Thời điểm này, dù Bộ GDĐT chưa công bố con số tổng quát, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của các địa phương tiếp tục ở con số "đẹp" từ 90 - 100%. Ông nghĩ gì về con số này?
- Năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước là 91,58%, năm nay có thể bằng hoặc hơn thế cũng không có gì ngạc nhiên cả. Tuy nhiên, cứ nhìn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, nhiều người lại nói rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp đi. Họ cho rằng, đỗ cao như vậy thì thi làm gì? Theo quan điểm của tôi thì vẫn phải duy trì việc thi tốt nghiệp. Bởi, nó là mốc đánh dấu 12 năm học phổ thông. Có học phải có thi, các nước trên thế giới đều làm vậy.
Điều quan trọng là thi như thế nào? Hiện, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của chúng ta cao là do đề thi quá dễ, thêm vào đó là việc xét tuyển học bạ 2 kỳ lớp 12 chiếm 50% là chưa hợp lý. Muốn xét học bạ thì cần phải xét 3 năm cấp 3, điểm của 6 kỳ học, xét như vậy mới giúp học sinh có động lực phấn đấu chứ không phải tìm cách làm đẹp học bạ lớp 12.
Đề thi phải ra như thế nào để tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức độ vừa phải khoảng 75 - 80% là đẹp. Phải có sự phân loại trình độ phổ thông. Em nào đáng phải thi lại thì cho ôn tập thi lại, chứ cứ đỗ 100% thì cần gì phải cố gắng học nữa? Tỷ lệ đỗ cao chứng tỏ người quản lý không đánh giá được tình hình được học sinh, không cân nhắc hoặc có động cơ vì thành tích.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT (năm 2016). ảnh: T.A
Vậy theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên làm như thế nào để đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh?
"Tôi nghe nói, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến các trường, sở để thực hiện đổi mới tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và quyển tổ chức thi tốt nghiệp cho các sở. Nếu làm được điều đó thực sự rất cần thiết và đáng hoan nghênh".
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ
|
- Như tôi đã nói, hiện Bộ GD ĐT đang quá "ôm" việc vào người và tự mâu thuẫn với cách làm của mình. Mấy năm nay, Bộ đứng ra tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đánh giá tốt nghiệp THPT của học sinh dựa trên có 4 môn thi khiến học sinh dễ bị học lệch, trong khi đó việc phân thành hai loại hình cụm thi phức tạp, đưa cán bộ các trường xuống địa phương coi và chấm thi để đảm bảo chất lượng kỳ thi, không tiêu cực.
Tuy nhiên, sau tất cả, theo tôi, Bộ lại phải ngồi lại với nhau đưa ra một mức gọi là "điểm sàn" để tiếp tục "sàng" một lần nữa chất lượng đầu vào các trường ĐH-CĐ. Cái "điểm sàn" này đồng nghĩa với việc Bộ phủ nhận kết quả của kỳ thi THPT quốc gia thông qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.
Theo Luật Giáo dục ĐH đã được áp dụng, học sinh tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào ĐH-CĐ rồi. Bộ đưa ra "điểm sàn" chứng tỏ Bộ chưa tin tưởng vào chất lượng đỗ tốt nghiệp. Như thế có phải là mâu thuẫn? Cái "sàng" mà Bộ nói là để phân luồng học sinh đi vào ĐH và học nghề, trung cấp nghề phải thực hiện từ cấp THCS chứ không phải đến hết cấp 3 mới "sàng". Chính vì vậy, Bộ GDĐT cần nhanh chóng thực hiện việc phân luồng từ cấp THCS, làm thế nào để số lượng học sinh xét tuyển vào ĐH chỉ ở mức 30 - 40% là được.
Vậy theo ông, làm sao để giải quyết mâu thuẫn này?
- Tôi cùng với Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam đã nhiều lần đưa kiến nghị với Bộ GD ĐT về việc cần giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia lại cho các tỉnh, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh/thành phố nếu để xảy ra tiêu cực trên địa bàn do mình phụ trách. Đồng thời phải đề cao vai trò giám sát xã hội. Theo tôi, việc thi 3 chung (chung đề, chung đợt và ngày thi, chung kết quả) nên dừng lại và từ năm 2017 nên tìm hướng đi mới bởi cứ duy trì thi như thế này, rồi đề là ngưỡng chất lượng ĐH- CĐ, chúng ta sẽ không thể thực hiện nghiêm được Luật Giáo dục ĐH.
Về vấn đề tuyển sinh ĐH- CĐ, Bộ GDĐT cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong việc tuyển sinh (như quy định tại điều 34 Luật Giáo dục ĐH). Theo đó, trên cơ sở đặc thù, các trường có thể tự xác định cách thức tuyển sinh như: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức thi. Thời gian tuyển sinh có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa tránh gây căng thẳng cho xã hội.
Ngoài ra, Bộ cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị.
Bắt đầu từ hôm nay 1.8, thí sinh cả nước sẽ bước vào "cuộc đua" xét tuyển vào ĐH- CĐ. Năm trước đã có rất nhiều rối loạn tuyển sinh diễn ra như "nghẽn mạng, sàn chứng khoán tuyển sinh, đi bằng xe cấp cứu nộp hồ sơ...". Vậy, năm nay, ông có lo ngại tình trạng đó tái diễn không?
- Năm nay, Bộ GDĐT đã rút được nhiều kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh trước và có được những giải pháp về kỹ thuật để xử lý. Tôi tin sẽ không có tình trạng rối loạn tuyển sinh. Tuy nhiên, 1 điều lo ngại là tỷ lệ thí sinh "ảo" sẽ lớn hơn so với năm trước do các quy định: 1 thí sinh được xét tuyển 2 nguyện vọng tại 4 ngành của 2 trường và không được rút ra nộp vào nữa. Các trường phải chấp nhận ảo 50%. Để hạn chế rủi ro, rất có thể các trường sẽ "vượt rào" tuyển sinh quá chỉ tiêu cho phép để loại trừ "ảo" các trường vẫn có đủ thí sinh. Bộ GDĐT cần có biện pháp "siết" chặt để tránh tình trạng này diễn ra giúp các trường trung bình và top dưới không bị cạn nguồn tuyển.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.