"Điên đầu" vì con rối loạn tăng động giảm chú ý

Diệu Linh Thứ tư, ngày 27/04/2022 06:08 AM (GMT+7)
Khoảng 3,2-9,3% trẻ em Việt Nam bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Khi nghi ngờ con bị tăng động giảm chú ý, cha mẹ nên đưa con đi khám để được điều trị.
Bình luận 0

Gia đình nháo nhào vì có con bị tăng động giảm chú ý

Chỉ nghĩ con nghịch ngợm hơn bình thường nên khi các bác sĩ chẩn đoán con bị tăng động giảm chú ý, chị Trần Hồng Mai (Hà Nội) cảm thấy rất sốc.

Chị kể, từ lúc bắt đầu biết xoay, biết bò là con chị đã nghịch ngợm hơn bình thường. Con thường xuyên lăn lê, leo trèo, nhảy nhót. Người lớn chỉ sơ sểnh không để ý kỹ là con sẽ nhảy nhót đến mức bị xây xước, vỡ đầu chảy máu. Lúc cấm đoán con còn la hét, khóc lóc hàng giờ khiến cả nhà đều mệt mỏi.

Đến khi con 2 tuổi, chị cho con đi nhóm trẻ rồi nhà trẻ nhưng không nơi nào nhận vì con chị quá nghịch ngợm. Có lúc chị muốn đưa con đi khám thì bố mẹ chồng mắng át đi, nói là con chỉ nghịch ngợm và "nghịch mới thông minh".

Mới đây, khi con nhảy từ cao xuống gãy chân, đưa đi viện điều trị thì con la hét và không yên được lúc nào. Lúc đó, các bác sĩ nghi ngờ và khuyên chị đưa con đi chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán con chị bị tăng động giảm chú ý và cần điều trị.

"Điên đầu" vì con rối loạn tăng động giảm chú ý - Ảnh 1.

Trẻ tăng động giảm chú ý thường khiến cha mẹ điên đầu. Ảnh minh họa Istockphoto

Chẩn đoán tăng động giảm chú ý ở trẻ vẫn còn nhiều thách thức

Tại buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chiến lược toàn diện trong quản lý trẻ tăng động giảm chú ý” vừa diễn ra, bác sĩ Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn bao gồm suy giảm sự tập trung chú ý, hoạt động thái quá và hấp tấp, bốc đồng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 – 9,3% và trẻ tăng động giảm chú có kèm những rối loạn đồng diễn là 67%.

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, và trẻ mắc chứng ADHD bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên – Trưởng khoa Khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em – Bệnh viện Tâm thần HCM, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến.

Bệnh có biểu hiện đôi khi khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của cá thể, nhưng lại có khi khá tương đồng với một số rối loạn phát triển thần kinh, hay rối loạn tâm thần khác.

Ngoài ra, hầu hết các cá nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ có biểu hiện lâm sàng khá phức tạp. Do đó, rất khó chẩn đoán cũng như lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

"Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán tăng động giảm chú ý tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, trẻ bị tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn trong sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội… so với trẻ bình thường.

"Điên đầu" vì con rối loạn tăng động giảm chú ý - Ảnh 2.

Một trong những biểu hiện tăng động giảm chú ý là trẻ hoạt động liên tục. Ảnh minh họa Istockphoto

Các dấu hiệu trẻ bị tăng động giảm chú ý

Bác sĩ Thành Ngọc Minh cho biết, các biểu hiện của giảm chú ý bao gồm:

- Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi

- Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.

- Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.

- Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở.

- Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.

- Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.

- Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.

- Khó khăn tổ chức hoạt động.

Các biểu hiện tăng hoạt động:

- Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên.

- Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.

- Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.

"Điên đầu" vì con rối loạn tăng động giảm chú ý - Ảnh 3.

Khi cha mẹ nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa. Ảnh minh họa Istockphoto

- Nói quá nhiều.

- Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.

- Khó khăn khi phải chờ đợi.

- Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.

"Ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý: Các biểu hiện trên phải kéo dài trên 6 tháng, xuất hiện trước 12 tuổi, xảy ra cả ở nhà, trường học và nơi công cộng. Đồng thời rối loạn này cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của trẻ.

Do đó, khi cha mẹ nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được khám, đánh giá và lập kế hoạch điều trị", bác sĩ Minh khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem