước có cộng đồng người Việt sinh sống tương đối lớn thì hiển nhiên tồn tại ít nhất là một khu chợ Việt. Chợ Việt có đặc điểm rất khác với những ngôi chợ khác bởi trước tiên chợ Việt là để phục vụ người Việt, thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa, tập tục của người Việt.

Chợ phục vụ cho nhu cầu đời sống tập quán hàng ngày, nhu cầu dân sinh của người Việt. Tôi có thể nêu ra những nét điển hình như sau, người Việt thích ăn trầu và cúng ông bà, tổ tiên bằng trầu cau thì dù ở trời Á hay trời Âu, lá trầu không vẫn được bày bán ở chợ Việt. Hay như thói quen ăn uống của người Việt với những thực phẩm như giò, chả, bún mắm, thịt chó, rau, gia vị...thì tại những khu chợ Việt ở nước ngoài đều có những mặt hàng thuần Việt này.

Chợ Việt ở nước ngoài được phân thành hai hình thức như: Trung tâm thương mại có đông quầy hàng buôn bán của người Việt và chợ Việt tự phát.

Với những trung tâm thương mại có đông người Việt buôn bán, chợ Việt là nơi quảng bá hàng Việt và đặc biệt là thể hiện sức mạnh kết nối của người Việt. Ở nhiều nước có đông cộng đồng người Việt sinh sống như ở Nga, Mỹ, Bulgaria, Đức, Canada... nói đến chợ Việt, dân bản xứ thường nói về nơi “hái ra tiền” của người Việt.

Người Việt dù có dáng hình nhỏ bé hơn so với người phương Tây, nhưng khối óc và sự nhanh nhẹn và đặc biệt là bản tính cần cù hiếm có nên kinh doanh là một trong những thế mạnh của người Việt khi ra nước ngoài. Thậm chí, ở một số nước như Nga, Hungary, Ba Lan, Bulgaria, Czech, những khu trung tâm thương mại này lại do người Việt làm chủ và thuê người bản xứ làm nhân viên bán hàng.

Kết nối văn hóa

Ngoài ra, chợ Việt còn thể hiện sự kết nối cộng đồng, văn hóa đặc sắc của người Việt thể hiện qua cách bày hàng, và phương thức mua bán như mặc cả, nói thách...Nếu chúng ta quen hiểu theo nghĩa “chợ là tạp nham, là lẩu thập cẩm”..., thì đối với chợ Việt ở nước ngoài sự tổng hợp đó cũng là một nét văn hóa tạo nên sự thu hút cho người dân bản địa.

Chợ Việt kết nối người Việt là biểu hiện thu nhỏ của một cộng đồng, thể hiện một cách rất đầy đủ về mức sống, văn hóa và thể hiện sự hội nhập của người Việt ở bản địa.

Đối với những chợ tự phát của người Việt, mỗi tuần họp một lần như ở một số nước châu Á thì chợ không đơn thuần mang ý nghĩa mua bán, trao đổi, mà đây là nơi để tụ họp. Chợ tạm họp bên lề đường ở Houston, Mỹ là một trong những điển hình của loại chợ cóc này và không phải ở nước nào cũng có. Đây là chợ mang đầy đủ nguyên nghĩa của văn hóa Việt, văn hóa chợ. Khi một chợ cóc của người Việt được lập nên ở bản địa thì nó vẫn mang dáng dấp của chợ quê Việt Nam, nhưng chất lượng sản phẩm lại khác, phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và quy chuẩn của chính quyền sở tại.

Trong một chuyến công tác ở Mỹ năm 2013, tôi đã có dịp đến Houston, ghé chợ “chồm hổm” ở đây mới hiểu hết được ý nghĩa của chợ Việt. Phần lớn người đến chợ không phải vì nhu cầu mua mớ rau, con cá, mà chỉ đơn thuần là để nói tiếng Việt, là một cái cớ để gặp nhau. Hay như ở Đức, cộng đồng Việt sống rải rác ở nhiều tỉnh thành, nhưng không phải ở vùng nào cũng có chợ Việt. Cứ dăm bữa, nửa tháng, những người Việt ở các vùng xa lại “đánh xe” về thủ đô Berlin, sà vào chợ Đồng Xuân của người Việt vừa để ăn những món ăn Việt Nam cho thỏa thích, vừa được trò chuyện với những người đồng hương. Câu chuyện bên quán nước trong chợ Đồng Xuân ở Berlin khi nào cũng rôm rả, quê hương Việt Nam cứ hiện rõ mồn một trong lòng trời Tây.

Tuy vậy, xét về hình thức, chợ Việt ở nước ngoài không phải giống hoàn toàn chợ ở trong nước vì sự hội nhập của người Việt phụ thuộc về phương diện luật pháp, phương cách quản lý của chính quyền sở tại. Vì vậy chợ Việt ở nước ngoài vừa đảm bảo được yếu tố về mặt pháp luật, vừa duy trì được nét văn hóa của người Việt, sự kết nối giữa những tâm hồn thuần Việt.

Tài Trọng (Chuyên gia của Tập đoàn Lukoil) (Tài Trọng (Chuyên gia của Tập đoàn Lukoil))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem