Chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho nông sản: Cấp nhiều, sử dụng ít

Thứ năm, ngày 26/12/2013 09:44 AM (GMT+7)
Để phát triển thương hiệu nông sản Việt, nhiều địa phương thực hiện chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI). Tuy nhiên, hiện rất nhiều nơi sau khi đăng ký chỉ dẫn địa lý xong rồi... bỏ xó, không được sử dụng.
Bình luận 0
Loay hoay với chỉ dẫn địa lý

TS Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (thuộc Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam) cho biết, đăng ký GI là việc cần thiết trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản, là yêu cầu bắt buộc khi đưa sản phẩm nông nghiệp vào các chuỗi phân phối hiện đại hiện nay. Tuy nhiên, việc này hiện vẫn còn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nhiều nơi cố gắng cho đạt các điều kiện để được cấp chứng nhận GI, xong rồi… bỏ xó.

Thanh long Bình Thuận là một trong những sản phẩm được cấp  chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thanh long Bình Thuận là một trong những sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Tuấn ví dụ, mới đây, sản phẩm gạo huyết rồng tại xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng, Long An) được Trung tâm Nghiên cứu – Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười hỗ trợ đăng ký GI, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rất hoành tráng. Tuy nhiên, chỉ sau vài lần tham gia hội chợ rồi… thôi, do không phát triển được trong hoạt động thương mại. Hay như trước đó, sản phẩm mãng cầu dai của Đồng Nai cũng sau một thời gian loay hoay với GI rồi “dẹp”, vì không hiệu quả.

Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý không còn ai quan tâm, để ý nữa. Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận rằng, nhiều địa phương hiện rất quan tâm đến việc đăng ký GI để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm của làng, xã. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính phong trào, dẫn tới các chứng nhận GI chưa phát huy hết hiệu quả, thậm chí, phản tác dụng, gây tốn kém.

Chưa “thực tế” với doanh nghiệp

Ông Đỗ Kim Lang cho biết, sau khi sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột bị một DN Trung Quốc đánh cắp thương hiệu, cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra rằng, rất ít DN tại Buôn Ma Thuột sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm của mình. “Tôi đã sốc khi biết điều này! Không chỉ cà phê Buôn Ma Thuột, nhiều sản phẩm đặc thù khác có đăng ký chỉ dẫn rất tốt, để bảo vệ giá trị truyền thống của địa phương nhưng cuối cùng, đó cũng chỉ là một cái giấy chứng nhận bị bỏ quên”-ông Lang chua xót.

Những nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải được các địa phương xem là sản phẩm chủ lực, từ đó, có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, phát triển cả trong sản xuất và thương mại.

TS Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Thiết kế nông nghiệp

Cũng theo ông Lang, nhiều DN thờ ơ với GI vì hiện các chứng nhận GI chưa mang lại hiệu quả kinh tế khi sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu... Còn theo ông Hoàng Quốc Tuấn, muốn gắn GI lên tên sản phẩm của mình, DN, người sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, đúng tiêu chuẩn theo quy định…

“Mà DN Việt thì rất sợ “chuẩn”, nên thôi! Hơn nữa, các GI ở trong nước hiện chủ yếu giao cho các HTX, nhóm sản xuất thực hiện bảo tồn, phát triển, mà kinh nghiệm làm thương mại của các tổ chức này thì còn khá hạn chế”- ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng cho rằng, GI không chỉ giúp đem lại hiệu quả cho thương mại mà còn có thể giải quyết nhu cầu về an toàn thực phẩm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Ông Nam cho biết thêm, hiện đã có 35 sản phẩm được đăng ký GI tại Việt Nam, ngoài ra còn có khoảng 1.000 sản phẩm có khả năng đăng ký GI.
Thuận Hải (Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem