Đây là loài cá cực ngon nuôi lồng ở hồ chứa nước tại TT-Huế, 4 hộ nuôi thí điểm thì cả 4 đều lãi

Thứ hai, ngày 13/03/2023 05:11 AM (GMT+7)
Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa nước ở TT-Huế không còn là chuyện lạ, nhưng nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa mang lại hiệu quả kinh tế là chuyện mới đối với người dân.
Bình luận 0

Nuôi cá ao hồ, hay trên các hồ chứa ở huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) được người dân áp dụng từ nhiều năm qua. 

Các loại cá nuôi chủ yếu là trắm cỏ, mè, rô, chép…phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở các địa phương miền núi. Lợi thế lớn là tận dụng nguồn nước từ khe suối trong sạch, không ô nhiễm nên cá phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Tuy nhiên, lâu nay người dân loay hoay nuôi các loại cá có giá trị kinh tế không cao, trong khi nguồn nước từ các hồ chứa rất lớn, có thể nuôi được nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát hệ thống ao hồ trên địa bàn tỉnh để đưa một số đối tượng thủy sản vào nuôi thử nghiệm, trong đó có nuôi loài cá leo.

Đây là loài cá cực ngon nuôi lồng ở hồ chứa nước tại TT-Huế, 4 hộ nuôi thí điểm thì cả 4 đều lãi - Ảnh 1.

Nuôi cá lồng trên hồ Khe Ngang, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá leo trong lồng ở hồ chứa nước ngọt ở huyện Quảng Điền, huyện Nam Đông.

Qua khảo sát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy tiềm năng nuôi cá ở các hồ chứa trên địa bàn huyện Nam Đông, Quảng Điền rất lớn, phù hợp với nhiều loài thủy sản. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát và nhận thấy thị trường tiêu thụ cá leo hiện nay khá lớn, tập trung tại các quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn…với giá bán cá leo khá cao. Đây là lợi thế lớn để phát triển nuôi loài thủy sản này. 

Sau quá trình nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn đối tượng cá leo đưa vào nuôi thử nghiệm bằng lồng theo hướng an toàn tại xã Quảng Thái (Quảng Điền) và hồ chứa ở xã Hương Phú (Nam Đông).

Mô hình được triển khai từ tháng 4 đến tháng 11/2022 với quy mô 200m3/4 hộ (50m3/hộ). Sau 6 tháng nuôi, cá leo cho thấy sự thích nghi tốt với môi trường, khí hậu và nguồn nước tại các địa phương. Cá đạt trọng lượng 1,2kg-1,5kg/con, tỷ lệ sống bình quân đạt 60-65%, sản lượng thu được 3,2 tấn (750-900kg/50m3). Bình quân mỗi hộ lãi 25-35 triệu đồng.

Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho rằng, hệ thống ao hồ tại địa phương nói riêng, huyện Quảng Điền nói chung đều có thể nuôi cá leo theo hướng an toàn. Chính quyền địa phương đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, vận động người dân nhân rộng mô hình nuôi cá leo trên địa bàn nhằm tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Châu Ngọc Phi đánh giá, việc nuôi cá leo bằng lồng trên hệ thống hồ chứa đem lại hiệu quả cao hơn so với nuôi trên hệ thống sông ngòi nhờ nguồn nước luôn trong sạch, không bị ảnh của lượng phù sa từ các nguồn khe suối đổ về làm thay đổi môi trường và ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cá nuôi.

Mô hình nuôi cá leo bằng lồng ở hồ chứa mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia mô hình. Mô hình còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nhờ nguồn nước luôn trong sạch từ các hồ chứa. Đây là một hướng đi mới giúp cho bà con yên tâm phát triển nuôi cá leo bằng lồng nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên để phát triển mô hình này một cách ổn định và bền vững cần sự quan tâm và tạo điều kiện của các cơ quan quản lý về việc cấp phép cho các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện phát triển nuôi cá lồng bè trên hệ thống hồ chứa. Đồng thời, cần sự hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, dự án để triển khai thêm nhiều mô hình trình diễn làm cơ sở chuyển giao kỹ thuật nuôi cá cho người dân.

Ở Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 112 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó hồ chứa thủy lợi 73 hồ, hồ chứa thủy điện 5 hồ, hồ chứa nước tự nhiên 34 hồ. 

Đa số các hồ chứa nước ngọt này đều chưa tận dụng hết tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là tiềm năng phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ chứa này rất cao. Riêng tại huyện Nam Đông có 3 hồ chứa (Ta Rinh, Ka Tư và Thôn 1) có thể phát triển nuôi thủy đặc sản nước ngọt bằng lồng bè.

Huyền Trang-T.Tuấn (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem