Cựu quan chức đường sắt khai nhận tiền để "chi hộ" đối tác Nhật

Xuân Lực Thứ hai, ngày 26/10/2015 09:48 AM (GMT+7)
Sáng nay (26.10), TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án 6 cựu quan chức ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận nhận 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ đối tác Nhật Bản.
Bình luận 0

Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Trần Quốc Đông - SN 1964, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Phạm Hải Bằng (SN 1969) và Phạm Quang Duy (SN 1975, đều nguyên là Phó giám đốc RPMU); Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3, RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958) và Nguyễn Văn Hiếu (cùng nguyên là Giám đốc RPMU).

Sáu bị cáo cùng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Để đảm bảo an ninh cho phiên tòa, tất cả khu vực trong và ngoài TAND TP.Hà Nội đều được bố trí lực lượng an ninh. Những người ra, vào tòa đều phải xuất trình giấy tờ liên quan.

img

An ninh tại TAND TP.Hà Nội được thắt chặt.

Trước giờ xét xử, hàng chục phóng viên báo chí đã tập trung trước cửa trụ sở TAND TP.Hà Nội để chuẩn bị đưa tin về phiên tòa xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt. Các phóng viên được TAND TP.Hà Nội bố trí một phòng riêng để theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình tivi.

Khoảng 7h sáng, các bị cáo trong vụ án đã được dẫn giải tới trụ sở TAND TP.Hà Nội.

Đến 8h45, Chủ tọa phiên tòa - ông Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP.Hà Nội) tuyên bố khai mạc phiên tòa. Đứng trước vành móng ngựa nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng, gương mặt cả 6 bị cáo đều tỏ ra khá căng thẳng.

img

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay.

Bước vào phần xét hỏi, Phạm Hải Bằng khai, bị cáo là người đại diện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số đối tác khác. Trong đó, do lường trước được những khó khăn trong quá trình triển khai dự án nên JTC đã chủ động đề nghị hỗ trợ tiền để RPMU giúp họ lo các thủ tục đẩy nhanh tiến độ.

Bị cáo Bằng khẳng định, mình chỉ đề cập tới một số khó khăn về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC, đồng thời phủ nhận việc đề nghị trực tiếp với JTC cấp tiền.

Tuy nhiên, theo HĐXX, phía đối tác JTC khai với cơ quan điều tra rằng, bị cáo Bằng có đề cập đến việc đưa tiền. Về việc này, bị cáo Bằng cho rằng, sau khi đọc kết luận điều tra, bị cáo thấy lời khai của phía Nhật Bản chưa chính xác.

Trả lời HĐXX về việc đã bao nhiêu lần nhận tiền từ phía đối tác JTC và số tiền nhận là bao nhiêu, bị cáo Bằng khai không nhớ số lần nhận tiền vì quá trình triển khai dự án dài và phía đối tác không ấn định thời gian sẽ đưa tiền. Bị cáo Bằng cho biết, tổng số tiền JTC chuyển cho RPMU khoảng 11 tỷ đồng.

HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi, "bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận?". Bị cáo Bằng trả lời: “Đây khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động tư vấn, lẽ ra đối tác tư vấn Nhật Bản phải thực hiện, nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ đã để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chi tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này”.

Chủ tọa tiếp tục truy: “Tại sao không có quyết toán về khoản tiền với phía Nhật Bản?”. Bằng nói: “Do họ không yêu cầu. Lẽ ra tư vấn phải chi, nhưng phía Việt Nam chi hộ cho tư vấn”.

Về việc sử dụng số tiền đã nhận từ phía JTC, bị cáo Bằng khai, số tiền này được RPMU sử dụng vào việc tổ chức hội họp với các ban ngành liên quan và nội bộ cơ quan như lo Tết cho các cán bộ. Trong đó, Bằng chuyển tiền cho bị cáo Trần Văn Lục 100 triệu đồng để cảm ơn “người anh” đã dìu dắt bị cáo. Bằng khẳng định không nói về nguồn gốc số tiền với bị cáo Lục.

img

Bị cáo Bằng cho rằng, Ban Quản lý các dự án đường sắt nhận tiền để chi tiêu hộ đối tác Nhật Bản.

Về phần mình, bị cáo Lục khai không biết số tiền Bằng đưa là tiền từ phía đối tác JTC. Lục nói, Bằng đến chúc Tết bị cáo để lại gói quà nhưng không biết trong túi quà có tiền. Chỉ đến sau Tết khi kiểm tra lại quà mà Bằng biếu, Lục mới biết trong túi quà có tiền. Lục nghĩ rằng số tiền này là "tình cảm" Bằng cảm ơn bị cáo đã giúp đỡ trong công việc.

Cũng bị thẩm vấn trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Nam Thái khai nhận 2 triệu Yên tiền mặt từ đối tác Nhật Bản, bị cáo nhận thức là chuyển tiền cho Ban quản lý dự án 3 để lo thực hiện dự án. Số tiền này đã được Thái chi tiêu chung cho hoạt động của Ban quản lý dự án gồm họp hành, hội thảo, đi tham quan, nghỉ mát…

Thái thừa nhận, nhận tiền từ phía đối tác JTC nhưng không nhập vào sổ sách, hóa đơn, kế toán.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục với phần xét hỏi.

Theo cáo trạng, tháng 10.2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án Tuyến số 01 cho RPMU.

Đến tháng 9.2009, ông Phạm Hải Bằng với vai trò Chủ nhiệm Dự án đường sắt đô thị Tuyến số 1 (giai đoạn I) đã đại diện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số đối tác khác.

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, ông Bằng đã đề cập tới một số khó khăn về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC. Phía JTC sau đó đồng ý hỗ trợ.

Sau khi có thỏa thuận trên, bị can Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9.2009 đến tháng 2.2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng (69,9 triệu yên Nhật) cho ông Bằng, Thái, Nam.

Toàn bộ số tiền này đã được các bị can sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát… trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.

Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem