Điện Biên say đắm lòng trên từng cánh hoa ban

Nguyễn Thanh Mừng Thứ ba, ngày 06/05/2014 08:01 AM (GMT+7)
Nhớ lần tới Điện Biên, đầu tiên chúng tôi được cùng bạn bè ăn lam cá bống suối hoa chuối rừng và uống rượu "xam xiêu".
Bình luận 0
Cái vị "sơn hào" sâu đậm ấy, theo lời một sơn nữ Mường Lay, đơn giản được người Thái sáng tạo bằng hoa chuối bao tử, tức loại mới nhô khỏi nõn chưa có quả, bỏ lõi thái nhỏ trộn với cá suối, mùi gai, lá tranh, mắc khén, ớt bột, muối mì chính, rồi bỏ vào ống lam cho tới chín mềm, giở ra là nghe hương vị Tây Bắc ngàn trùng!

Được đánh giá là ngon hơn món nướng, lam là cách làm chín thức ăn cổ truyền của người vùng cao, đặc biệt Tây Bắc có nhiều loại lam độc đáo bên cạnh món nhiều nơi có là cơm lam.
img
Tây Bắc ngàn trùng.
Người sơn nữ còn giới thiệu món lam chéo măng, lấy măng tươi đem ngâm nhũn ướp trong ống lam với cá mương và da trâu nướng phồng thái mỏng, cho gia vị hương liệu vào quay trong ngọn lửa liu riu. Khi ăn đem đánh nhuyễn ra thành món chéo. Món này chúng tôi được dùng trong bữa tối với cơm và buổi sáng với xôi tại khách sạn Điện Biên Phủ.

Khách văn chương cần phải nếm đủ mùi vị ẩm thực trứ danh của mỗi vùng đất mình đặt chân tới, đó là lý do mà người Điện Biên mến khách đưa ra kèm món giò lam và rượu ong đất. Gặp người Điện Biên nào cũng tiếp tục cho chúng tôi ấn tượng về núi rừng Tây Bắc cao rộng và hào phóng, qua khèn bè, qua tính tẩu, qua những khúc dân ca, qua các món ăn và qua rượu.
img
GSTS Nguyễn Xuân Kính (phía trái) cùng đoàn xem hầm Đờ Cát.
Chúng tôi đi thăm Mường Phăng, lán chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay cửa ngõ chuẩn bị vượt núi, người ta bày bán rượu và các loại đặc sản như ngọc đá, sâm đất, sâu chít, ong đất để khách phương xa tha hồ chọn lựa.

Thực ra quãng đường không dài nhưng lại quá đẹp, thỉnh thoảng bông nghệ nở xôn xao, hoa chuối rừng le lói, nhưng hơi bị nhiều vắt. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng công tác ở Tây Bắc lâu năm nên rất nhiều kinh nghiệm, đưa tôi một hộp dầu cù là dặn xoa kỹ chân tay và cho ống quần vào bên trong đôi vớ.

Thật cảm động là ngay giữa di tích lán chỉ huy, chúng tôi đã bày một tiệc nhỏ, giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ ôn lại những tháng ngày ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, ông mới có dịp quay về thăm lại chiến trường xưa, nơi ra đời bài hát "Nghe tin chiến thắng", một trong những bài hát vang lên mấy ngày sau 7.5.1954.
img
GSTSKH Tô Ngọc Thanh (ngồi ngoài cùng, bên trái) chủ trì Hội nghị BCH Hội Văn nghệ dân gian VN tại Điện Biên Phủ
Một điểm tham quan ít người bỏ qua là cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát. Rồi đến đồi A1, D1... Rồi tỏa đi các cửa khẩu Tây Trang, Ma Lù Thàng, những cái tên thường gợi đến những cơn gió dại và sự hoang vu.

"Trưa ghé Yên Châu núp bóng xoài - Mùi hương Bình Định thoảng đâu đây - Bỗng dưng chén rượu Tây Trang tiễn - Trăm suối qua rồi mới bốc say", tôi lẩm nhẩm đọc những câu thơ Yến Lan và thầm thương cái tình quê của một nhà thơ Bình Định thật thà. Thì ra tuổi trẻ Yến Lan khá là thiên lý mà là loại thiên lý hết sức đắm đuối. Chẳng rõ ông có lạc vào cái bản mường nào với mê cung rượu như tôi không.

Trước khi vào Mường Pồn, tôi đã được nghe kỹ về người Thái trắng, Thái đen, về trang phục, nhà cửa, phong tục của đồng bào nơi đây… Nhưng thú thật, đến một ngôi nhà sàn với cuộc mời rượu từ ngoài ngõ vào, do các thiếu nữ Thái khăn piêu tận tay chuốt, rồi cuộc múa xòe thỉnh thoảng ly rượu được áp vào môi không từ được, nhiều anh chị em trong đoàn bỗng nhiên bị "rơi rụng sạch" những kiến thức dân tộc học.
img
Chụp ảnh lưu niệm tại đất trời Mường Thanh.
Có người tỏ rằng "khôn" tính ngậm rượu rồi nghiêng vai lau miệng cho nó chuồi bớt xuống vai áo. Nhưng kế hoạch trên rất bất khả thi vì hai tay đã được hai sơn nữ kéo theo vòng múa, lại có người cho luôn một cú "cù" vào nách, thế là rượu chảy thẳng vào lòng! Thực ra chỉ mấy anh tre trẻ láu cá mới dễ bị như vậy. Còn các cụ và cánh phụ nữ trong đoàn thì… vô tư.

Ở Điện Biên chủ yếu là người Thái đen. Đen trắng chỉ là biểu trưng cho một nhóm thị tộc được tách làm đôi chứ không phải do mầu da. Bởi các cô Thái đen đều có màu da nếu sánh với sản vật địa phương thì từ cỡ… hoa ban trở lên. Hoa ban trắng, trắng đến nao lòng, mọc ra từ truyền thuyết cô gái đẹp đi theo bạn tình, trên dấu chân để lại loài hoa trắng muốt như lòng nàng trinh bạch.

Nhà của người Thái đen có vòm đầu hồi hình mai rùa gọi là tụp cống, đặt biểu tượng bằng gỗ sáng như hai chiếc sừng gọi là khau cút. Cô gái Thái đen có chồng thì phải làm lễ "khửn cẩu". Lúc trời rạng sáng, người ta mang lễ vật gồm hai bát gạo hai quả trứng gà, hai bông hoa đỏ đựng trong đĩa nước vo nếp, một đôi bó tóc của mẹ chồng, kết với bó tóc cô dâu để "tẳng cẩu".

Trong búi tóc "tẳng cẩu" ấy có hai vòng tay bằng bạc, cây trâm có đế bằng đồng tiền bạc, đính sợi dây xọi gập đôi. Người Thái ở Điện Biên thích trang phục bằng những gam mầu mạnh, đậm, vững, từ váy áo đến chiếc khăn piêu truyền thống. Mạnh, đậm (còn có vững hay không thì chưa dám so sánh) như rượu "xam xiêu" (ba lần cất), nhúng đầu đũa hơ lên bếp là cháy rần rật như ngọn bấc.

Ngửi thấy mùi "xam xiêu", người miền ngoài miền trong miền giữa chẳng biết có nghĩ về danh tửu Làng Vân, Gò Đen, Làng Chuồn hay không nhưng người Bình Định bỗng nhớ quay quắt mùi Bầu Đá. Như nhà thơ Yến Lan ghé bóng xoài Yên Châu mà nhớ hương xoài Bình Định vậy.
img
Cùng GS Trần Quốc Vượng (thứ 5, trái qua), NS Tô Vũ (thứ 4, phải qua) tham quan di tích Điện Biên Phủ
Chúng tôi vượt vạn dặm đường, qua những Pha Đin, Tăng Quái, trăm suối ngàn khe để đến với lòng chảo Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm, Nậm Rốm… đến với non nước mây trời Điện Biên trong nỗi niềm mà có người gọi tên bằng một cụm từ cổ điển là "hùng tâm tráng khí".

Điện Biên bên cạnh ánh hào quang của chiến công, nó còn được tô điểm bởi những tấm lòng con người sở tại, hào hiệp, tận tâm, mến khách. Những cư dân Điện Biên đã thổi hồn mình vào di tích bằng nền văn hóa truyền thống bản địa, bằng tâm thức miền đất (Mường Thanh đúng ra là Mường Then, xứ sở Nhà Trời) có con đèo Pha Đin, chính ra là Phạ Đin, nơi gặp gỡ giữa Trời và Đất.

Ấn tượng bằng sức hút của sự sôi động lẫn điềm tĩnh, cái sôi động lẫn điềm tĩnh của một vùng đất đã đi qua thời điểm ác liệt nhất và huy hoàng trong lịch sử đất nước để kết tinh thành biểu tượng của khí phách, của lương tâm.
img
Bình lặng Điện Biên. Ảnh Hoàng Kim Đáng
Dường như Điện Biên đã hóa thân trong từng làn da trắng, từng lọn tóc xanh, từng lam cá bống suối búp chuối rừng, từng giọt rượu ngất ngây nghĩa tình bè bạn, từng cánh hoa ban mở ra những nụ cười mê hồn giữa trời cao đất rộng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem