Cuộc đổ bộ của "đại gia" và diện mạo mới ngành nông nghiệp
Cuộc đổ bộ của "đại gia" và diện mạo mới ngành nông nghiệp
Anh Thơ
Thứ ba, ngày 20/10/2020 18:50 PM (GMT+7)
Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn như TH, Masan,... đã góp phần tạo diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg này 16/11/2017 với định hướng cơ cấu lại ngành theo 3 trục sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương).
Kết quả ấn tượng nhất trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp là tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành năm 2017 đạt 2,9%; năm 2018 đạt 3,8%; năm 2019 đạt 2,01%. Kim ngạch hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu năm 2018 đạt 29,2 tỷ USD, năm 2019 ước đạt 29,7 tỷ USD; 9 tháng năm 2020 đạt 30,5 tỷ USD.
Hai là, đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Diện tích lúa và cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm, diện tích cây lâu năm tăng lên, đặc biệt là cây ăn quả; chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; tăng thủy sản nuôi trồng, giảm thủy sản đánh bắt.
Ba là, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến hết năm 2019 có 15.363 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1,36 lần năm 2015) và 45 liên hiệp HTXNN; đến hết năm 2020 ước có trên 17.000 HTX NN (tăng 1,5 lần năm 2015) và 57 liên hiệp HTX NN.
"Doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2016 cả nước có 4.600 doanh nghiệp nông nghiệp, năm 2017 tăng lên 5.700; năm 2018, có 8.420 doanh nghiệp nông nghiệp, đến 31/12/2019 là 10.085 doanh nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm 2020 có thêm 1.095 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu những con số ấn tượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, Tập đoàn TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và đầu tư Biển Đông,... đã góp phần tạo ra diện mạo mới của ngành nông nghiệp.
Bốn là, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn. Đóng góp của khoa học và công nghệ là trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ được coi là then chốt để tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp.
Năm là, công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ giới hóa sản xuất được triển khai mạnh, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. Cả nước có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015.
Sáu là, thị trường tiêu thụ hàng nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng nông sản đã bước đầu thâm nhập vào được các thị trường khó tính, như vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản, dâu tây và bí ngô vào New Zealand,…
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Quá trình cơ cấu lại diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa vững chắc. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản Việt Nam còn thấp, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Năng lực sản xuất lớn trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc - mặc dù thị phần của thị trường Trung Quốc đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 22,6% so với tỷ trọng 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2019.
Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong tái cơ cấu
Trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến mạnh về tổ chức sản xuất, vẫn chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp chưa cao, kinh tế trang trại chậm phát triển, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng, miền.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm, nhất là trong việc phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ và hình thành các cụm chuyên môn hóa, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở những tồn tại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần tập trung một số giải pháp như:
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn với các nguồn lực để mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai là, thúc đẩy chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả quy mô và cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm") nhằm phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc CMCN 4.0.
Năm là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn để hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Sáu là, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Bảy là, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế và xây dựng nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.