Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Một tàn tích cháy rụi!" Đó là những gì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói vào tháng 12 trong chuyến thăm ngắn ngủi của ông tới Bakhmut, một thành phố đông nam bị tàn phá nặng nề, tâm điểm của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trận chiến giành Bakhmut là một trong những chiến trường dữ dội và kéo dài nhất của cuộc xung đột đã bước sang năm thứ hai.
Theo các báo cáo, kể từ tháng 8/2022, hàng trăm binh sĩ của cả hai bên bị giết mỗi ngày.
Dân số trước chiến sự của Bakhmut ở mức 70.000. Thành phố này là một phần của quần thể lớn hơn bao gồm thị trấn Soledar ở phía đông bắc. Soledar đã thuộc kiểm soát của Nga 2 tháng trước nhờ vào nỗ lực của nhóm lính đánh thuê Wagner.
Nhà phân tích Aleksey Kushch ở Kiev nói với Al Jazeera: "Hiện tại, giao tranh ở Donbass gắn liền với sự liên kết".
Mối liên kết Bakhmut-Soledar là chìa khóa để chiếm giữ các thành phố và thị trấn quan trọng về mặt chiến lược và được củng cố nghiêm ngặt khác của Donbass, bao gồm Chasiv Yar, Kramatorsk và Sloviansk.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Moscow đã đánh giá quá cao khả năng của mình và cố gắng tiến công theo 5 hướng cùng lúc dọc theo chiến tuyến kéo dài khoảng 1.200 km, theo chuyên gia quân sự hàng đầu của Ukraine.
"Quân đội Nga dàn trải quá mỏng", Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói với Al Jazeera.
Lực lượng Nga đang cố gắng chiếm lấy thị trấn Kreminna, cách Bakhmut 75 km về phía bắc và Vuhledar, cách 150 km về phía nam.
Mặc dù vậy, các lực lượng Kiev chỉ cần cầm cự thêm vài tuần nữa cho đến khi các loại vũ khí tinh vi của phương Tây, bao gồm cả xe tăng Leopard tiên tiến được thiết kế để chiến đấu và tiêu diệt các phương tiện bọc thép thời Liên Xô, được chuyển đến, và các lực lượng bổ sung của Ukraine được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí này.
"Khi ấy, chúng tôi sẽ sẵn sàng cho một cuộc phản công", ông Romanenko nói.
Nếu Ukraine chọn rút quân khỏi Bakhmut, quyết định này cũng sẽ không phải là thảm họa.
Nikolay Mitrokhin, nhà sử học tại Đại học Bremen của Đức, cho biết thành phố này vẫn quan trọng với vai trò là trung tâm tuyến phòng thủ thứ hai của lực lượng Ukraine ở Donbass. Ông nói với Al Jazeera: "Sau khi để mất Soledar và bị bao vây 3 phía rưỡi trong số 4 phía xung quanh Bakhmut, tầm quan trọng của khu vực này đã giảm đi đáng kể".
Ông nhấn mạnh: "Thất bại của Ukraine tại Bakhmut sẽ không ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến".
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các lực lượng Nga sẽ không gặp phải những trở ngại lớn khi xông vào tuyến phòng thủ thứ ba của Ukraine, cụm liên kết Toretsk trải dài gần 100 km về phía tây của Bakhmut, ông lưu ý.
"Với tốc độ hiện tại của Moscow - xét đến sự kháng cự của lực lượng Ukraine và thời tiết mùa xuân với địa hình ẩm ướt - người Nga sẽ bao vây Chasiv Yar trong vài tuần tới", ông Mitrokhin nói. "Nhưng vào giữa tháng 5, họ sẽ khó đến được vùng ngoại ô Konstantinovka và Kramatorsk, hai thị trấn chiến lược chỉ cách Bakhmut lần lượt 27km và 55km về phía tây".
"Họ sẽ mất một năm hoặc hơn để xông vào tuyến phòng thủ thứ ba dọc biên giới Donetsk và Luhansk, bao gồm hàng trăm căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt, cùng một mê cung các chiến hào và hầm trú ẩn", ông nói thêm.
Các nhà lãnh đạo quân sự phương Tây cũng nghĩ rằng việc Ukraine rút quân khỏi Bakhmut sẽ không thay đổi tình hình chiến sự.
"Tôi nghĩ việc Nga giành được Bakhmut mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm 6/3. "Ukraine thất thủ ở Bakhmut không có nghĩa là người Nga đã thay đổi cục diện cuộc chiến này".
Nga cũng mắc phải một số sai lầm có thể cản trở bước tiến của họ.
Kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2/2022, Điện Kremlin đã dựa vào chiến thuật từ thời Liên Xô là sử dụng hỏa lực pháo binh ồ ạt và phá hủy hầu hết mọi thứ trên đường đi. Kết quả là các lực lượng Nga hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn trầm trọng, được gọi là "cơn đói đạn dược". Thậm chí, người đứng đầu nhóm Wagner, ông Yevgeny Prigozhin đã giận dữ và phàn nàn về việc thiếu hụt trang thiết bị quân sự.
Để đối phó với tình hình này, Moscow hiện đang huấn luyện khoảng 200.000 quân nhân, đồng thời tăng cường chuẩn bị trang thiết bị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.