ĐBQH "truy" Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về điều chỉnh quy hoạch theo "chỉ đạo" của doanh nghiệp?

Trần Kháng Thứ tư, ngày 05/06/2019 06:35 AM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã "truy" Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về việc thay đổi quy hoạch chi tiết tùy tiện, lthay đổi nhiều lần ở các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp và thu hẹp lợi ích cộng đồng, quyền lợi của người dân. Liệu có hay không việc điều chỉnh này là theo "chỉ đạo" của doanh nghiệp?
Bình luận 0

Sáng nay, ngày 5/6, theo chương trình nghị sự, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Chiều qua (4/6) nhiều ĐBQH đã chất vấn Người đứng đầu ngành Xây dựng nhiều vấn đề nóng. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều đó là vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị. 

img

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. (ảnh Lê Hiếu)

Có việc doanh nghiệp “chỉ đạo” quy hoạch?

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho biết thực trạng quy hoạch đô thị bị điều chỉnh nhiều lần và đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có hay không việc nhiều chủ đầu tư “chỉ đạo” quy hoạch?

Trả lời đại biểu Lượng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận có thể có tình trạng này. 

“Không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có thể có tác động nhất định, ở những giai đoạn nhất định. Đây là hoạt động cần kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện hành vi này”, Bộ trưởng cam kết.

img

Quy hoạch chi tiết nhiều khu đô thị bị điều chỉnh nhiều lần với nội dung tăng tầng chiều cao... (ảnh Trần Kháng)

Trước đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần có hay không chuyện làm lợi cho nhà đầu tư. 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết chưa có thông tin đầy đủ về dự án, cũng như nhà đầu tư và tác động cụ thể. Tuy nhiên, nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch có thể do áp lực, yêu cầu của nhà đầu tư. Ông cho rằng nhà đầu tư muốn có dự án phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương và mang lại lợi nhuận cho mình. Khi đó có nhà đầu tư lợi dụng, tác động để điều chỉnh quy hoạch nhằm trục lợi.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ việc lập quy hoạch, phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định”, Bộ trưởng cam kết.

Cũng trong buổi chất vấn, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng đặt câu hỏi về việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng mật độ, áp lực với hạ tầng, giao thông, đời sống người dân ảnh hưởng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết hiện tại khá phổ biến.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng cần đổi mới tư duy, phương pháp xây dựng quy hoạch. Sau đó, cần làm nhanh và nâng cao các công cụ làm quy hoạch như tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức.

img

Cao ốc dày đặc, hạ tầng giao thông nhiều khu vực nội đô bị quá tải. (ảnh Trần Kháng)

“Làm được thế chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn và sẽ tránh được việc phải điều chỉnh quy hoạch”, ông Hà nói.

Ông cũng nhấn mạnh thanh tra Bộ sẽ vào cuộc xử lý việc phá vỡ quy hoạch chi tiết. “Trong năm nay, cũng như sang năm, Bộ Xây dựng trực tiếp cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn. Từ đó, có xử lý dứt điểm vấn đề này”, ông Hà nói.

Bộ trưởng cũng cho biết từ nay trở đi, không có quy hoạch chi tiết, các địa phương không có cơ sở cấp phép dự án. Hiện nay độ phủ quy hoạch chi tiết mới đạt 40%.

Giá nhà cao gấp 25 lần thu nhập bình quân người dân

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu tình trạng các khu đô thị xây dựng tràn lan không có người ở; nhà siêu mỏng, siêu méo tại nhiều đô thị mà chưa được khắc phục, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, quá trình đô thị hoá nhanh chóng đã đạt được kết quả tích cực.

“Hiện Việt Nam có 828 đô thị, tốc độ đô thị hoá đạt 38,5%, các đô thị phát triển nhanh chóng, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, khu vực đô thị chiếm tỷ trọng cao ở tất cả chỉ số chủ yếu nền kinh tế, đời sống người dân được nâng cao”, Bộ trưởng Hà thông tin. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận những tồn tại mà các đại biểu nêu. Việc phát triển đô thị một cách nhanh chóng hiện nay đã dẫn tới tình trạng tính toán sai cấu trúc không gian, cũng như chỉ tiêu hạ tầng và các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn đến các dự án đầu tư thiếu căn cứ; chất lượng quy hoạch thấp do định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng còn thiếu nên trong tính toán xây dựng quy hoạch có thiếu sót.

“Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương tuy có cố gắng nhưng còn hạn chế trong kiểm soát xây dựng nên có xảy ra tình trạng xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng, hạ tầng xã hội. Khi xây dựng công trình giao thông không đi kèm giải pháp xử lý nhà ở lại nên để tồn tại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo”, Bộ trưởng Hà nêu.

img

Xây dựng khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng, hạ tầng xã hội... gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. (ảnh Trần Kháng)

Cũng trong buổi chất vấn chiều ngày 4/6, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) có nêu bất cập khi giá bất động sản gấp 25 lần thu nhập bình quân người dân. Thực tế này đang là thách thức trong giải quyết nỗ lực giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. "Bộ trưởng nhận thức vấn đề trên thế nào và giải pháp ra sao?"

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường bất động sản, tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý bất động sản chưa được kiện toàn kịp thời... Ngoài ra, tính minh bạch trong các dự án bất động sản cũng chưa được đảm bảo.

Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng các địa phương vẫn chưa thực sự để tâm đến thị trường bất động sản, chưa kiểm soát chặt chẽ cung cầu hàng hóa.

"Việc phê duyệt nhiều dự án không phù hợp yêu cầu thị trường, chủ yếu là ở phân khúc cao cấp chưa phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở. Chưa có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội", Bộ trưởng Hà lý giải.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

Ngoài ra, nguồn lực tài chính cho bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.

Các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.

"Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản", Bộ trưởng Hà nói.

Tư lệnh ngành Xây dựng cũng cho rằng, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng. Cùng với đó là phải tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem