Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: UNESCO không đồng ý sẽ không làm cáp treo

Ngọc Anh (ghi) Thứ tư, ngày 05/11/2014 10:13 AM (GMT+7)
Chiều 4.11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp báo chính thức về dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng đang bị dư luận, các chuyên gia môi trường, địa chất phản ứng dữ dội (NTNN đã có loạt bài). Theo ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh, đây là cuộc họp báo có số lượng phóng viên đông nhất từ trước tới nay, với hơn 30 câu hỏi đã được đặt ra. NTNN lược trích một số câu hỏi và trả lời của ông Nguyễn Hữu Hoài (ảnh).
Bình luận 0

Báo Sài Gòn Giải Phóng: Xin phép được hỏi 6 vấn đề sau: Tuyến cáp treo đi qua phân khu nào của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB); việc khảo sát được thực hiện do các chuyên gia trong nước hay quốc tế; tuyến cáp treo này sẽ giải quyết bao nhiêu việc làm cho lao động trực tiếp và gián tiếp; xây dựng cáp treo sẽ ảnh hưởng thế nào đến bảo tồn di sản, UBND tỉnh sẽ giải quyết vấn đề bảo tồn di sản như thế nào; xây dựng cáp treo có ảnh hưởng đến sản phẩm du lịch mạo hiểm đang được đánh giá là đẳng cấp thế giới tại đây hay không?

img

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

- Qua quá trình khảo sát sơ bộ, dự án cáp treo sẽ đi qua 3 khu vực dịch vụ hành chính, phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt. Ga cuối cùng của cáp treo trước đây dự kiến đặt trên miệng hố sụt thứ 2 nhưng sau đó tỉnh có góp ý với Tập đoàn Sun Group để điều chỉnh sẽ cách cửa sau động Sơn Đoòng 300m. Chúng tôi đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước khảo sát, về chuyên gia nước ngoài có các nước Thụy Sĩ, Áo và Australia. Đến nay chưa có số liệu chính thức sẽ giải quyết bao nhiêu việc làm nhưng chắc chắn là nhiều lao động, không chỉ dự án mà còn hệ thống nhà hàng khách sạn ở khu vực PN-KB. Về nguyên tắc xây dựng dự án cáp treo sẽ không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới PN-KB cũng như những loại hình du lịch đã có trước đây như du lịch mạo hiểm vào hang Sơn Đoòng hay du lịch vào động Thiên Đường…

img Rất đông phóng viên báo, đài tham dự cuộc họp báo về dự án đang được dư luận quan tâm. 

 

Thông tấn xã Việt Nam: Vừa rồi có rất nhiều thông tin trên báo chí về dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, đa phần là thông tin trái chiều, ví dụ tên dự án cáp treo Sơn Đoòng có đúng hay không? Xin tỉnh cho biết có dự án cáp treo đi vào trong lòng động hay không, thông tin nhà đầu tư bỏ ra 4.000- 5.000 tỷ đồng và thu hồi vốn trong 4-5 năm có chính xác hay không? Thủ tục đầu tư dự án tiến hành thế nào?

- Tên chính thức của dự án là dự án cáp treo PN-KB chứ không phải dự án cáp treo Sơn Đoòng, cáp treo không chui vào trong lòng động mà chỉ trượt trên ngọn cây, ngắm cảnh trên không bên dưới là VQG PN-KB. Vì ga cuối cách cửa sau hang Sơn Đoòng 300m nên sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn trong lòng hang. Vốn của dự án chúng tôi cấp phép đầu là 3.000 tỷ đồng. Đăng ký dự án chúng tôi làm đúng thủ tục.

Báo Tuổi Trẻ: Theo các chuyên gia về địa lý, hang SĐ nằm trên vị trí 2 nếp đứt gãy địa lý, vậy nếu xây dựng cáp treo sẽ có gây ảnh hưởng thế nào vì tiêu chí để công nhận PN-KB là di sản thế giới là địa chất, địa mạo? Các nghiên cứu tác động đến môi trường đã được tiến hành hay chưa?

- Một trong các tiêu chí để VQG PN-KB được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới chính là tiêu chí về địa chất, địa mạo, chúng tôi rất ý thức phải bảo vệ các giá trị này. Như đã nói ở trên vì ga cuối cách cửa sau của động Sơn Đoòng 300m, không xây dựng trên đỉnh hố sụt nên không ảnh hưởng đến các giá trị địa chất, địa mạo, không gây sụt lún. Dự án phục vụ khách du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp PN-KB, chúng tôi đang băn khoăn một điểm- khi du khách tiếp cận hang ở khoảng cách 300m, họ có thể đi tiếp vào hang hay không. Hiện nay động Phong Nha khách đang được đi vào 700m, động Thiên Đường được vào 700m, vậy hang Sơn Đoòng được vào đến đâu chúng tôi còn đang cân nhắc.

Hiện nay đang trong quá trình điều tra khảo sát lập dự án nên nhà đầu tư chưa có kế hoạch quảng bá, tất nhiên họ sẽ quảng bá, đã làm kinh doanh thì phải quảng bá, việc này sẽ nằm trong chi phí giá thành sản phẩm. Sun Group chưa quảng bá vì chưa biết mức độ thành công của dự án. Khách du lịch đi bằng cáp treo không ảnh hưởng đến các loại hình du lịch khác và các nhà đầu tư khác.

Báo Nông Thôn Ngày Nay: Được biết trong quá trình khảo sát dự án, UBND tỉnh và chủ đầu tư đã thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá, vậy đánh giá của họ thế nào khi xây dựng hệ thống cáp treo sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái như các chuyên gia trong nước đã lên tiếng? Khi hoàn thành, lượng khách dự kiến cáp treo chuyên chở hàng năm là bao nhiêu?

- Về phía đánh giá của các chuyên gia đầu ngành nước ngoài thì sau khi đi khảo sát họ đánh giá rất cao. Họ cho biết nếu xây dựng hệ thống cáp treo ở đây thì không có tuyến cáp treo nào được ngắm cảnh đẹp như PN-KB. Tôi nghe thấy thế phấn khởi quá đi chứ. Tôi hỏi phía tập đoàn thi công dự án này có khó khăn gì, họ trả lời có khó khăn nhưng như Bà Nà chúng tôi cũng đã làm được. Về lượng khách đi bằng cáp treo thì theo thiết kế, khối lượng khách dự kiến là 1.000 người/giờ, nếu vận hành 8 tiếng/ngày thì số lượng là 8.000 người. Khi đưa khách đến cửa hang thì họ sẽ ra khỏi cabin, ai muốn đi tiếp thì đi, ai muốn quay lại thì tùy.

Báo Thanh Niên: Xin cho biết phương án cụ thể bảo tồn di sản thế nào, phải bàn đến ngay bây giờ chứ không thể nói chung chung. Tôi được biết có thông tin làm nhà ga trên hố sụt sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách và di sản?

- Vừa rồi có thông tin sẽ làm cáp treo trên hố sụt nhưng không phải, chỉ là dừng ở phía sau cửa nên các trụ cáp không nằm trên đỉnh nên không gây sụt. Vấn đề bảo tồn di sản tôi đã nói rồi, khi thi công không làm ảnh hưởng di sản, cáp treo chỉ trượt phía trên thôi.

Báo Tiền Phong: Xin ông giải thích rõ khách du lịch bằng cáp treo PN-KB sau khi vào đến cách động 300m thì họ có được vào tiếp hay không bởi nếu chỉ đi ngắm cảnh từ trên cao thì dự án chắc chắn sẽ thất bại vì vừa rồi có dịch vụ mở tour tham quan VQG PN-KB bằng máy bay trực thăng đã thất bại. Một vấn đề nữa là việc lập đề án và khảo sát rất tốn kém, nhưng trước đây đồng chí Phó Chủ tịch cho biết dù đã có quyết định nếu UNESCO không đồng ý thì cũng không làm. Vậy xin hỏi tỉnh đã xin ý kiến UNESCO hay chưa, khi họ không chấp nhận thì dự án có làm?

- Có 2 phương án, có thể đi đến phía sau cửa động và dừng cách 300m để bảo vệ động. Có thể dùng xe điện chở khách đi vào hoặc đi bộ, đi vào sâu đến đâu chúng tôi chưa quyết định. Về chuyện xin ý kiến, PN-KB đẹp như viên ngọc, có ngọc thì mình phải khoe chứ, đến khi cơ bản hoàn thành quá trình lập dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ VHTTDL, Bộ NNPTNT, UNESCO... Còn nếu xin ý kiến mà UNESCO không đồng ý thì sẽ không làm. Mình có di sản thế giới thì phải chấp nhận luật và công ước quốc tế. Người ta không cho phép làm mà mình cứ làm thì mình vi phạm rồi. Chúng ta phải có trách nhiệm và phải làm theo luật.

Báo Văn Hóa: Nghị định 70 quy định các hoạt động khảo sát, nghiên cứu ở khu vực di sản phải có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL, xin hỏi UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo hay chưa?

- Hiện chưa có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL, khi chúng tôi có dự án chính thức mới báo cáo. Chúng tôi đã làm tờ trình về quy hoạch tổng thể VQGPN-KB để trình Bộ Xây dựng xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan liên quan. 

Thông tin về tuyến cáp Dự kiến sẽ có 2 tuyến cáp như sau: 

-Tuyến cáp treo số  1 từ cửa động Phong Nha đến cầu Trạ Ang với chiều dài tuyến 6.788m 
- Tuyến cáp treo số  2 từ cầu Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng với chiều dài 3.872m. 
- Cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng nằm hoàn toàn bên ngoài động, không phải nằm trong lòng động.
- Dự kiến, sau khi có tuyến cáp treo này, hành trình vất vả nhiều ngày để có thể tiếp cận di sản Sơn Đoòng sẽ rút xuống chỉ còn có 30 phút 
-  Chi phí cho chuyến đi thăm hệ thống hang động lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chỉ còn vài trăm ngàn đồng/người, thay vì 3.000- 5.000 USD/người như chi phí cho tour du lịch mạo hiểm vào Sơn Đoòng hiện nay.
Ông Đặng Minh Trường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group: Sẽ đảm bảo thi công không ảnh hưởng đến môi trường

Về biện pháp thi công tuyến cáp treo dài gần 11km, chúng tôi sẽ vận chuyển bằng hệ thống cáp công vụ, sử dụng những cột cáp rất nhỏ để đưa trang thiết bị qua các ngọn cây hoặc đi qua lối mòn để không làm ảnh hưởng đến cây cối. Như dự án cáp treo trên Bà Nà (Đà Nẵng) hoàn toàn không có một cây cối nào bị chặt hạ. Về vấn đề vệ sinh môi trường rác thải cho một khối lượng lớn khách du lịch thì tôi xin trả lời là chúng ta có rất nhiều công nghệ hiện đại để thu gom, nén và cũng vận chuyển ra ngoài theo đường cáp này để đảm bảo không gây tác hại với môi trường. 

Chúng tôi đầu tư nên hoàn toàn chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản, bởi việc đó không khác gì tự chặt chân mình. Bảo vệ di sản bằng mọi giá, đó là mục tiêu làm dự án.

Về vấn đề tổng mức đầu tư 3.000 tỷ cho cả một dự án lớn không chỉ có cáp treo mà còn bao gồm cả hệ thống nhà hàng khách sạn và dịch vụ cho khách nằm ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Phải để người nghèo có cơ hội được thụ hưởng 

Cách đây 1 năm tôi đã đến núi Cape Town của Nam Phi- một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, sau khi làm cáp treo thì lượng khách đến đây đã tăng gấp 3 lần. Tôi thấy hệ thống cáp treo mà tập đoàn Sun Group làm ở Bà Nà là rất tốt, không tàn phá cảnh quan thiên nhiên. Nếu ở Phong Nha- Kẻ Bàng mà có một hệ thống cáp treo để khách  có cơ hội được ngắm vẻ đẹp nơi đây thì thật tuyệt vời. 

Tất nhiên chỉ khi nào cơ quan có trách nhiệm phê duyệt thì dự án mới được làm, khi làm xong thì người giàu, người nghèo sẽ cùng được chiêm ngưỡng kỳ quan này. Phải để cho người nghèo cũng có cơ hội được thụ hưởng thiên nhiên, vì vậy tôi đề nghị tỉnh Quảng Bình và phía tập đoàn phải tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho dự án để khiến dư luận yên tâm về việc bảo tồn, gìn giữ phát huy di sản. 
M.A (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem