Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Sau làn sóng lao động di cư, hiện người nghèo phải nuôi người nghèo

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 21/10/2021 11:50 AM (GMT+7)
ĐBQH Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Khi chúng ta chuyển đổi lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp ra khu công nghiệp, khu đô thị thì phải có chính sách phù hợp để người lao động trở thành cư dân của khu công nghiệp, khu đô thị.
Bình luận 0

Nền kinh tế dễ bị tổn thương

Sáng nay (21/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại tổ. Phát biểu tại tổ 4, ĐBQH Lương Quốc Đoàn (An Giang) cho biết: Báo cáo về kinh tế -xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 rất đầy đủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Sau làn sóng lao động di cư, hiện người nghèo phải nuôi người nghèo - Ảnh 1.

ĐBQH Lương Quốc Đoàn phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội sáng 21/10. Ảnh D.T

Theo ĐBQH Lương Quốc Đoàn, qua làn sóng dịch thứ tư vừa qua nền kinh tế của chúng ta rất dễ bị tổn thương từ Trung ương đến các địa phương. "Hiện chúng ta đang thiếu chính sách điều phối các vùng và liên kết các vùng với nhau. Qua thời gian ngắn giãn cách xã hội thấy bộc lộ những hạn chế rất rõ trong sự liên kết vùng. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế vấn đề liên kết vùng cần có biện pháp hiệu quả để kinh tế đảm bảo phục hồi tốt hơn", ĐB Đoàn nêu ý kiến.

Vẫn theo ĐB Đoàn, năm 2022, kinh tế thế giới khó có thể hồi phục, do đó chúng ta cũng cần có giải pháp, có chính sách mạnh hơn để phát triển thị trường trong nước. Trong thời gian dịch vừa qua, Hội Nông dân thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản thấy thị trường trong nước tiềm năng rất lớn, cần có sự quan tâm phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, làn sóng lao động di cư vừa qua cho thấy có một số điểm cần phải xem xét, lưu tâm. Trong những năm qua sự chuyển đổi lực lượng lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang ngành nghề phi nông nghiệp tương đối lớn. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu trong 5 năm tới giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội từ 31% xuống khoảng 25%, như vậy lượng lao động được chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động phi nông nghiệp là rất lớn.

Các đối tượng này chuyển đổi ở 3 hình thức, thứ nhất chuyển đổi sang khu công nghiệp, thứ hai sang các ngành nghề kinh doanh thuộc kinh tế nông thôn, thứ ba lao động tự do.

"Cần phải có chính sách để làm sao những lao động ở nông thôn khi chuyển đổi sang làm việc ở các khu công nghiệp được định cư, trở thành cư dân của các khu công nghiệp. Thực tế hiện nay, công nhân của chúng ta thu nhập thấp không đủ để trở thành cư dân ở các khu công nghiệp, các khu đô thị. Họ sống chủ yếu ở các nhà trọ rẻ tiền.

Trong khi doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động chủ yếu từ 18-35 tuổi, sau độ tuổi đó lao động bị đào thải. Như vậy, người công nhân với quá trình lao động trong độ tuổi khỏe nhất của đời người nhưng thu nhập thấp, sự tích lũy không đủ nên họ không trở thành cư dân ở khu công nghiệp, khu đô thị. Khi xảy ra bất cứ một vấn đề gì, làn sóng này sẽ di cư dẫn tới không chỉ áp lực cho thành phố mà cả nông thôn. Vừa qua riêng 13 tỉnh miền Tây đã có khoảng hơn 350 nghìn lao động di cư về nông thôn, đó là áp lực vô cùng lớn", ĐBQH Lương Quốc Đoàn góp ý.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Sau làn sóng lao động di cư, hiện người nghèo phải nuôi người nghèo - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn (trái) thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Ngọc

Xác định vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn

Vẫn theo ĐB Đoàn, đối tượng thứ hai là lao động tự do, họ là những người ra thành phố góp phần vận hành thành phố đó, từ công việc vệ sinh môi trường, làm thuê…Có thể nói, chính lượng lao động này cũng góp phần lớn trong vận hành thành phố, do đó cần phải có chính sách phù hợp. Vừa qua như ở TP.HCM, khi giãn cách xã hội kéo dài lập tức an sinh cho đối tượng này gặp vấn đề. Khi họ không đủ ăn thì phải tìm đường về quê, gây sức ép cho cả thành phố và nông thôn.

Nếu lao động di cư về nông thôn ở mức độ vừa phải còn chấp nhận được, nhưng với hàng triệu lao động từ thành phố tràn về nông thôn thì vấn đề an sinh, sinh kế…rất khó khăn, khi đó nông thôn, nông nghiệp không thể là trụ đỡ được. Qua làn sóng lao động di cư về quê vừa qua thấy chính người nghèo đang phải nuôi người nghèo, bởi bản thân những lao động ở nông thôn vốn đã nghèo nay phải gánh cho cả người lao động ở thành phố không còn gì phải trở về.

Từ phân tích trên, ĐBQH Lương Quốc Đoàn đề nghị cần chính sách rõ ràng hơn phát triển kinh tế nông thôn, phải định vị vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn là gì.

"Gần đây, trong phát triển kinh tế nông thôn chúng ta nêu kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là mấu chốt. Vậy phải xác định rõ điểm mấu chốt này để định vị phát triển. Có đúng kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt hay không, nếu đúng thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển mô hình này. Vấn đề này, chúng ta đã có luật, có chính sách nhưng thực hiện chưa mạnh mẽ", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem