"Dẹp" cây keo, Hoài Ân "mơ" thành thủ phủ trồng bưởi, sầu riêng...

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 24/12/2018 13:05 PM (GMT+7)
Vùng đất trung du Hoài Ân (Bình Định) đang trên hành trình trở thành ‘thủ phủ’ vùng cây ăn quả lớn nhất tỉnh này, với kỳ vọng giá trị thu nhập từ các loại cây chủ lực tập trung sẽ đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.
Bình luận 0

"Hệ lụy" trồng keo trên đất nông nghiệp

Theo ông Trần Trọng Ân - cán bộ địa chính xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), nhiều năm qua người dân địa phương đã tự ý trồng cây keo trên đất nông nghiệp với diện tích khoảng 21ha.

“Từ năm 2017, chúng tôi vận động bà con đốn hạ cây keo trên diện tích này, đa số người dân đồng tình và đã thực hiện ký cam kết. Đến hạn cuối cùng là ngày 31.12.2018 không thực hiện thì xã sẽ thành lập tổ công tác để tự xử lý. Hiện, người dân đã tự giác thu hoạch hơn 15ha keo trồng trên đất nông nghiệp”, ông Ân nói.

img

Sầu riêng được trồng trên mảnh đất Hoài Ân có múi rất to và mùi vị thơm ngon.

Theo người dân địa phương, do lợi nhuận của cây keo mang lại rất lớn nên nhiều người ồ ạt trồng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc này đã để lại nhiều hệ lụy, khiến các cây trồng khác bị ảnh hưởng, khó phát triển.

Ông Đặng Văn Cấp (70 tuổi, trú xã Ân Tường Đông) - ông chủ rẫy trồng nhiều loại cây ăn quả với diện tích hơn 12ha, được liệt vào hàng quy mô bậc nhất ở huyện Hoài Ân cho biết, cùng trên diện tích 1.000 gốc dừa đang cho thu nhập 100 triệu đồng/năm, ông trồng xen canh các cây trồng khác như: bưởi, bơ, sầu riêng. Thậm chí, trồng cả hồ tiêu và cho bám vào thân dừa thì cây tiêu vẫn cho quả rất nhiều.

img

Người dân chặt hạ diện tích trồng keo trên đất nông nghiệp để thay thế bằng các loại cây trồng thích hợp

“Tuy nhiên, khu vực trồng cây keo xen vào thì cây dừa không thể cho quả, nhiều cây bị chết. Khả năng hút nước của cây keo rất lớn, thấy tác hại từ đó nên tôi đang cho thu hoạch, chặt phá, cải tạo lại đất để trồng cây ăn quả khác phù hợp”, ông Cấp cho hay.

"Mạnh tay"... xử lý

Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân, toàn huyện này có khoảng 290ha cây keo trồng trên đất nông nghiệp, đến nay đã xử lý được hơn 200ha.

Ông Nguyễn Hữu Khúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, việc "dẹp" cây keo trên đất nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2017 và người dân cam kết hạn cuối cùng là vào ngày 31.12.2018 xử lý triệt để.

img

Huyện Hoài Ân đang phát triển cây ăn quả có thế mạnh để nâng cao thu nhập của nông dân.

“Thực tế, bà con đã nhận ra được việc trồng keo trên đất nông nghiệp gây ảnh hưởng môi trường, mất nguồn nước cho các cây trồng khác nên họ cam kết xử lý. Tuy nhiên, đối với diện tích keo còn nhỏ tuổi thì sẽ được xem xét theo nguyện vọng của bà con, cần thiết gia hạn thêm thời gian để chờ thu hoạch. Vì nếu chặt bỏ đi thì bản thân chúng tôi cũng thấy rất đau lòng vì đây là của cải của người dân”, ông Khúc chia sẻ.

Ông Khúc cho rằng, diện tích keo sau khi đốn hạ, người dân sẽ chuyển đổi trồng các loại cây phù hợp. Với diện tích nhỏ thì cải tạo trồng mè, đậu…, còn diện tích lớn thì trồng cây ăn quả theo quy hoạch vùng.

"Mơ" trở thành vựa cây ăn quả của miền Trung

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cây ăn quả có thế mạnh và cây chè theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ở một số xã đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 112 tỷ đồng.  

Đặc biệt, đầu tư phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ cả 4 khâu (sản xuất - thu mua - chế biến + bảo quản - tiêu thụ), ưu tiên cho sản xuất, bảo quản và kết nối thị trường.

img

Bưởi Hoài Ân là loại quả được nhiều người khen ngợi khi đến vùng đất này

Theo đó, chủng loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở huyện gồm 7 loại: bơ, bưởi, chè, dừa xiêm, cam quýt, thanh long ruột đỏ và sầu riêng.

Ông Nguyễn Hữu Khúc cho biết, theo đề án huyện sẽ hỗ trợ người dân 100% cây giống, xây dựng hệ thống dẫn nước tối đa là 30 triệu đồng và phân bón trong 3 năm đầu (2 lần/năm) để phát triển cây ăn quả có thế mạnh.

img

Vườn tiêu bạt ngàn của nông dân ở huyện Hoài Ân (Bình Định)

“Cách đây hơn 2 năm, một tiến sỹ nông nghiệp đặt vấn đề trồng cây ăn quả tại huyện sẽ có kết quả rất cao nhưng lúc đó tôi không tin. Sau này, thấy bà con trồng một số cây có sản phẩm thì đúng chất lượng tốt thật. Tín hiệu vui là chúng tôi đã được chấp nhận hồ sơ sau khi đề nghị công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” trình đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Phía Tập đoàn FLC cũng đã về khảo sát và đặt vấn đề huyện sẽ trở thành nguồn cung cấp sản phẩm bưởi cho doanh nghiệp này. Mọi chuyện đang rất lạc quan và chờ kết quả tốt đẹp với hi vọng góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống của người dân”, ông Khúc chia sẻ.

Theo Quy hoạch phát triển cây ăn quả có thế mạnh và cây chè theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), năm 2030 diện tích cây ăn quả ở huyện Hoài Ân đạt khoảng 1.591,40ha (trong đó: diện tích cho thu hoạch 1.000 ha với sản lượng 12.000 tấn).

Năng suất bình quân đối với cây ăn quả chủ lực trồng tập trung tăng 20-30% so với năm 2020, 100% sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP và giá trị sản lượng trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem