LTS: GS Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, thành phố Huế. Ông là nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Một trong những đóng góp to lớn của ông là chế tạo ra nước lọc Penicillin, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Năm 1967, ông cùng đồng nghiệp có chuyến công tác vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu điều chế loại vaccine miễn dịch sốt rét và chữa trị tại chỗ cho bộ đội. Nhưng chuyến vượt Trường Sơn đó cũng là hành trình cuối cùng của ông. Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh của Nhà giáo, Nhà khoa học, GS Đặng Văn Ngữ, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết về chuyến đi định mệnh này.
Dẹp tan giặc sốt rét ở miền Bắc
Việt Nam là nước nhiệt đới nên lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có sốt rét. Trước Cách mạng tháng 8/1945, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã chú trọng đến công tác điều tra cơ bản về sốt rét.
Khi còn học tập tại Nhật Bản (1943-1949), trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng năm 1949, ông đã đề cập đến vấn đề này: “…phong thổ nước ta là kiện tướng rất lợi hại, không khác gì vị tướng Tuyết đối với nước Nga. Vị tướng phong thổ đã dùng đạo binh “Sốt rét rừng” giúp ta đuổi bọn Pháp ra khỏi bờ cõi. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng vị tướng ấy là vị tướng rất hay trở mặt nếu ta không biết dùng nó”.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ tại trường Y - Dược và khoa Kí sinh trùng.
Sau khi về nước (năm 1949), ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công “nước lọc Penicillin” giúp điều trị vết thương cho quân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (và cả kháng chiến chống Mỹ sau này).
Năm 1957, Viện Sốt rét được thành lập. GS Đặng Văn Ngữ trở thành Viện trưởng đầu tiên và là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc, ông đã chỉ đạo tiến hành khảo sát, điều tra toàn diện bệnh sốt rét trên miền Bắc. Đồng thời các Ủy ban tiêu diệt sốt rét từ cấp trung ương đến địa phương được thành lập để thực hiện cuộc điều tra bệnh sốt rét lớn chưa từng có.
Bản đồ phân vùng sốt rét ở Việt Nam, 1958-1974 dựa theo 7 phân vùng sốt rét của GS Đặng Văn Ngữ (Trích báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương).
Tính đến năm 1960-1961 có trên 3.000 điểm điều tra với 646.277 người được khám lách, 435.370 người được thử máu, 319.087 nhà được điều tra muỗi… Nhiều đoàn cán bộ được cử đến các tỉnh vùng Tây Bắc, đến Thanh Hóa, Nghệ An,... để nghiên cứu sâu tình hình dịch bệnh, từ vấn đề lâm sàng, sinh thái học đến các vấn đề kinh tế xã hội, môi trường; phân vùng sốt rét và tổ chức tiêu diệt sốt rét.
Dựa trên kết quả cuộc điều tra trên, GS Đặng Văn Ngữ đã cùng đồng nghiệp khái quát những yếu tố gây bệnh, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch tiêu diệt sốt rét. Theo BS Nguyễn Tiến Bửu, nguyên Viện phó Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng đồng thời là thành viên Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét, đến năm 1964, tỷ lệ sốt rét ở các địa phương đã giảm trung bình 15-20 lần, có nơi tỷ lệ chỉ còn 0,01%. Trước đó có những vùng nông thôn, miền núi, có tới 90% dân số mắc bệnh.
Công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc đã có kết quả rất đáng mừng, nhưng GS Đặng Văn Ngữ vẫn chưa thể an tâm, khi ở nhiều vùng trên chiến trường miền Nam, rất nhiều người hy sinh không chỉ vì bom đạn mà còn vì bệnh sốt rét đang hoành hành dữ dội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (hàng thứ nhất, thứ 4 từ trái), GS Đặng Văn Ngữ (hàng thứ 2, thứ 3 từ trái) cùng các đồng nghiệp tại Tuyên Quang. Ảnh chụp năm 1955.
“Nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đưa tin, nếu giảm 5% tỉ lệ thương vong vì sốt rét, nhân dân miền Nam hoàn toàn có thể giành thắng lợi, GS Đặng Văn Ngữ quyết định đề đạt cấp trên xin vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu và chữa trị sốt rét” – Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu chia sẻ.
Nhiều lần Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch trao đổi cân nhắc về chuyến công tác này và gợi ý nên cử cán bộ trẻ có kinh nghiệm vào nghiên cứu tình hình trước. Nhưng sự cấp bách của nhiệm vụ cùng quyết tâm khó lay chuyển của Viện trưởng Viện Sốt rét, cuối cùng cấp trên chấp thuận nguyện vọng của ông.
Ý tưởng về vaccine phòng sốt rét 'sớm nhất thế giới'
Để chuẩn bị cho chuyến công tác đường trường, vừa chuẩn bị nội dung, phương tiện nghiên cứu, GS Đặng Văn Ngữ vừa rèn luyện sức khỏe. Ông tập bỏ thói quen đi giày da để đi dép cao su. Với nhiều người, có lẽ việc này chẳng có gì đáng nói nhưng với người lúc nào cũng mang giày da bất kể mùa nóng, mùa lạnh như ông thì cũng trở thành vấn đề. Mỗi tối, ông còn tập vác balo gạch đi quanh nhà, dần dần đi quãng đường xa hơn...
Khoảng cuối năm 1966, GS Đặng Văn Ngữ cùng 12 cán bộ của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng được bí mật đưa lên Lương Sơn (Hòa Bình) huấn luyện và rèn luyện sức khỏe. Ở tuổi 56, lại là lãnh đạo một Viện nghiên cứu, nhưng ông từ chối sự ưu tiên trong việc mang vác đồ và luôn nghiêm túc, gương mẫu trong luyện tập. Tết Nguyên đán năm 1967, tranh thủ thời gian ngừng bắn, cả đoàn bắt đầu di chuyển bằng ô tô vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) rồi đi bộ vào Trị Thiên - Huế.
Trước chuyến đi B, GS Đặng Văn Ngữ đã kịp lên thăm mộ vợ ở Việt Bắc. Chuyến đi này, ông mong có thể về thăm quê hương Thừa Thiên - Huế, thăm mẹ già và những người ruột thịt sau bao năm xa cách. Chuẩn bị lên đường, ông không quên viết thư báo tin cho các con đang học tập ở xa.
Trong thư gửi con gái Đặng Nguyệt Quý (1/2/1967, khi đó đang học ở Liên Xô), ông viết: “Ba rất phấn khởi vì công việc rất cần thiết và cấp bách. Sau khi con đi, Ba vào Vĩnh Linh nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét, Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn. Triển vọng rất nhiều nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Ba sẽ cố gắng”. Đã có lần, ông tâm sự với con, rằng khi nào tiêu diệt hết sốt rét ở cả hai miền Bắc - Nam, ông có chết cũng không ân hận.
Nhớ về người thầy đáng kính, học trò của ông - GS Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý bệnh, trường Đại học Y Hà Nội, kể rằng: GS Đặng Văn Ngữ đã ấp ủ và nghiên cứu một loại vaccine từ thoa trùng muỗi (là một thế hệ mới của ký sinh trùng sốt rét) để phòng sốt rét, muốn ứng dụng ngay tại chiến trường. Đó chính là “ý tưởng sớm nhất thế giới”. Có lẽ vì thế dù vào vùng bom đạn nguy hiểm nhưng đoàn đi B không nghĩ đến cái chết mà tràn đầy phấn khởi với niềm tin nghiên cứu thành công thuốc vaccine phòng, chống sốt rét.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu chia sẻ, có một lần, bom đạn bay sượt đầu ông và GS Đặng Văn Ngữ. May mắn hai người thoát nạn, GS Ngữ vội ôm chặt đồng nghiệp Tiến Bửu: “May quá, mày chết thì khổ tao!”.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ (Ở giữa) với Bác Hồ nhân dịp Bác thăm trường Y - Dược và khoa Kí sinh trùng.
Dù thiếu thốn, bom đạn nguy hiểm, nhưng ông vẫn yêu cầu các thành viên phải dựng nhà, làm phòng thí nghiệm sao cho khang trang, ngăn nắp để thuận tiện cho việc nghiên cứu. Các bác sĩ, kỹ thuật viên, y tá, không ai biết cách làm nhà nhưng cuối cùng vẫn làm được.
Ngày cuối cùng của tháng 3/1967, đoàn công tác hết gạo ăn, 10 người được cử đến một Trung đoàn cách đó nửa ngày đi bộ để gánh gạo, chỉ còn lại GS Đặng Văn Ngữ và 2 nữ kỹ thuật viên. Sáng hôm ấy, trong bữa cơm với các đồng nghiệp anh em, ông chia cho mọi người phần thức ăn của mình và đưa mỗi cán bộ nam một điếu thuốc lá quân lực. Ông vẫn luôn quan tâm đến mọi người như thế.
Đoàn 10 người ngủ lại một đêm tại Trung đoàn. Sáng sớm ngày 1/4, trên đường trở về, họ còn bắt cá rồi đem nướng để phần dành ngon nhất mang về cho GS Đặng Văn Ngữ.
Nhưng đau xót thay, có ai ngờ, trận bom B52 ngày hôm ấy đã cướp mất ông và hai nữ kỹ thuật viên cùng một chiến sĩ liên lạc. Ông hy sinh tại cánh rừng ở quê nhà, bỏ lại bao dự định công việc còn dang dở, và không kịp về thăm mẹ như đã thầm hứa trước mộ vợ.
Trong hoàn cảnh chiến trường, cũng như bao chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, GS Đặng Văn Ngữ nằm lặng lẽ tại Trường Sơn suốt hai mươi năm cho đến khi được một tiều phu phát hiện và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ vô danh xã Phong Mỹ (Huế).
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - con trai GS Đặng Văn Ngữ được biết, sở dĩ cha ông và những người hy sinh không được lập bia mộ là để tránh quân địch phát hiện hoạt động nghiên cứu của ta khi ấy. Đến năm 2000, gia đình mới tìm được và đưa ông về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình. Trong một bài viết của mình, NSND Đặng Nhật Minh đã chia sẻ: “Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đât nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường sơn trong một trận bom B-52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã rời cõi thế trong chuyến đi định mệnh năm 1967, nhưng sự hy sinh của ông không là dấu chấm hết. Noi gương ông, các thế hệ đồng nghiệp, học trò đã tiếp nối công trình dang dở ông để lại và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực Y tế dự phòng.
Đến nay nhiều vaccine được nghiên cứu và sản xuất trong nước với chất lượng cao, giá thành thấp, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường thể lực cho thế hệ tương lai. Ông còn để lại hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học giá trị, có uy tín trong nước và quốc tế. Và đặc biệt, di sản lớn mà ông để lại chính là tấm gương về đạo đức sống và hết mình với đam mê khoa học...
“Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca
Trên Trường Sơn mây trắng
Máu thắm đường ta đi, lẫn mồ hơi rơi, lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.