Chùa Keo Thái Bình thờ vị đức thánh từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông, đó là ai?
Ngôi chùa biểu tượng của Thái Bình (Bài 1): Thờ vị đức thánh đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông
Mai Chiến
Thứ ba, ngày 29/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Với kiến trúc "Nội công ngoại quốc" và được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) đã trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình. Chùa Keo được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có tuổi đời gần 400 năm. Video: Mai Chiến.
Chùa Keo mang kiến trúc "Nội công ngoại quốc"
Theo sử sách ghi chép lại, Thiền sư Dương Không Lộ, tên húy là Minh Nghiêm, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ông sinh ngày 14/9/1016 (năm Bính Thìn), xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng ông là người có chí hướng mộ đạo thiền.
Năm 29 tuổi, ông đi tu; đến năm 44 tuổi, ông tu tại chùa Hà Trạch cùng các sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền.
Năm 1060, ba vị sư đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông, sư Dương Minh Nghiêm về nước, dựng chùa Nghiêm Quang.
Từ đó, sư Dương Minh Nghiêm đã chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Sư Minh Nghiêm đã có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong cho làm Quốc sư triều Lý.
Ngày 3/6/1094, năm Giáp Tuất (đời vua Lý Nhân Tông), Thiền sư Dương Không Lộ mất, hưởng thọ 79 tuổi. Đến năm 1167, đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang Tự.
Năm 1611, sông Hồng sạt lở, chùa bị bão lũ làm đổ, nửa làng Dũng Nhuệ phiêu dạt sang tả ngạn sông Hồng (thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay). Thời đó, quan Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là bà Lại Thị Ngọc Lễ xin chúa Trịnh Giang cho mời Cường Dũng Hậu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu dáng chùa và vận động người dân góp công sức, tiền bạc xây dựng lại chùa.
Qua 19 năm chuẩn bị và 28 tháng thi công, đến tháng 11/1632 (năm Nhâm Thân), chùa Keo được tái tạo, khánh thành. Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo - tên hiệu là Thần Quang Tự vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17.
Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000m2. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa Keo chỉ còn 17 công trình với 128 gian phân bố trên 2.022m2. Đó là các công trình kiến trúc chính như: Tam quan, chùa phật, điện Thánh, gác chuông, vườn tháp, hành lang…
Chùa Keo được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng "Nội công ngoại quốc", chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán, chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau, mái lợp ngói nam rất mềm mại. Chùa có 2 Tam quan, đó là Tam quan nội và Tam quan ngoại. Hai Tam quan cách nhau bởi hồ nước.
Nhìn tổng thể, Tam quan ngoại cao và thoáng hơn Tam quan nội. Tam quan nội có 3 cánh cửa; nhìn từ xa, Tam quan nội giống như một ngôi nhà Bắc bộ xưa có cửa, có mái nhà, hiên nhà...
Qua Tam quan nội là khu thờ Phật gồm chùa Ông Hộ, tòa Thiêu Hương và điện Phật. Khu thờ Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao ở thế kỷ 17, 18, gồm tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát, Khuyến Thiện...
Phía sau khu thờ Phật là khu thờ Thánh (thờ Thiền sư Không Lộ) - vị Đại sư thời nhà Lý. Cuối cùng là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế; hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông gồm hàng chục gian là nơi để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân.
Lễ hội chùa Keo - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Chị Nguyễn Thị Phương Duyên - Hướng dẫn viên BQL Di tích chùa Keo cho biết, hằng năm, chùa Keo diễn ra hai kỳ hội: Hội mùa Xuân và hội mùa Thu.
Nếu như lễ hội mùa Xuân vừa là lễ hội nông nghiệp, vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước, thì lễ hội mùa Thu ngoài tính chất là hội thi tài giải trí, còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử.
Theo đó, lễ hội mùa Xuân diễn ra vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch với các trò thi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm...; hội mùa Thu diễn ra vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, mang đậm tính chất hội lịch sử, gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Dương Không Lộ. Ngoài việc tế, lễ, rước kiệu, hội còn thi bơi thuyền trên sông…
"Người xưa chọn 3 ngày: 13, 14, 15/9 âm lịch hằng năm để tổ chức hội chính của chùa Keo là vì ngày 3/6/1094 là ngày mất Thiền sư Dương Không Lộ, thì đến ngày 13/9/1094 là 100 ngày mất của ngài. Ngày 14 là ngày sinh của ngài, ngài sinh vào ngày 14/9/1016. Còn ngày 15 là ngày tuần của nhà Phật", chị Duyên giải thích.
Nghi lễ rước kiệu đức Thánh tại lễ hội chùa Keo là một nghi lễ được tổ chức kỳ công, hoành tráng nhất trong các lễ hội của vùng châu thổ Bắc bộ, nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Dương Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài.
Nghi lễ rước Thánh được tổ chức vào ngày 14/9, là ngày kỷ niệm ngày sinh của Thiền sư Dương Không Lộ, cũng là ngày giữa hội.
Lễ hội chùa Keo với sự tích về Thiền sư Dương Không Lộ phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Lễ hội không chỉ mang màu sắc tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân mà còn là môi trường bảo tồn, lưu truyền văn hóa truyền thống và là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng.
"Lễ hội chùa Keo có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây, là hình thức sinh hoạt văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và cộng đồng làng xóm.
Hiện nay, cùng với di tích chùa Keo, lễ hội chùa Keo đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với tỉnh Thái Bình", Hướng dẫn viên BQL Di tích chùa Keo nhấn mạnh.
Bên cạnh phần lễ là hoạt động vui hội như: thi bơi thuyền, rước thuyền, bắt ếch, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu… tạo nên không khí sôi nổi, thấm đượm nét văn hóa đồng quê Bắc Bộ. Cuối lễ hội còn có nghi lễ chầu thánh, nghi lễ đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa Keo.
Hằng năm, vào dịp lễ hội mùa Thu, các ngả đường đổ về chùa Keo đều chặt cứng. Vào dịp đó, mỗi ngày chùa Keo đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cảnh chùa và lễ Phật, Thánh (thiền sư Dương Không Lộ).
Dân gian có câu:
"Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm".
Với những giá trị nổi bật, năm 2017, lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.