Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021: Mong bình ổn giá giúp nông dân thoát cảnh “1 cổ 3 tròng”

Đức Thịnh - Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 29/11/2021 07:32 AM (GMT+7)
Chia sẻ niềm vui khi được khi được tham gia Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021, nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc mong muốn Nhà nước, các ngành chức năng có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp để bà con yên tâm sản xuất.
Bình luận 0

Phấn khởi, tự hào khi được tôn vinh

Chia sẻ với PV Báo NTNN về việc mình là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, ông Sơn By - Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, ông rất vinh dự và tự hào khi được bình chọn danh hiệu này.

Nói về những tác động của dịch Covid-19 đối với tình hình sản xuất, đời sống của người dân trong ấp, xã thời gian qua, ông Sơn By cho biết: "Bà con vẫn duy trì tốt sản xuất nhưng trong dịch bệnh việc tiêu thụ nông sản của bà con rất bị động". Ông Sơn By cho biết thêm: "Nhà tôi trồng 5 công ổi ruột hồng, ổi Đài Loan, đu đủ. Tuy dịch Covid-19 tác động nhưng tôi vẫn bán điều, bà con gọi điện thoại đặt hàng tôi chở đến giao tận nhà nên không lo ế. Quan trọng là sản phẩm của mình phải đảm bảo chất lượng".

Tuy vậy, ông cũng như nhiều nông dân ở xã Hưng Hội đang băn khoăn, lo lắng vì hiện nay giá phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật đang lên quá cao.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021: Mong bình ổn giá giúp nông dân thoát cảnh “1 cổ 3 tròng” - Ảnh 1.

Dù dịch Covid-19 tác động nhưng ông Sơn By, dân tộc Khmer ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 vẫn bán hàng tấn ổi nhờ đặt hàng, giao dịch qua mạng xã hội. Ảnh: H.S

Từ ngày 1 - 2/12 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2021, trọng tâm là lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"; Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 với chủ đề: "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp"; hội thảo, tọa đàm "Ngày nông dân không dùng tiền mặt".

"Một bao phân đã tăng giá gấp 2 - 3 lần so với trước. Vì vậy, tham gia Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021 lần này, tôi muốn kiến nghị Chính phủ, ngành chức năng có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón vì hiện tại chi phí đầu tư cho vụ đông xuân đang cao quá, bà con lo không có lời" - ông Sơn By nói.

Theo ông Sơn By, bà con quê ông đặt kỳ vọng rất nhiều vào vụ lúa đông xuân nhưng giá lúa không lên được trong khi giá phân bón, giá giống, thuốc bảo vệ thực vật cứ rủ nhau tăng nên tâm trạng của bà con rất lo lắng. "Bà con không ai bỏ ruộng được nhưng nếu giá vật tư tăng cao quá như thế này thì khó có lời"- ông Sơn By nhấn mạnh.

Bình ổn giá giúp nông dân vượt dịch

Ông Đinh Ngọc Khương - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ Bình Dương cho biết: "Tôi cũng như nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc trong cả nước rất phấn khởi khi được tham gia các sự kiện, hoạt động của chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021... Tôi có nhiều điều muốn trình bày với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… tại diễn đàn quốc gia Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp. Đó là những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của gia đình tôi trong nuôi gà công nghệ cao".

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021: Mong bình ổn giá giúp nông dân thoát cảnh “1 cổ 3 tròng” - Ảnh 3.

Mô hình nuôi gà công nghệ cao của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Đinh Ngọc Khương. Hệ thống ấp trúng gà hiện đại được ông Khương nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Văn Dũng

Hiện, ông Khương có 2 trang trại nuôi gà công nghệ cao với tổng diện tích 75.000m2, đang nuôi 40.000 gà bố mẹ và 600.000 gà thương phẩm. Để nuôi gà công nghệ cao, ông Khương đã đầu tư số vốn đến 60 tỷ đồng. "Tuy nhiên, năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn đối với người chăn nuôi gà như chúng tôi khi mà gánh cảnh "1 cổ 3 tròng": Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá gà xuống thấp, khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19"- ông Khương nói.

Ông Khương cho biết thêm: "Giá cám hiện nay tăng lên đến 35%, khiến người chăn nuôi gà như chúng tôi rất khổ. Cùng thời điểm tháng 11/2020, trung giá cám chỉ khoảng 9.000 đồng/kg, thế nhưng bây giờ đã tăng lên 12.700 đồng/kg.

Hơn 4 tháng bị phong tỏa do dịch Covid-19, tôi chật vật tìm đầu ra, giá gà lông màu (gà Tam hoàng) xuống thấp tận đáy. Có thời điểm chỉ 10.000 đồng/kg gà lông màu thương phẩm. Từ tháng 4 đến tháng 9/2021, gia đình tôi phải bù lỗ 12 tỷ đồng để mua cám duy trì chăn nuôi đàn gà". Với ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, hiện nay gia đình Khương đang từng bước khôi phục sản xuất chăn nuôi trong trạng thái bình thường mới. "Bắt đầu từ đầu tháng 10/2021, trang trại nuôi gà công nghệ cao của tôi đã cắt được lỗ. Trong tháng 11 này, tôi đã bắt đầu có lãi, thu về được 400 triệu đồng"- ông Khương phấn khởi chia sẻ.

"Theo tôi Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách hàng bình ổn giá. Tôi đề nghị Bộ NNPTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận. Phải xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành thức ăn chăn nuôi cao, qua đó xem xét việc áp giá trần và xác định mức giá trần đối với giá thức ăn chăn nuôi" - ông Khương kiến nghị. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem