Đơn nguyên 3 tập thể Bộ Tư pháp (bên phải) bị nghiêng và được đánh giá nguy hiểm cấp độ D.
Dân nghi ngờ đánh giá mức độ nguy hiểm
Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định về việc di dời các chủ sở hữu, sử dụng tại các đơn nguyên khu nhà tập thể cũ tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A (phường Thành Công); đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 (Tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị). Đây là các công trình được đánh giá là có mức độ nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất), có nguy cơ sập đổ.
TP.Hà Nội cũng giao UBND quận Ba Đình chủ trì xây dựng phương án di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho các chủ sở hữu.
Ngày 27.4, trao đổi với PV về quyết định trên của TP. Hà Nội, ông Lê Hoàng Trung - Tổ phó Tổ dân phố số 1 (phường Cống Vị), hiện ở khu tập thể Bộ Tư pháp cho biết, ông và nhiều người dân ở khu tập thể Bộ Tư pháp đều bất ngờ về quyết định của thành phố.
“Sáng nay tôi ngủ dậy, nhiều hộ dân hỏi tôi về quyết định di dời của thành phố. Nhiều người lo lắng bởi việc di dời chuyển tới nơi ở mới có thể khiến sinh hoạt của các hộ dân bị đảo lộn, từ công việc, đến học hành của con cái”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, đơn nguyên 1 và 3 của khu tập thể bị nghiêng và được đánh giá nguy hiểm ở cấp độ D. Tuy nhiên, về kết cấu bê tông và tường không có dấu hiệu nứt vỡ. Để dẫn chứng cho lời mình nói, ông Trung dẫn PV đi khảo sát một vòng khu tập thể Bộ Tư pháp và một số căn hộ.
Ông Trung cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận, đơn nguyên 1 và 3 khu tập thể Bộ Tư pháp đã nguy hiểm ở cấp độ D thì cần đưa ra các đánh giá hiện trạng chứng minh cho người dân thấy họ không thể tiếp tục sinh sống trong khu tập thể.
Ông Lê Hoàng Trung, Tổ phó Tổ dân phố số 1, phường Cống Vị cho rằng kết cấu của tập thể Bộ Tư pháp chưa gặp “vấn đề” dù bị nghiêng.
“Nói là đánh giá khu tập thể nguy hiểm ở mức độ D nhưng chưa ai công bố, nói rõ cơ quan nào đánh giá và đánh giá thế nào. Tôi đi họp ở phường cũng chỉ nghe nói khu nhà nguy hiểm loại này, loại kia. Tuy nhiên, đánh giá khách quan theo mắt thường thì chưa thấy vấn đề gì cả”, ông Trung bày tỏ.
Tương tự, ông Đỗ Chiến Dũng (ở tập thể G6A) - Tổ phó tổ dân phố số 32, phường Thành Công cho biết, nhiều hộ dân ở tập thể G6A chưa tin tưởng về kết luận xếp tòa nhà G6A vào mức nguy hiểm loại D.
“Nhiều người chưa tin tưởng kết luận xếp khu nhà vào loại D. Chúng tôi chỉ muốn biết, tại sao nhà G6 lại xếp vào cấp độ D. Nếu khu nhà nguy hiểm cấp độ D do bị lún nghiêng thì có thể chống lún. Trường hợp cơ quan chuyên môn khảo sát không xử lý được nữa thì lúc đó tính tới bước di dời”, ông Dũng cho biết.
Chuyển ngay nếu được đảm bảo tái định cư
Khi được hỏi “trong trường hợp buộc phải di dời thì các hộ dân có nguyện vọng gì?”, ông Đỗ Chiến Dũng cho biết, các hộ dân nhà G6A mong muốn lực lượng chức năng đưa ra lộ trình cho phép họ tái định cư.
“Chúng tôi cần biết lộ trình tái định cư, nghĩa là khi nào dời đi, chuyển tới địa điểm nào, thời gian đi tạm cư là bao nhiêu lâu, khi nào được tái định cư để tránh trường hợp di dời nhưng không biết khi nào mới được quay về.
Nếu mà chậm thì ai phải là người chịu trách nhiệm. Bà con sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ nên nguyện vọng của họ là muốn quay về”, ông Dũng nói.
Tại khu A tập thể Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), nhiều hộ dân khi trao đổi phóng viên đều chung nguyện vọng sớm được di chuyển khỏi khu nhà nhưng mong muốn chính quyềnthành phố phải đảm bảo cho họ được tái định cư.
“Tôi muốn chuyển đi ngay không nó sập đến nơi rồi. Nhưng chỉ chuyển đi ở tạm một thời gian, sau khi xây dựng lại thì cho chúng tôi được tái định cư”, ông Hoàng Như Tiến (ở nhà 406, nhà A, tập thể Ngọc Khánh) chia sẻ.
“Chúng tôi sống ở đây quen rồi, công việc và nơi con cái học hành cũng gần đây nên không ai muốn chuyển. Nhưng vì khu nhà xuống cấp quá rồi nên chúng tôi đồng ý sẽ chuyển chỉ cần chính quyền đảm bảo cho chúng tôi tái định cư”, chị Ngô Thị Phương (34 tuổi, nhà 506, nhà A, tập thể Ngọc Khánh) chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.