Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX tháng 12.2017. Ảnh: Trường Giang
Thưa ông, với những gì diễn ra trong kỳ họp vừa qua, đặc biệt là với những khó khăn trong báo cáo của Sở GTVT, rõ ràng hiện nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông của Bình Dương rất khan hiếm. Bình Dương sẽ giải quyết bài toán nguồn vốn sắp tới như thế nào?
- Nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng ở Bình Dương rõ ràng là rất lớn, nhưng hiện nguồn vốn ngân sách Trung ương điều tiết cho tỉnh mỗi năm chỉ có 6.500 tỷ, không thể đáp ứng được nhu cầu. Có những công trình phục vụ phát triển không thể bố trí được vốn để triển khai.
Thứ hai, nhiều công trình mình làm nhưng không có vốn, phải huy động các nguồn lực khác. Mà khi đã huy động như vậy thì mình không thể nào chủ động được.
Áp lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ví dụ như trường học mỗi năm phải chi hơn 1.000 tỷ, nhưng giờ vốn không đáp ứng được.
Trong báo cáo của UBND tỉnh trình HĐND trong kỳ họp này, Bình Dương quyết định loại trừ 44 dự án ra khỏi danh sách đầu tư vào tỉnh. Vậy thông điệp của tỉnh chuyển tới các nhà đầu tư là như thế nào với quyết định này?
- Đây là các dự án của các nhà đầu tư vào các huyện thị với những công trình nhỏ lẻ, đã có chủ trương đồng ý của tỉnh nhưng nhiều năm nay không triển khai làm. Theo quy định về thu hồi đất, sau 3 năm mà dự án không triển khai thì phải hủy quyết định thu hồi đất đó.
Nên, theo yêu cầu của HĐND thì HĐND sẽ thu hồi chủ trương thu hồi đất dành cho các dự án đó, khi các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án thì tỉnh sẽ xem xét bổ sung.
Như vậy trở lại vấn đề là Bình Dương rõ ràng rất khát vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng chúng tôi lấy làm lạ là các địa phương rất ưu ái triển khai các dự án BOT thì Bình Dương lại là đơn vị hãn hữu trong cả nước bỏ vốn ngân sách ra mua lại 1 dự án BOT rồi xóa nó đi. Ông có thể giải thích rõ hơn lý do tại sao Bình Dương lại làm như vậy?
- Vấn đề mua lại trạm BOT An Phú rồi xóa đi thì tỉnh cũng đã giải thích nhiều lần rồi. Lý do là cái trạm BOT đó gây ra ùn tắc giao thông, cản trở lưu lượng phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
Đường thì hẹp, mà tuyến đường đó là tuyến trọng điểm đi từ các khu công nghiệp của tỉnh về hướng TP.HCM và ra các bến cảng. Vậy nên tỉnh phải dẹp cái trạm BOT đó để tạo thông thoáng giao thông cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, người dân đi lại đỡ bị tốn phí trên tuyến đường này.
Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) được UBND tỉnh Bình Dương mua lại rồi "xóa sổ". Ảnh: Trường Giang
Vậy sắp tới Bình Dương có dự định tiếp tục mua lại trạm BOT nào để xóa đi như vậy nữa không?
- Muốn thì tỉnh rất muốn nhưng trong tình hình hiện tại thì khả năng, điều kiện thực hiện chúng tôi phải tính cụ thể. Ý định thì có đó nhưng cũng phải khảo sát các tuyến, tùy điều kiện cụ thể xem xét phương án sao cho hợp lý.
Nếu bây giờ các nhà đầu tư BOT giao thông muốn vào đầu tư ở Bình Dương thì tỉnh có chào đón không?
- Bây giờ thì tỉnh Bình Dương chưa có ý định tiếp nhận dự án BOT nào. Thực tế thì trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến giờ không có nhu cầu tiếp nhận các dự án BOT giao thông.
Xin cảm ơn ông!
UBND tỉnh Bình Dương mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương vào tháng 9.2016. Trạm thu phí này nằm trên tuyến đường huyết mạch nối với các tỉnh thành lân cận, có lượng xe tải, xe container chở hàng đi vào các khu công nghiệp, cảng rất lớn như VSIP 1, ICD Tân Cảng - Sóng Thần…
Sau khi UBND tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí này thì lập tức bàn giao cho Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí. Trên tuyến đường này còn xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần.
Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.