Như Đường dây nóng của Dân Việt đã thông tin, tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo quyết liệt xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông, công trình thủy lợi, … theo Chỉ thị số 02 và kế hoạch 93A.
Những vi phạm trên đã tồn tại trong một thời gian dài, ở nhiều địa phương khác nhau của Hưng Yên. Tại huyện Phù Cừ, có trên 1.100 hộ vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, xã Quang Hưng được coi là địa bàn phức tạp nhất.
Tại đây, một số hộ dân đã đưa gà, lợn lên nhà ở để biến thành chuồng trại chăn nuôi, mong sẽ không bị phá dỡ. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Phù Cừ khẳng định việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là sai và sẽ tiến hành xử lý theo từng giai đoạn.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) sẽ cung cấp thêm thông tin với bạn đọc về sự việc dưới góc nhìn pháp lý.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng Luật sư Interla. IT
Thưa luật sư, việc người dân đưa lợn gà lên nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có thể coi là hình thức chuyển đổi công năng công trình hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật nhà ở 2014 thì nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, công năng của nhà là nơi ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Chuyển đổi công năng công trình xây dựng có thể được hiểu là chuyển mục đích sử dụng công trình xây dựng sang phục vụ mục đích sử dụng khác và khi chuyển đổi có thể thay đổi kết cấu, chức năng của công trình. Vì vậy, việc người dân đưa lợn, gà lên nhà có thể coi là hình thức chuyển đổi công năng của nhà ở bởi mục đích sử dụng nhà ở đã được chuyển từ mục đích để ở, phục vụ nhu cầu sinh hoạt sang sử dụng vào mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, mục đích sử dụng phải phân định rõ là nơi sinh hoạt của hộ gia đình hay chuồng trại chăn nuôi, không thể lấy bình phong làm chuồng trại chăn nuôi rồi sau này lại sử dụng làm nhà ở lâu dài. Bởi xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp rõ ràng đã vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
UBND huyện Phù Cừ cho rằng, một số hộ dân đã có hình thức "đối phó" khi đưa lợn, gà lên nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh Đình Việt
Chính quyền cấp cơ sở có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tràn lan, thưa luật sư?
Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất sử dụng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép được xác định là đất nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện hành thì việc chuyển đổi công trình nhưng chưa đăng ký không bắt buộc phải phá dỡ. Như vậy, việc các hộ chuyển từ công trình làm nhà ở sang làm chuồng trại chăn nuôi (để tránh việc phải phá dỡ) là được phép và có thể hiểu được.
Qua việc để người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang xây dựng nhà ở và nay lại chuyển sang chăn nuôi trên diện tích nhà đã xây dựng, tránh việc phải phá dỡ cho thấy rằng UBND xã, Chủ tịch UBND xã chưa sát sao trong việc quản lý đất đai tại địa phương, không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Đối với việc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ trong quản lý, dẫn tới tình trạng trên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở đã vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn với hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc.
Việc người dân chỉ được xây dựng nhà tạm với diện tích giới hạn 10m2 – 20m2 trong dự án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang vườn - ao - chuồng liệu còn phù hợp với quy mô sản xuất hiện nay?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Quy định ban hành kèm Quyết định số 46/2005/QĐ-UBND ngày 15.6.2005 của UBND tỉnh Hưng Yên về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại thì: “Các chủ trang trại được làm nhà tạm trên diện tích sử dụng của trang trại để chứa sản phẩm, dụng cụ, vật tư sản xuất và bảo vệ, diện tích xây dựng nhà tạm không quá 36m2 xây dựng”.
Như vậy, diện tích nhà tạm được xây dựng trong khu trang trại là không quá 36m2 xây dựng chứ không phải 10m2 như các cấp chính quyền địa phương tại Hưng Yên đang yêu cầu người sử dụng đất phải thực hiện. Theo các quy định pháp luật hiện hành thì Chính phủ và các Bộ đều không có quy định về việc xây dựng nhà tạm trong khu trang trại và giới hạn diện tích nhà tạm.
Theo thông tin phản ánh thì diện tích các hộ được chuyển đổi sang mô hình trang trại rơi vào khoảng từ 1.000m2 đến 9.000m2. Với quy mô sản xuất kinh tế như vậy đòi hỏi người dân phải thường xuyên có mặt tại khu vực sản xuất để quản lý, bảo vệ, trông coi, chăm sóc khu vực sản xuất, nuôi trồng của người dân.
Ngoài ra, với số lượng nhân khẩu của mỗi hộ ở khu vực nông thôn thường từ 3-5 nhân khẩu, nếu chỉ giới hạn diện tích không quá 36m2 xây dựng cũng rất khó để đảm bảo điều kiện sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, tôi cho rằng, để vừa đảm bảo sản xuất, chăn nuôi, cũng như sinh hoạt của người dân, cơ quan chức năng cần quyết định diện tích nhà ở được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế để người dân yên tâm và ổn định sản xuất.
Vậy có cần đề xuất chỉnh sửa quy định về điều kiện công nhận trang trại trong đó có quy định về diện tích nhà tạm, nhà kho không, thưa ông?
Do tình trạng chuyển đổi đã xảy ra với phạm vi tương đối rộng nên theo quan điểm của tôi, trước hết các cơ quan chức năng không nên quá cứng nhắc trong việc phá dỡ công trình mà cần tìm kiếm, đưa ra giải pháp tháo gỡ tình trạng trên để đảm bảo vẫn ổn định được việc chăn nuôi, nuôi trồng để các hộ gia đình có thể yên tâm tiếp tục sản xuất lao động.
Về việc sửa đổi các chính sách pháp luật: Hiện trong luật và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có quy định cụ thể về việc cho phép xây dựng một số công trình trong khu kinh tế trang trại. Tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng mới chỉ quy định về Tiêu chí xác định kinh tế trang trại bao gồm điều kiện diện tích khu trang trại và giá trị sản lượng hàng hóa.
Việc cho phép xây dựng nhà tạm và ghi nhận giới hạn diện tích nhà tạm phù hợp trong khu kinh tế trang trại là điều cần thiết để tạo hành lang pháp lý và khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Clip về những ngôi nhà kiên cố xây dựng trên đất nông nghiệp được người dân chuyển sang nhốt gà, lợn ở Hưng Yên:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.