Đây là đền thờ Hỏa Thần-thần Lửa duy nhất ở Việt Nam, đền thờ này ở đâu?
Ngôi đền cổ tại Hà Nội là di tích duy nhất ở Việt Nam thờ thần Lửa
Trần Quang
Thứ sáu, ngày 09/09/2022 05:00 AM (GMT+7)
Đền Hỏa Thần gắn với địa danh thôn Yên Nội, tổng tiền Túc (sau đổi lại là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Nay địa danh này thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội). Đền Hỏa Thần là di tích duy nhất tại Việt Nam thờ Hỏa Thần-thần Lửa
CLIP: Độc đáo ngôi đền thờ Hỏa Thần duy nhất ở Việt Nam. Nay địa danh này thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội).
Theo tài liệu ghi chép, đền Hoả Thần được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hoả Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm phương đình và tiền tế. Niên đại này còn để lại trên câu đầu của kiến trúc.
Ông Trịnh Văn Hùng - Phó Trưởng tiểu ban quản lý di tích đền Hỏa Thần cho biết, đền Hỏa Thần hiện nay tọa lạc tại số 30 phố Hàng Điếu, trên diện tích gần 500 m2.
So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi văn mây lá lật. Mỗi đấu kê đều trang trí cánh sen.
Mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tại phương trong tư thế đang bay. Và bốn bức tượng nghê dưới câu đầu được thể hiện giống với nhau với hình thức cách điệu cao, rất gần gũi với các tượng nghê trên kiến trúc phương đình đền Bạch Mã và đền Thanh Hà thuộc khu phố cổ Hà Nội.
Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước.
Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm miền Hà Nội, khu phố Tây được thành lập, khu xóm chợ Cửa Đông cũng được đô thị hóa mạnh mẽ, đền Hỏa Thần cũng bị thu hẹp nằm lọt giữa khu phố xá đông đúc.
Thời kỳ này, nhân dân cũng xây thêm một điện thờ chư vị Thánh Mẫu trong khuôn viên của đền, thiết ban thờ Phật ở gian phương đình, đền Hỏa Thần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi lễ Phật ,Thánh ban phúc trừ tai của nhân dân kinh thành.
Theo ông Hùng, những thập niên gần đây, đền bị xâm lấn, đổ nát hư hỏng nhiều, chính quyền và nhân dân đã tu bổ lại đền khá khang trang.
Năm 1997, chính quyền, Ban Quản lý di tích và nhân dân địa phương đón nhận “Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa Thần”.
Năm 2000, UBND phường Cửa Đông và nhân dân rước ban thờ Thánh Mẫu vào trong phương đình, trên vị trí ban thờ cũ dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ phường, tạo một nét văn hóa, tâm linh mới.
Năm 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương cùng Đại đức trụ trì đền đã tiến hành một đợt trùng tu tôn tạo đền Hoả Thần.
Đền Hỏa Thần là ngôi đền độc đáo, thờ Tam tòa Thánh mẫu cùng ngũ vị Tôn ông, Tam thế Phật và Hỏa thần. Theo người dân sinh sống trong khu vực, vị thần được thờ tại đền Hỏa Thần là Quang Hoa Mã Nguyên súy - người ban đầu có tính tình nóng nảy nhưng sau đắc đạo, trở thành môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng đế, chuyên việc trừ hỏa tai. Hằng năm, lễ hội đền Hỏa Thần được tổ chức vào ngày 28 tháng Ba và 28 tháng Chín (âm lịch) - ngày sinh và ngày hóa của Hỏa Thần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.