Chuyên gia nói về một số ngành có thể biến mất, cảnh báo khái niệm "ngành hot thì lương cao"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 24/03/2023 15:12 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, về căn bản, những nghề sơ khai mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này robot sẽ làm hết và ngược lại sẽ có ngành ăn theo sự phát triển của kinh tế, xã hội. Đó là ngành nào?
Bình luận 0

Ngành học nào sẽ "biến mất" trong tương lai?

Chọn học nghề hay chọn đại học, có nên theo các ngành hot hay ngành nào sẽ "biến mất" trong tương lai... Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra cho các em học sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt xoay quanh các vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho hay: "Rất nhiều em học sinh băn khoăn về việc học nghề hay học đại học. Trước hết, các em phải phân biệt được bản chất học nghề là họ đi làm một việc cụ thể, như đi sửa xe máy, sửa ti vi. Còn học đại học khác là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn. Các em hãy tự đánh giá năng lực bản thân, sở thích, kinh tế gia đình... để có lựa chọn thích hợp".

Chuyên gia dự báo: Những ngành học sẽ biến mất, những ngành "hot" lương cao - Ảnh 1.

Theo ông Ngô Minh Tuấn, những nghề sơ khai mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người sẽ biến mất trong tương lai. Ảnh: NVCC

Ông Ngô Minh Tuấn: "Theo góc nhìn cá nhân, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp sử dụng nhân lực nhiều, tôi thấy rất đông bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường không sử dụng được vì có những thói quen cũ, tức là toàn bộ tri thức là tri thức cũ.

Thứ hai, thái độ và tính chịu đựng vất vả của các bạn rất yếu. Thành ra gần như không sử dụng được, nếu sử dụng được thì phải đào tạo lại. Ai không làm được cho nghỉ thì liên quan đến Luật lao động lại phải đền bù. Doanh nghiệp sẽ bị kéo theo rất nhiều hệ lụy khi tuyển sinh viên không làm được việc".

Vậy, thí sinh có nên chạy theo ngành hot không? Ông Tuấn đưa ra lời khuyên: "Thường chúng ta không có dự báo sâu mà chỉ nhìn xung quanh thấy người nọ, người kia kiếm được tiền là lao vào ngành đó học và coi đó là ngành hot. Tuy nhiên điều đó không phải. Ví dụ như bất động sản năm ngoái, ai lao vào sale bất động sản vì kiếm tiền rất tốt, nhưng năm nay thì chững lại.

Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot cả. Tôi không khuyến khích chạy theo nghề hot, vì không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài. Chỉ có người hot – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận. Các em chỉ cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân. Từ đó, nhìn sâu vào bản thể của mình, nghiên cứu nghề nào bản thể của mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó thì mình trở thành trạng nguyên của lĩnh vực đó".

Trước tình trạng hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng vì thông tin một số ngành nghề sẽ biến mất trong tương lai, ông Tuấn cho biết: "Về căn bản, những nghề sơ khai mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này robot sẽ làm hết. Ví dụ như lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu… thậm chí kế toán. Hệ thống máy móc, phần mềm làm hết, con người chỉ nhập số liệu vào. 

Vấn đề là chúng ta nhìn nhận sau bao nhiêu năm nữa thôi, chỉ khoảng sau 30 năm những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những ngành tư duy của kiến tạo. Nếu các em học nghề thì nên học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại được. Còn nếu chỉ học những nghề mang tính lặp đi lặp lại thì có nguy cơ biến mất trong tương lai gần".

Có nên chạy theo ngành hot?

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nặng nề. Qua quá trình tư vấn tuyển sinh, có thể thấy hầu như phụ huynh nào cũng muốn con tốt nghiệp THPT rồi đỗ vào một trường đại học nào đó. Thời điểm này, ngoại trừ những trường top đầu, rất nhiều trường đại học top dưới đang mở cửa, nới lỏng mọi điều kiện để tuyển sinh, thí sinh dễ dàng vào đại học. Như thông tin từ Bộ GDĐT, tính trung bình các trường đại học cũng chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu. Như vậy chỉ cần tốt nghiệp THPT, cơ hội vào một trường đại học bất kỳ của các em là hoàn toàn có thể, không hề khó khăn.

Chuyên gia dự báo: Những ngành học sẽ biến mất, những ngành "hot" lương cao - Ảnh 3.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, lựa chọn ngành học như thế nào phù hợp? Theo TS Ngọc: "Có nhiều em có đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh rằng em muốn chọn ngành "hot" nhưng lại sợ không đủ năng lực. Nếu chọn những ngành khác lại sợ mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia.

Thực tế rằng một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi, không có ngành gì là "hot" hẳn. Nếu như ngành du lịch phát triển, thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn phát triển… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển, yêu cầu cần có các linh kiện ô tô, dây điện, ốc vít… để thành phẩm và đưa ra thị trường thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ… Rõ ràng một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển. Hiện nay các em mới chỉ đang hiểu đơn thuần, ngành nào có lương cao là ngành "hot".

Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc CMCN 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần và biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào "hot" hay không "hot". Các em nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông.

Đồng quan điểm, Ths Phạm Văn Minh, Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: "Khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần căn cứ vào 4 yếu tố. Trong đó, đầu tiên các em cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, chỉ khi yêu thích các em mới có động lực, hứng thú, dành trọn thời gian, công sức để làm. Với những công việc không yêu thích sẽ dễ rơi vào trạng thái làm đối phó, làm cho xong.

Chuyên gia dự báo: Những ngành học sẽ biến mất, những ngành "hot" lương cao - Ảnh 4.

Ths Phạm Văn Minh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NVCC

Chọn ngành mình thích nhưng ngành đó các em phải giỏi, giỏi hơn so với người khác và giỏi so với chính bản thân mình. Có những công việc các em thích nhưng chưa chắc giỏi cũng không nên lựa chọn. Thứ 3, đó phải là ngành xã hội cần. Cho dù đó là ngành nghề các em rất thích, rất đam mê, nhưng xã hội không có nhu cầu, cũng không thể lựa chọn.

Thứ 4, ngoài yếu tố yêu thích, giỏi, xã hội cần, thì xã hội còn cần sẵn sàng trả tiền cho các em nếu theo đuổi ngành nghề đó. Một học sinh lựa chọn ngành nghề để theo đuổi trong tương lai ít nhất cần tổng hợp cả 4 yếu tố này, nếu làm được như vậy chắc chắn các em sẽ gắn bó và phát triển với nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem