Điều đáng lo ngại, các ổ dịch mới vẫn đang liên tiếp xuất hiện và nguy cơ dịch lan rộng trong mùa đông là rất có thể.
Thêm nhiều ổ dịch mới
Ngày 14.10, tỉnh Long An đã công bố thêm 2 xã Tân Phú và Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà) có dịch lợn tai xanh. Như vậy đến nay, 6/14 huyện, thành phố của tỉnh này có dịch và hơn 12.000 con lợn bị bệnh, trong đó buộc tiêu huỷ gần 3.300 con.
|
Lực lượng chức năng đưa lợn mắc bệnh tai xanh đi tiêu hủy (chụp tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) . |
Ông Đinh Văn Thế - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An cho biết: Khả năng dịch lợn tai xanh sẽ xuất hiện ở các huyện còn lại của tỉnh là rất lớn, do tình hình thời tiết mưa nhiều kéo dài nên sức đề kháng của lợn giảm. Cùng với đó, chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thú y, ý thức của người dân trong việc tiêm phòng còn kém, đặc biệt là người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tại Tây Ninh, ngày 15.10, dịch phát sinh thêm tại 13 hộ của 7 xã thuộc huyện Châu Thành, Tân Châu và Tân Biên. Số lợn mắc bệnh trong ngày là 111, tiêu hủy 68 con. Còn tại Tiền Giang, dịch vừa phát tại 3 xã thuộc huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây, với 90 con mắc bệnh...
Lãnh đạo ngành thú y TP. Hồ Chí Minh đang “lo sốt vó” vì nguồn dịch từ Tây Ninh, Long An, Tiền Giang có thể “đổ bộ” vào thành phố bất cứ lúc nào. Theo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố nhận một lượng lớn thịt gia súc, gia cầm từ các tỉnh lân cận. Vì vậy, nguy cơ lợn tai xanh từ các vùng có dịch về tiêu thụ tại thành phố là khó tránh khỏi. Mới đây, Chi cục Thú y đã bắt quả tang một xe tải vận chuyển thịt lợn có mang virus tai xanh vào thành phố để tiêu thụ.
Nguy cơ dịch ra miền Bắc
Việc TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam ráo riết thực hiện các biện pháp phòng dịch là không thừa, bởi trước đó Bộ NNPTNT đã cảnh báo tình hình dịch bệnh nguy hiểm ở động vật những tháng cuối năm 2011 sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do virus gia cầm đã biến đổi và chưa có vaccin phòng bệnh thích hợp; virus lở mồm long móng và tai xanh vẫn phát tán rộng rãi trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng...
Đáng lo ngại là trong khi dịch tai xanh ở 5 tỉnh vẫn diễn biến phức tạp thì nhiều địa phương khác vẫn không đủ vaccin để tiêm cho đàn gia súc nhằm ngăn chặn ngay từ đầu dịch bệnh. Thậm chí, ở Quảng Nam, trong khi chờ vaccin của Bộ NNPTNT cấp, ngành thú y đã phải đi “mượn” vaccin để dùng. Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý chi cho Sở NNPTNT gần 1 tỷ đồng để mua vaccin, nhưng do đang làm thủ tục nên chi cục đã chủ động đi mượn 15.000 liều để tiêm phòng trước.
Lo dịch sẽ làm thiếu hụt thịt dịp Tết
Bộ NNPTNT rất lo ngại dịch tai xanh lan rộng các tháng cuối năm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Cục Chăn nuôi theo dõi tình hình dịch và chăn nuôi để chỉ đạo cân đối cung - cầu thịt, nhất là thịt phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ diễn biến khó lường ở các tỉnh phía Nam, dịch bệnh tai xanh còn có nguy cơ lây lan ra miền Bắc. Nếu “kịch bản” này diễn ra, thì người chăn nuôi thực sự sốc. Vì ngay tại thời điểm này, người chăn nuôi các tỉnh phía Bắc đang phải đối mặt với thực tế là giá đầu ra của sản phẩm đang giảm mạnh, nguy cơ lỗ cao.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y tăng cường kiểm soát (kiểm dịch) vận chuyển lợn tuyến Bắc - Nam không để tình trạng vận chuyển lợn từ các vùng có dịch tai xanh từ phía Nam ra phía Bắc.
Các tỉnh có dịch phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Cục Thú y phải sớm kết luận về hiệu lực và cơ sở pháp lý về việc tiêm vaccin tai xanh nhược độc của Trung Quốc để triển khai trên diện rộng...
Quảng Nam: Dịch tràn lan vẫn xin không công bố
Tính đến thời điểm này, đã có gần 900 con lợn của 86 hộ dân thuộc các huyện Điện Bàn, Đại Lộc và TP.Hội An của tỉnh Quảng Nam bị virus Lelystad tấn công. Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Thú y, một lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam phát biểu: “Dịch tai xanh trên lợn đã lắng xuống, nếu công bố dịch thì sợ ảnh hưởng đến người nuôi lợn ở các địa bàn khác chưa có dịch nên chúng tôi chưa đề xuất tỉnh công bố dịch”.
Đây cũng là quan điểm của ông Đặng Hữu Lên - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - huyện có đến 10 thôn của 4 xã (Điện Ngọc, Điện Thắng Nam, Điện Tiến, Điện Hòa) bùng phát dịch bệnh tai xanh. Theo ông Lên, sở dĩ Điện Bàn không công bố dịch vì sợ người chăn nuôi lao đao do không bán được lợn, kéo theo đó nhiều dịch vụ kinh doanh các sản phẩm từ lợn cũng bị ngừng trệ. Ông Lên còn cho biết: Chúng tôi đang đề xuất lên tỉnh yêu cầu không công bố dịch vì mấy ngày nay dịch đã được khống chế, số lợn chết không còn tăng lên.
Chính vì địa phương không công bố dịch và có những biện pháp tương thích nên từ vài ổ dịch ban đầu, dịch tai xanh ở Quảng Nam đã lan rộng ra. Ngay sau khi có dịch tai xanh nhiều ngày, tại Điện Bàn, Hội An tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn vẫn diễn ra bình thường.
Ông Huỳnh Hóa - phụ trách thú y xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) - khẳng định, dịch tai xanh không hề có dấu hiệu chững lại như trong các báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, mà ngược lại, đang diễn biến rất phức tạp. Cũng theo ông Hóa, do sự lừng khừng công bố dịch của huyện và tỉnh, cũng như thiếu những biện pháp dập dịch cương quyết, đồng bộ trên cả tỉnh nên thực tế có hiện tượng người dân giấu dịch, bán tháo bán đổ lợn dịch.
Vân Anh - Trương Hồng
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.