Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nói rõ lại quan điểm về vụ việc Đàn Xã Tắc

Thứ tư, ngày 24/04/2013 16:49 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau khi công văn vủa Hiệp hội Vận tải Hà Nội được gửi đến UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội.
Bình luận 0

Lý do nào ông lại đề nghị xây dựng cầu vượt và phá Đàn Xã Tắc? Ông có thể phân rõ tại sao?

Trước hết tôi khẳng định tôi không đề nghị phá di tích Đàn Xã Tắc, trong văn bản của chúng tôi chỉ nói, ngày trước khi Đàn Xã Tắc bị phá đi không ai đoái hoài đến, thế thì khẳng định tâm linh ở trong lòng hàng nghìn, hàng vạn người không phải là ở cái lễ tế Đàn Xã Tắc. Không thể nói nó là long mạch, là vận mệnh của đất nước này và nếu phá đi là mất tất cả. Tôi không đồng tình với quan điểm này.

 img
 Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Tôi cũng không biết tại sao, văn bản chúng tôi lại bị sửa đổi và có điều gì đó đã không được hiểu đúng ở đây. Bây giờ tôi xin nói rõ lại quan điểm của tôi.

Trước hết chúng tôi quan tâm đến vấn đề giao thông vận tải, mà nút Ô Chợ Dừa nằm trong đường vành đai 1, mà đường vành đai 1 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt cách đây mấy chục năm. Và do khó khăn về kinh tế nên chúng ta giải phóng mặt bằng đến đâu thì làm đường đến đó.

Khi làm đến đường Xã Đàn thì phát hiện ra nền gạch và các mảnh ngói, đã dừng lại. Như vậy có thể nói cơ quan Nhà nước đã rất tôn trọng di tích lịch sử và đã làm đảo giao thông để bảo vệ di tích, cũng như nắn con đường ra 2 bên để tránh đi vào di tích.

Đây là nút giao thông với 5 tuyến đường xe qua lại, vậy nên lúc nào đi qua đây người dân cũng thấy vất vả bởi ách tắc và sự ô nhiễm môi trường. Vậy thì việc làm cầu vượt sẽ tránh được ách tắc cũng như ô nhiễm, người dân và các doanh nghiệp sẽ vô cùng phấn khởi và vui mừng chứ.

Thứ hai là tôi tin tưởng ở cấp có thẩm quyền, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đã đưa ra mười mấy phương án làm, sau đó chọn ra được phương án hiện đang thi công, tôi cho là hợp lý và khả thi. Bởi vừa bảo vệ được di tích, vừa giải quyết và giao thông.

 img
Bản đồ khoanh vùng các hố di tích đàn Xã Tắc chồng lên bản đồ thiết kế dự án cầu vượt ngã 5 Ô Chợ Dừa của ban QLDATĐ trình Cục di sản doTS Sử học Nguyễn Hồng Kiên cung cấp. Các hình vẽ màu vàng là các hố khai quật (vùng lõi của di tích đã được phát lộ), hai điểm màu đỏ là mố cầu bê tông sắp xây dựng.

Còn có một phương án được đưa ra là làm cầu vượt đi từ đường Nguyễn Lương Bằng nối sang đường Tôn Đức Thắng, thì tôi thấy đấy là một phương án tốn kém rất nhiều kinh phí, khi phải giải toả hàng nghìn hộ dân 2 bên đường. Ví dụ nếu xây từ cuối đường Xã Đàn vòng qua Tôn Đức Thắng, đồng thời phân 5 luồng khác nhau, sẽ rất phức tạp và khó khăn.

Nên chúng tôi nghĩ đây là phương án tối ưu, đồng thời lại được Cục di sản Văn hoá-Bộ VHTTDL đồng ý. Còn trên một số báo có đưa một vài ý kiến dừng xây cầu vượt là không hợp lý và tôi hoàn toàn phản đối.

Theo như ông nói, thì di tích Đàn Xã Tắc mới chỉ phát hiện đàn tế của thời nhà Lê, nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, người trực tiếp tham gia khảo cổ, cho rằng, không chỉ có 1 tầng là Đàn tế lễ, bên dưới còn mấy tầng di tích và đặc biệt đã đào được tầng di tích phùng nguyên, di tích cư trú cách nay khoảng 3.500 năm? Vậy ông nghĩ như thế nào?

Dưới đất Hà Nội chỗ nào cũng có di sản của thời kỳ trước để lại, ví dụ như khi làm Tràng Tiền Plaza, hay như thời điểm làm nghìn năm Thăng Long, chỗ đoạn Đào Tấn…

Tôi đồng ý bảo vệ di tích, nhưng phải tiến hành khảo cổ để xác minh di tích, nếu không làm gì cả thì sẽ không thể phát triển kinh tế xã hội. Cho nên phải phát triển song song, bây giờ không thể khẳng định dưới lòng đất là di tích gì, thì không thể dừng tất cả các công trình lại được.

Bởi tất cả mọi người đều hướng về đời sống xã hội, văn minh. Vậy bây giờ các chuyên gia cứ nói ở dưới lòng đất Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, mà như thế tốt nhất không làm gì ở Hà Nội nữa mà hãy chuyển lên Ba Vì. Lên Ba Vì, chính các chuyên gia khoa học lại phản đối và nói Hà Nội là nơi long mạch, thế thì các chuyên gia nói thế nào cũng được.

Nên với tư cách người dân, tôi nhìn thấy con đường là cần trước mắt, còn cái gì phát hiện ra thì bảo vệ, còn những cái chưa đào lên nếu chưa có điều kiện thì xin để thế hệ sau, họ nghiên cứu và phát triển. Cũng như bên Trung Quốc, khi phát hiện lăng tẩm của các nhà vua, họ đã phải lấp đi để lại khi nào có khả năng thì khai quật.

Nhưng di tích Đàn Xã Tắc đã được khẳng định, nghiên cứu từ các nhà khoa học chứ không phải đoán mò. Và theo như ông nói, nếu những gì mình chưa đào và chưa có điều kiện thì hãy lấp đi để đời sau nghiên cứu và phát triển. Nhưng ông lại đồng tình cho việc xây câu vượt. Giả dụ những ý kiến của các nhà khoa học rằng Khu trung tâm không nằm trong bán đảo giao thông hiện tại là đúng thì liệu ai sẽ đảm bảo được một trong hố móng không xâm hại đến di tích Đàn Xã Tắc? Và như thế liệu còn có thể giữ cho đến đời sau nghiên cứu?

Tôi không muốn đi sâu vào di tích lịch sử, nhiệm vụ khoa học của các chuyên gia, và ở đây tôi muốn nói là chúng tôi chưa nhìn thấy và chưa sờ thấy thì chúng tôi không thể nói rằng dưới đấy mấy tầng nữa có di tích lịch được, tôi nghĩ là không có. Bao giờ chứng minh được thì đó mới là sự thật. 

Còn với Đàn Xã Tắc đã được phát lộ và được công nhận là di tích rồi, thì không ai nói nữa, nhưng bảo dưới lòng đất còn nhiều tầng khác nữa, thì không ai có thể khẳng định được.

Tóm lại quan điểm chúng tôi là không làm tắc đường, không ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và Thủ đô văn minh hiện đại. Còn cái gì phát lộ ra ta giữ lại, còn những ý kiến về di tích chưa phát lộ, chưa có sự khẳng định thì chúng tôi không quan tâm.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem