Nhiều diện tích đất là rừng dầu tái sinh vẫn được đền bù
Đất nông nghiệp là… rừng tái sinh
Có mặt tại khu vực quy hoạch khai hoang cánh đồng lúa nước thuộc Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Krông Pách thượng (xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến nhiều thửa đất vừa được đền bù xong vẫn còn cây dầu (cây rừng tự nhiên) đang tái sinh.
Trong đó thửa đất của ông Đ.V.Q có diện tích gần 2,4ha, được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng gần 1,2 tỷ đồng. Trên đất ông Q. còn rất nhiều gốc cây dầu đường kính 20 – 30cm, mật độ nhiều chỗ dày đặc, đang mọc chồi tái sinh rậm rạp, có chồi cao cả mét.
Ngoài rừng dầu tái sinh, trên thửa đất toàn cỏ dại, không có bất cứ một cây trồng nào. Cạnh đó, thửa đất của ông Y.T có diện tích hơn 2ha, được bồi thường, hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn còn la liệt cây gỗ dầu tái sinh với mật độ khá dày… Chỉ tính riêng 8 hộ nằm trong khu vực này, UBND huyện Ea Kar đã phê duyệt chi trả hơn 9,9 tỷ đồng đền bù.
Sát với rừng dầu tái sinh, vườn cao su đang cho thu hoạch của ông Dũng lại không được đền bù
Theo hồ sơ PV Dân Việt có được, toàn bộ diện tích đất của 8 hộ nói trên đều có nguồn gốc lấn chiếm trái phép của Lâm trường Ea Kar, hoặc sang nhượng từ người lấn chiếm.
Đến năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi hơn 2.600ha rừng và đất lâm nghiệp của Lâm trường Ea Kar giao cho UBND huyện Ea Kar, xã Ea Ô quản lý (từ năm 2005 chia tách thành xã Cư Ea Lang). Trong đó có diện tích đất rừng do các hộ này lấn chiếm, sang nhượng trái phép.
Khiếu kiện vì kẻ được, người không
Điều đáng nói là cũng tại dự án này, có 12 hộ cũng bị thu hồi đất nhưng không được đền bù, với lý do…lấn chiếm trái phép, trong đó có hộ khai hoang từ năm 1994, có hộ sang nhượng của người khác để sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Hải (trú thôn 1, xã Cư Ea Lang) bức xúc: “Năm 1999 tôi sang nhượng lại của ông Lương Hữu Khởi 3,3ha, từ năm 1999 đến năm 2011 tôi đầu tư trồng 2.000 cây cao su. Hiện nay toàn bộ diện tích cao su của gia đình tôi đã bắt đầu khai thác mủ, nhưng lại không được đền bù”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng có gần 1,8ha sang nhượng lại của ông Lương Hữu Nghĩa vào năm 2009, đến năm 2011 ông Dũng đầu tưu trồng cao su, hiện 995 cây cao su của gia đình ông chuẩn bị cho thu hoạch. Trường hợp khác là bà Đinh Thị Lý được cơ quan chức năng xác định có 1,5ha khai hoang và làm nhà ở trước năm 2006… Tất cả đều không được đền bù. Ông Lê Văn Dũng nêu ý kiến: “Đất rừng dầu tái sinh thì được đền bù, còn vườn cao su trồng 5 – 6 năm nay lại không đền bù là hết sức vô lý. Nếu không đền bù vì đất lấn chiếm của Lâm trường Ea Kar, đề nghị nhà nước thu hồi lại tiền bù của các hộ khác. Ở đây chúng tôi không đòi tiền, mà đòi hỏi sự công bằng”.
Cùng một nguồn gốc đất, nhưng nhiều vườn cao su 5 - 6 năm tuổi không được đền bù
Làm việc với PV Dân Việt, ông Vương Khả Hùng – Phó giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ea Kar – cho biết: “Mặc dù có cùng nguồn gốc là lấn chiếm trái phép của Lâm trường Ea Kar, nhưng hộ nào sử dụng liên tục thì được đền bù, còn sử dụng không liên tục thì ngược lại”.
Ông Hùng nêu ví dụ: Hộ ông Lê Văn Hải sang nhượng đất của người khác vào năm 1999, nhưng đến năm 2011 mới trồng cao su, tức là… sử dụng không liên tục nên không được đền bù (?!).
Ông Nguyễn Ngọc Trí – Phó chánh Văn phòng UBND huyện Ea Kar – cho biết, huyện đã nhận được đơn khiếu nại của 12 hộ dân, trong đó cho rằng nhiều diện tích đã được đền bù không có cây trồng nào, chỉ là rừng dầu tái sinh. “UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ việc đền bù như vậy là đúng hay sai”, ông Trí nói. Trong một diễn biến khác, vụ việc cũng đang được lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.