Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”: Thành quả kết tinh từ sự nhọc nhằn, vất vả...

Nguyễn Công (thực hiện) Thứ năm, ngày 25/09/2014 06:55 AM (GMT+7)
“Nhiều bài viết sinh động, bạn đọc có thể cảm nhận rõ thành quả lao động của nhà nông được kết tinh bởi sự nhọc nhằn, vất vả, những thử thách và có cả không ít thất bại. Có bài viết bạn đọc cảm nhận rõ sự nỗ lực vươn lên của nhà nông trên đồng ruộng…”-  Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Hồng Lý (ảnh) chia sẻ với phóng viên khi nói về Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” trên báo NTNN.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cho biết, Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” do Báo NTNN phát động từ tháng 10.2013-ngay sau sự thành công của lễ vinh danh, trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013” do T.Ư Hội NDVN chủ trì tổ chức. Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” nhằm mục đích giới thiệu, khắc họa những chân dung nông dân tiên tiến, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho việc bình chọn, vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” sẽ được tổ chức vào tháng 10.2014 nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930-14.10.2014)…

img Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Hồng Lý

 

Phó Chủ tịch đánh giá thế nào về việc Báo NTNN phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phát động Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”?

- Phát động Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” cho thấy Báo NTNN đã chủ động và có bước chuẩn bị tốt hơn cho việc bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Việc phát động cuộc thi đã thu hút được thêm nhiều phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí khác ở T.Ư và địa phương, thậm chí có cả những cây bút không chuyên tham gia viết bài về các điển hình nông dân làm ăn giỏi, nông dân sáng tạo, nông dân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới… Báo đã bố trí diện tích, thời lượng xứng đáng để đăng tải thêm được nhiều bài viết. Điều này đã góp phần tạo nên hiệu ứng truyền thông khá tốt cho cuộc bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”... Để tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà báo, phóng viên, nhà văn tiếp cận với các ứng viên “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”, Báo NTNN đã chủ trì tổ chức các chuyến đi thực tế tại các địa phương. Điều này cũng làm tăng chất lượng các bài viết về chân dung nhà nông trên báo…

Qua theo dõi, cảm nhận của bà về chất lượng các bài viết của “Tự hào Nông dân Việt Nam” ra sao, thưa Phó Chủ tịch?

- Cuộc thi đã thu hút được nhiều cây bút chuyên và không chuyên ở nhiều cơ quan báo chí, nhiều địa phương đã tạo nên tính đa dạng trong cách thể hiện. Qua đó, chân dung các nhà nông-ứng viên cho danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” được khắc họa ở nhiều khía cạnh, thể hiện được sức sáng tạo, khát khao vươn lên trong cuộc sống của người nông dân, bức tranh nông thôn thời đổi mới… Qua các bài viết cũng cho thấy, mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều rủi ro, nông thôn là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí, nghị lực, tính cần cù chịu khó, mày mò sáng chế, sáng tạo, nhiều nông dân từ nghèo khó vươn lên khá giả, có điều kiện giúp đỡ bà con làng xóm, đóng góp cho cộng đồng, địa phương… Điểm đáng chú ý, nhiều bài viết phản ánh, khắc họa chân dung nhà nông qua những thành công, hiệu quả của mô hình sản xuất, cách làm mà còn thể hiện sinh động được những lo toan, vất vả nhọc nhằn, thậm chí là những thất bại của họ…

Có ý kiến cho rằng, các bài viết khắc họa chân dung của nhà nông cũng cho thấy có nhiều gợi mở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

- Tôi cho ý kiến đó là xác đáng. Bài viết về anh nông dân Cao Văn Lâm ở Thanh Miện (Hải Dương) đi gom ruộng để cấy, hay về lão nông Nguyễn Đức Lợi xây dựng cánh đồng lớn cho thấy chính sách đất đai cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; việc tích tụ ruộng đất là rất cần thiết để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, hình thành nên các vùng chuyên canh. Hay các sản phẩm nông nghiệp của các nhà nông rất đa dạng, phong phú thể hiện được thế mạnh nông nghiệp của từng vùng, miền, nhiều sản phẩm là đặc sản với chất lượng tốt. Nhưng quan trọng hơn là làm sao hình thành nên vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa lớn, mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu và phải xây dựng được thương hiệu. Các hình thức liên kết giữa nông dân và nông dân, giữa nông dân và các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn cũng còn thiếu vắng. Qua các bài viết về chân dung nhà nông cũng cho thấy còn rất ít các mô hình gắn sản xuất với bảo quản, chế biến nông sản… Điều này cũng phản ánh những yếu kém, hạn chế hiện nay của lĩnh vực nông nghiệp. Khắc phục được những hạn chế, yếu kém này rất cần sự tác động của chính sách nhà nước bởi tự bản thân người nông dân rất khó có đủ tiềm lực để thực hiện…

Từ nay đến thời điểm tổ chức lễ vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” không còn dài, Phó Chủ tịch có góp ý gì thêm cho cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”?

- Báo NTNN cần tăng thời lượng để đăng tải các bài viết về chân dung các nhà nông-ứng viên bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Ngoài chân dung nhà nông do các cây viết phát hiện hoặc tiếp cận trong các chuyến đi thực tế, cần tăng cường viết về các gương điển hình nhà nông do Hội ND các tỉnh, thành phố đề cử nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin, tư liệu phục vụ tốt cho công tác bình chọn. Cần chú ý tới mô hình sản xuất nông sản hàng hóa, những nhà nông xuất sắc ở các địa phương khó khăn, vùng dân tộc và miền núi; ứng cử viên là phụ nữ…

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

    51 tác phẩm vào vòng chung khảo

Sau 1 năm phát động Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” trên báo NTNN phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi, trong đó có 51 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung khảo. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi đã quy tụ được nhiều cây viết chuyên nghiệp, xuất sắc cũng như những tác giả không chuyên gửi bài tham dự. 

Hiện tại, Ban Giám khảo cuộc thi đang làm việc để lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Cuộc thi viết lần này có 11 giải (bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích). Theo kế hoạch, lễ trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải của cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 7.10 tới đây tại Hà Nội.
Ngọc Lê


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem