Cô gái da cam “vẽ thơ” từ ngón tay cong

Thứ ba, ngày 01/04/2014 10:27 AM (GMT+7)
Chất độc màu da cam đã cướp đi của chị một thân hình lành lặn. Dù vậy, Đinh Thị Hoàng Loan (SN 1978, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn sống lạc quan và từng ngày khổ luyện “vẽ thơ” bằng những ngón tay cong cong vẹo vọ.
Bình luận 0
Nỗi đau da cam

Tôi gặp Đinh Thị Hoàng Loan lần đầu tiên trong một đêm thơ của người khuyết tật tại TP.HCM. Chị phát âm khó nên người lạ hầu như không thể hiểu những gì Loan muốn biểu đạt mà phải nhờ đến “phiên dịch” là bà Hà Thị Xuân (SN 1956, mẹ Loan). Mỗi lần nhìn con gái gồng người lên nói chuyện, mồ hôi rịn đầy trán và cái đầu lắc lư liên tục, bà Xuân lại quay đi lấy tay lau vội nước mắt. Mấy chục năm rồi kể từ ngày bà sinh Loan nhưng nỗi đau của người mẹ vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Hoàng Loan gồng người viết chữ.
Hoàng Loan gồng người viết chữ.
Cha Loan - ông Đinh Phương (SN 1948) - là một thiếu tá quân đội về hưu. Những năm 1967, 1968, chưa đầy 20 tuổi, chàng trai Đinh Phương đã lên đường nhập ngũ. Ông chiến đấu ở Trung đoàn Đồng Nai 1 rồi chuyển về Chiến khu D.

Những đợt hành quân kéo dài xuyên qua các vùng rừng núi hiểm trở, ông cùng đồng đội đã bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) do địch rải trực tiếp vào trận địa. Trở về từ chiến trường, trên người ông chi chít vết thương. Dù vậy, ông hay bảo, chúng chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau mất mát mà những đứa trẻ vừa chào đời đã phải chịu vì bị nhiễm chất độc da cam từ cha như con ông - Đinh Thị Hoàng Loan.

Loan chào đời, thân hình dị dạng đến mức ai cũng e ngại cho tương lai chị. Hai tay Loan cong vẹo, đôi chân co quắp, cứng đơ và khuôn miệng méo xệch. Hai mươi năm đầu đời chị sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mọi việc đối với Loan đều hết sức khó khăn kể cả ăn uống, vệ sinh cá nhân, bởi lẽ, chị không cầm, nắm, cũng chẳng ngồi dậy được. Thương Loan, cả cha mẹ, các em cùng hai bên nội ngoại đều dành sự quan tâm đặc biệt nhất cho chị. Bà Xuân kể: “Hồi xưa, Loan lúc nào cũng nằm gọn trong tay bà, tay mẹ. Con bé yếu lắm nên cả nhà luôn chuẩn bị sẵn tinh thần đưa Loan đi bệnh viện bất kể là ngày hay đêm”.

Người thầy đầu tiên

Loan 5 tuổi, cô em gái Định Thị Kim Phụng (SN 1980) vừa lên 3. Như hầu hết những đứa trẻ cùng lứa, Phụng được cha mẹ tập nói. Thấy em gái bi bô, Loan cũng học theo. Càng cố lấy hơi phát ra chữ, người Loan càng rịn đầy mồ côi và khóe miệng thêm mỏi mệt. Nhưng Loan không nản. Trẻ bình thường tập vài ngày vài tuần thì Loan tập vài tháng, riết rồi chị cũng gọi được thành tiếng hai chữ “Mẹ ơi!”.

Khi Phụng vào lớp 1, thấy em gái tung tăng đến trường, Loan cũng đòi mẹ cho đi. Nghe con nói, bà Xuân chỉ biết lặng thinh. Sau này, trong nhật ký của mình, Loan viết: “Mẹ ôm tôi vào lòng và nói con không đi học được đâu. Tôi hỏi mẹ tại sao? Mẹ chỉ im lặng không trả lời. Tôi thèm được học đến nỗi tưởng tượng ra mình đi học sẽ như thế nào. Khi em gái để sách ở nhà, tôi thường lấy sách của em ra xem những hình vẽ trong sách. Tôi nhớ, sách in hình trang đầu là một con gà trống vươn cao cổ, phía trên có ông mặt trời, phía dưới là những chữ cái. Tôi ước có thể đọc được những chữ đó…”.
Đinh Thị Hoàng Loan (ngồi xe lăn) và mẹ (bìa trái) trong buổi ra mắt tập thơ đầu tay Cảm ơn cuộc đời của chị
Đinh Thị Hoàng Loan (ngồi xe lăn) và mẹ (bìa trái) trong buổi ra mắt tập thơ đầu tay Cảm ơn cuộc đời của chị
Phụng là đứa trẻ thông minh, hiếu động. Hầu như ngày nào đi học về cô bé cũng rủ bạn đến nhà chơi ô ăn quan, nhảy dây, cướp cờ… Tất nhiên, trong số đó không có môn nào dành cho Loan. Rồi một ngày nọ, chẳng biết nghĩ thế nào mà cô bé Kim Phụng lại bày trò chơi “dạy học”. Đứng trên bảng làm cô giáo, Phụng đánh vần từng chữ cái bắt học trò đọc đi đọc lại mãi đến khi nào thuộc lòng mới thôi. Loan nằm trong góc khuất, chăm chú dõi theo em. Không ngồi cũng không viết được, chị ghi nhớ trong đầu từng chữ cái.

Đêm đó, chờ lúc Phụng ngủ, Loan lén lấy sách của em ra tập đọc lại. Hôm sau, Phụng dạy ghép vần, Loan lại càng chăm chú hơn. Đến khi phát hiện ra chị gái đang âm thầm tham gia trò chơi của mình, Phụng kè kè theo hướng dẫn chị. Cứ thế, Phụng trở thành người thầy đầu tiên của Loan. Mãi đến một tháng sau, Loan mới dần đọc được. Từ đó, thế giới của Loan không chỉ khép kín bên ô cửa sổ và mảnh vườn con con sau nhà nữa.

Biết đọc, Loan lại muốn viết chữ. Chị dùng bàn tay trái tương đối cử động được để cầm bút. Nói nghe dễ chứ kỳ thực để cây bút nằm gọn trong tay, Loan phải gồng người lên từng chập một. Chữ Loan viết nguệch ngoạc như nét vẽ trẻ con. Dù vậy, mỗi chữ là hàng chục, thậm chí hàng trăm giọt mồ hôi đẫm ướt gương mặt chị. Viết được, cuộc sống của Loan trở nên nhiều màu sắc hơn. Đến luống rau mẹ trồng, bầy chim sẻ ngoài hiên cũng làm chị hân hoan.

Vì không ngồi được nên chị viết rất khó. Vậy là, cô gái kiên cường Định Thị Hoàng Loan lại quyết định “Mình phải tập ngồi cho bằng được”. Không thể gượng ngồi lên từ đằng trước, chị lật úp người lại, co hai đầu gối rồi chống hai tay xuống đất để đẩy mình ngồi dậy theo tư thế co gấp chân phía sau. Mới đầu Loan đã ngã rất nhiều, hai đầu gối đỏ ửng, rướm máu. Càng đau, Loan càng quyết không bỏ cuộc.

Suốt mấy tháng liền, cứ đợi mọi người không có ở nhà là Loan tập ngồi. Sự cố gắng không mệt mỏi đó của chị cuối cùng cũng được đền đáp. Khi đã ngồi lên được tương đối vững, Loan quyết định khoe với mẹ. Loan kể: “Hôm đó, mẹ tôi được nghỉ, hai mẹ con xem tivi. Nằm trên chiếu phía sau lưng mẹ, tôi lặng lẻ úp mình lại, co chân, tì đầu gối, chống hai tay nâng người ngồi dậy rồi đưa tay kéo áo mẹ.

Tôi nói, mẹ ơi, xem con này. Mẹ quay lại nhìn thấy tôi ngồi lên được thì la lớn gọi ông bà ngoại và bố tôi: “Trời ơi, con bé Loan nó ngồi được rồi này”. Nói rồi, mẹ ôm tôi vào lòng. Lúc đó, tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ khen tôi giỏi quá”.

Vươn tay đến những vì sao

Bà Xuân kể: “Mãi đến năm 20 tuổi Loan mới ngồi xe lăn được như bây giờ. Loan thích nghe tôi và bà ngoại kể chuyện cổ tích, đọc thơ. Con bé cũng chăm xem ti vi, hầu như cảnh núi rừng, biển cả nào nó cũng chú ý đến từng chi tiết. Tôi không ngờ, nhờ đó mà con tôi bắt đầu làm thơ”. Không phải riêng bà Xuân mà ai cũng bất ngờ khi hay tin một cô gái chưa từng đến trường, đi lại trên xe lăn, thỉnh thoảng ăn cơm vẫn cần người giúp mà làm thơ không hề mắc phải lỗi vụng về, ngô nghê câu chữ như Loan.

Loan tâm sự: “Phần lớn thời gian sống của tôi chỉ quẩn quanh trong nhà. Thế giới của tôi là những trang sách. Ở đó, tôi tha hồ mường tượng và mơ mộng về những chân trời đẹp, cảnh vật lạ. Có lẽ, tôi biết làm thơ cũng bởi tâm hồn được ươm mầm từ những yêu thương hồn nhiên, vô tư trong lời thơ, câu hát mà mẹ và bà ngoại truyền đạt. Thơ nói được những khát vọng câm lặng của tôi”.

“Bàn chân của tôi” là bài thơ đầu đời Loan viết vào năm 2007. Trong đó có những câu: “Bàn chân cong cong ngón chân bé nhỏ/ Mắt mẹ buồn theo năm tháng thời gian/ Những vết nhăn hằn sâu trên trán bố/ Miệng thì cười mà nước mắt ngược vào tim”. Khi các cô, chú bên Hội nạn nhân chất độc da cam - dioxin tỉnh Đồng Nai tới thăm, Loan nhờ mẹ đọc giúp bài thơ này cho mọi người nghe.

Thơ Loan khiến ai nấy đều rơi nước mắt vì cảm động. Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam-dioxin tỉnh Đồng Nai - khi đó đã quan tâm đến tài thơ của Loan. Đồng thời, bà còn tìm giúp người thầy dạy Loan đánh máy, sử dụng internet. Chị hiện là thành viên của diễn đàn Trái tim hồng, một diễn đàn thu hút hơn 1.000 thành viên là người khuyết tật trên cả nước tham gia.

Tháng 11.2009, ông Len Aldis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh- Việt đến tận nhà thăm và động viên Loan. Với chị, đó thật sự là một vinh hạnh. Trong niềm hạnh phúc khôn tả, Loan viết mấy câu thơ đề tặng ông Len Aldis: “Đôi chân bước không ngại gì gian khó/ Một trái tim tình hữu nghị sáng ngời/… Một trái tim kết nối những trái tim”.

Năm 2011, nhờ sự giúp đỡ của cô Hạnh, thầy Hoạt (thầy dạy Loan học vi tính), thầy Ngô Quang Minh (Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề Bách Khoa) và nhiều nhà hảo tâm khác, Loan ra mắt tập thơ đầu tay Cảm ơn cuộc đời. Hồi tháng 4 này, Loan cũng góp mặt trong tập thơ Trái tim hồng (gồm 97 bài, trong đó Loan có 10 bài thơ) của các tác giả là người khuyết tật.

Toàn bộ tiền bán tập thơ Trái tim hồng sẽ được dùng làm quỹ hỗ trợ những người kém may mắn trong diễn đàn Trái tim hồng. Ngoài hai tập thơ trên, vào ngày 7/9 vừa qua, Loan tiếp tục gây bất ngờ khi cho ra mắt tập thơ riêng thứ hai Xe lăn khát vọng của mình tại Hội quán Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai).

Tập thơ gồm 90 bài do Loan viết và tự đánh máy bản thảo. Loan chia sẻ: “Tôi đọc được ở đâu đó rằng, cứ đưa tay lên bầu trời nếu muốn, vì nếu bạn không với tới bầu trời, ít nhất tay bạn cũng đã ngang các vì sao. Dần dần, thơ đưa tôi bay cao, bay xa và nhận ra tay mình đã với ngang các vì sao thật”.
Mộc Bình (Dòng Đời) (Mộc Bình (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem